Chủ Nhật, 12/11/2017, 11:02 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Vì sự phát triển của khu vực và thế giới

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại; Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; Syria giải phóng thành trì cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS)… là những sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm trong tuần qua.

1. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách đây 100 năm, ngày 7-11-1917, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga trở thành một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Từ đây, một thời đại mới đã mở ra cho nhân loại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng mọi ách áp bức bóc lột, bất công, hướng tới xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, tất cả vì con người và cho con người.

 V.I.Lê-nin, lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu
V.I.Lê-nin, lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Mười Nga là cái mốc đầu tiên đánh dấu thắng lợi vĩ đại của học thuyết Mác-Lênin, mở ra con đường đi đến thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở một số nước như: Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa dân chủ Đức, Cuba, Việt Nam..., tạo nên những tiền đề thực tế cho sự ra đời của một hệ thống xã hội mà trước đó chưa từng tồn tại trong lịch sử.

Một thế kỷ đã trôi qua nhưng sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn in đậm trong ký ức của nhân dân thế giới, tiếp tục soi sáng trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam là kiên trì con đường đi lên CNXH.

2. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Tuần lễ Cấp cao APEC là sự kiện cuối cùng và quan trọng nhất trong Năm APEC Việt Nam 2017, là một trong những trọng tâm đối ngoại của Việt Nam từ nay đến năm 2020, có sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC và hơn 10.000 đại biểu khu vực, quốc tế.

Một số sự kiện quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC gồm hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 25 vào ngày 11-11, đối thoại cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN chiều 10-11, lễ đón chính thức, tiệc chiêu đãi các lãnh đạo APEC tối 10-11, và hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC sáng 8-11.

dd
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm trong trang phục APEC Việt Nam 2017. Ảnh: chinhphu.vn

Đây là dịp để các bên tiếp xúc, gặp gỡ song phương, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu, và thảo luận tương lai của các chính sách kinh tế khu vực - thế giới, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân ở khu vực.

Tiếp nối các ưu tiên của Peru - chủ nhà APEC 2016, Việt Nam đã lựa chọn 4 ưu tiên cho năm APEC 2017, bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cương vị chủ nhà APEC 2017, Việt Nam có trọng trách cùng các thành viên biến quyết tâm của các nhà lãnh đạo APEC thành những kết quả cụ thể, đưa APEC đến gần hơn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.

3. EU bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 10-11, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini nhấn mạnh, EU sẽ bảo vệ để thỏa thuận hạt nhân Iran được thực thi.

fdf
Bà Federica Mogherini. Ảnh: TTXVN

Bà Mogherini cho biết thỏa thuận hạt nhân Iran là “một thành tựu lớn của ngành ngoại giao đa phương châu Âu và quốc tế đang mang lại kết quả” và EU sẽ đảm bảo để thỏa thuận hạt nhân Iran "tiếp tục được tất cả các bên thực thi đầy đủ, trên tất cả các mặt”.

Trước đó, ngày 13-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân được ký dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, bất chấp việc các thanh sát viên quốc tế khẳng định Tehran vẫn tuân thủ.

Đây là một kịch bản mà EU không hề mong muốn do lo ngại có thể sẽ gây ra những tác động ngược đối với Trung Đông, đồng thời mất đi mọi cơ hội có thể đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.

4. Syria giải phóng thành trì cuối cùng của IS

Ngày 9-11, Bộ Tư lệnh Quân đội và các lực lượng vũ trang Syria tuyên bố đã tiến công giải phóng thành phố Al-Bukamal, thành trì cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên vùng sa mạc phía Đông Syria. Thế nhưng điều đó vẫn không đồng nghĩa với việc hòa bình sẽ sớm được lập lại trên mảnh đất Trung Đông vốn nhuốm đầy máu lửa suốt 6 năm qua.

fg
Binh sĩ quân đội Syria. Ảnh: therenaissanceng.com

IS bị tiêu diệt thì một nhóm khủng bố khác lại nổi lên. Syria cho biết hơn 25.000 tay súng thuộc 70 nhóm khác nhau đã cấu kết thành liên minh khủng bố mới tại Syria có tên gọi Heyat Tahrir Al-Sham (HTS). Điều nguy hiểm hơn, sau khi IS thất bại, nhiều tay súng của tổ chức này đã chạy sang đầu quân cho HTS.

Cuộc chiến với HTS lại càng phức tạp khi tổng hành dinh của chúng nằm trên bán đảo Sinai. Israel, quốc gia có thù địch với Syria lại đang kiểm soát 2/3 bán đảo này. Các cuộc tấn công HTS trên bán đảo Sinai đã khiến va chạm quân sự xảy ra giữa Tel Aviv và Damascus.

Hòa bình tại Syria không còn nằm trong quyền tự quyết của người dân nước này nữa. Để có lại hòa bình chắc chắn Liên hợp quốc phải can thiệp và các cường quốc đang can dự tại Syria phải ngồi lại với nhau.

5. Đông Âu lại nóng lên

Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Mỹ đã chấp thuận cấp thêm tên lửa chống tăng hiện đại Javelin cho Ukraine.

Theo đó, ngay trước khi công bố sẽ cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Quốc hội Mỹ cũng đã đồng ý về dự thảo ngân sách quốc phòng của nước này cho năm tài chính 2018. Trong khoản ngân sách này, Ukraine được cung cấp 350 triệu USD cho mục đích quân sự, trong đó có cả tên lửa chống tăng Javelin.

dfgdf
Tên lửa chống tăng hiện đại Javelin của Mỹ. Ảnh: ABCNews

Dù là lần thứ 2 Mỹ thông qua việc cấp Javelin cho Ukraine nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ lên tiếng về vấn đề này. Hồi tháng 5-2017, quân đội chính phủ Ukraine đã chính thức sở hữu dòng tên lửa chống tăng Javelin.

Việc cấp tên lửa chống tăng nguy hiểm này được đánh giá là có thể làm tình hình khu vực thêm nóng lên trong bối cảnh xung đột tại miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.

6. Rò rỉ 'Hồ sơ Paradise'

Một năm rưỡi sau Hồ sơ Panama - vụ rò rỉ thông tin cho báo chí lớn nhất trong lịch sử, thế giới lại được một phen chấn động vì Hồ sơ Paradise (Thiên đường), tập tư liệu hàng ngàn trang mô tả chi tiết cách trốn thuế của những người giàu nhất thế giới, các công ty đa quốc gia.

fgdfg
Vụ Paradise Papers đang làm chấn động giới siêu giàu và tinh hoa thế giới. Nguồn: ICIJ

Nhiều quốc gia ngay lập tức đã thành lập nhóm quan chức chính phủ để điều tra các trường hợp có trong Hồ sơ Paradise.

Hồ sơ Paradise là thành quả điều tra của báo Nam Đức cùng Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế ICIJ, hợp tác với các tờ báo lớn như Guardian, BBC và New York Times.

Theo ICIJ, Hồ sơ Paradise gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu sẽ lần lượt được công bố, hé lộ những thông tin về tài khoản tại nước ngoài của những người giàu có nhất thế giới; những thiên đường thuế và cả cách thức mà các tập đoàn đa quốc gia sử dụng để lách luật, bảo vệ tài sản của mình.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.