Chủ Nhật, 18/03/2018, 22:04 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Ăn miếng, trả miếng

Quan hệ Nga và phương Tây vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” lại càng thêm rạn nứt sau vụ cựu điệp viên người Nga bị đầu độc cũng như các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ngoài ra, việc Saudi Arabia dọa phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Iran... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

1. “Khẩu chiến” kèm theo sự đáp trả giữa Nga và phương Tây

Vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tiếp tục khiến quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây căng thẳng.

Ngày 14-3, Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Nga đứng sau vụ cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia bị đầu độc; đồng thời đã đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh.

Nga đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng chống lại Anh "bất kỳ lúc nào". Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga chắc chắn sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Anh tại Nga.

Mỹ, Anh và Pháp đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích Nga đứng sau vụ việc. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, hội nghị thượng đỉnh của EU vào tuần tới sẽ thảo luận về vấn đề này.

sdf
Quan hệ giữa Anh và Nga đang ở giai đoạn xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cựu điệp viên Nga sống ở Anh bị đầu độc. Ảnh: Alamy

* Ngày 15-3, Mỹ đã thông báo lệnh trừng phạt nhằm vào 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga với các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như tiến hành các cuộc tấn công mạng, các cáo buộc mà Nga đã bác bỏ.

Trước đó, giới tình báo Mỹ đã kết luận có dấu hiệu Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, gây ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, Nga đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng cáo buộc này là vô căn cứ. Nga cũng lên tiếng cho biết đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của Washington.

Đáp lại, phía Nga cũng khẳng định Moskva sẽ đáp trả việc Mỹ mới áp đặt các lệnh trừng phạt, bằng cách mở rộng "danh sách đen" gồm các công dân Mỹ. Nga sẽ sử dụng nguyên tắc tương đương nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Moscow vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016 cũng như các vụ tấn công mạng. Hơn nữa, Moskva không loại trừ có thêm những biện pháp khác.

Trên thực tế, bất cứ sự trừng phạt hay trả đũa nào cũng sẽ gây tổn hại cho lợi ích của cả hai bên, làm gián đoạn cuộc chống khủng bố, cực đoan. Bên cạnh đó, an ninh và hòa bình thế giới sẽ bị đe dọa bởi thiếu đi nỗ lực hợp tác bình ổn của các nước lớn.

2. Mỹ chi 500 triệu USD bảo đảm an toàn trường học trước bạo lực súng đạn

Với 407 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 14-3 đã thông qua một dự luật nhằm bảo đảm an toàn trường học.

Dự luật cho phép tài trợ 500 triệu USD trong 10 năm để cải thiện việc đào tạo, phối hợp giữa các trường học và cơ quan thực thi pháp luật địa phương, đồng thời giúp xác định các dấu hiệu của bạo lực tiềm ẩn.

asda
Sinh viên, học sinh biểu tình với khẩu hiệu "thế là quá đủ" nhằm yêu cầu chính phủ siết chặt kiểm soát súng đạn. Ảnh: ABC News

Nhà Trắng ca ngợi việc Hạ viện thông qua dự luật này, gọi đây là bước quan trọng để bảo vệ an toàn cho học sinh Mỹ. Dự luật này còn phải được trình lên Thượng viện để xem xét thông qua trước khi chính thức có hiệu lực thi hành.

Đây là hành động đầu tiên của Quốc hội Mỹ kể từ khi xảy ra vụ nổ súng đẫm máu tại trường trung học ở Parkland, bang Florida hồi tháng trước, khiến 17 người thiệt mạng. Vụ tấn công đã thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận nước Mỹ và các cuộc biểu tình, tuần hành đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn, yêu cầu chính phủ siết chặt kiểm soát súng đạn.

Tổng thống Donald Trump trước đó cũng đã nêu ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại học đường. Tuy nhiên, câu chuyện đảm bảo quyền sở hữu súng phòng vệ với đảm bảo trật tự trị an vẫn chưa có hồi kết ở Mỹ.

3. Saudi Arabia dọa phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Iran

Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman phát biểu rằng Riyadh không mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Song ông cũng cảnh báo rằng "nếu Iran phát triển bom hạt nhân, chúng tôi dứt khoát sẽ làm theo như vậy sớm nhất có thể”.

Tuyên bố trên làm dấy lên lo ngại sắp sửa có một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông vốn đã đầy rẫy xung đột, bất ổn.

dfg
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Fortune

Hồi đầu tuần, chính phủ Saudi Arabia thông qua chính sách phát triển chương trình hạt nhân, bao gồm việc giới hạn các hoạt động cho mục đích hòa bình và trong phạm vi được quốc tế quy định. Giới quan sát cho rằng Saudi Arabia hiện tại không cố phát triển vũ khí hạt nhân nhưng vẫn muốn có nền tảng công nghệ, phòng trường hợp Iran phát triển bom hạt nhân.

Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân từ năm 1988. Chưa có bằng chứng cho thấy Saudi Arabia phát triển vũ khí hạt nhân nhưng có thông tin cho rằng Riyadh từng đầu tư vào dự án vũ khí hạt nhân tại Pakistan.

Saudi Arabia và Iran vốn là đối thủ lâu năm tại Trung Đông. Mỗi quốc gia này lại bị chi phối bởi các nhánh Hồi giáo khác nhau là dòng Sunni (Saudi Arabia) và dòng Shitte (Iran). Trong những năm gần đây, căng thẳng thêm phần gia tăng giữa hai quốc gia liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Syria và Yemen.

4. Nhà bác học Stephen Hawking qua đời

Nhà khoa học được coi là có ảnh hưởng lớn nhất trong kỷ nguyên hiện đại Stephen Hawking đã qua đời ở tuổi 76 ở nhà riêng của ông ở thành phố Cambridge (Anh).

sdf
Nhà bác học Stephen Hawking. Ảnh: thesun.co.uk

Stephen Hawking sinh ngày 8-1-1942, là một nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học và hiện giữ vai trò Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học lý thuyết của Đại học Cambridge. Ông cũng nổi tiếng với cuốn sách "Lược sử thời gian" viết về vũ trụ. Đây được mệnh danh là quyển "best-sellers chưa đọc" - ý nói rất nhiều độc giả đã sở hữu cuốn sách nhưng đa phần trong số họ không ai có thể hiểu hết được lượng kiến thức khoa học trong đó, thậm chí không thể đọc hết.

Sự ra đi của Hawking không chỉ là một tin buồn đối với giới khoa học mà còn cả những người quan tâm đến vật lý và vũ trụ học. Cuộc đời ông là những chuỗi ngày sống chung với căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) và tìm kiếm lời giải cho những bí ẩn của vũ trụ.

Vì nhiều lý do ở cả đóng góp khoa học lẫn hình tượng cá nhân, Stephen Hawking được xem như một trong những nhà khoa học lừng lẫy nhất thời đại, với nhiều cuốn sách và cả phim ảnh về ông.

5. Bà Angela Merkel tái đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4

Quốc hội Đức ngày 14-3 đã bỏ phiếu thông qua thành phần chính phủ mới của nước này, theo đó bà Angela Merkel tái đắc cử chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4. Ngay sau đó, bà đã tuyên thệ nhậm chức.

sdf
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: International Policy Digest

Trong lễ tuyên thệ, bà Merkel cam kết sẽ nhanh chóng bắt tay vào công việc sau một thời gian dài tìm cách thành lập chính phủ liên minh. Các Bộ trưởng sẽ tuyên thệ cùng ngày, ngay sau khi bà Merkel hoàn thành nhiệm vụ này của mình.

Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến nay, bà Merkel, xuất thân từ ngành khoa học tự nhiên, luôn dẫn dắt nước Đức xứng đáng là đầu tàu kinh tế của châu Âu và giữ vững ngôi vị nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, vượt qua mọi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu.

Giữ vững chính sách trung lập chống lại mọi sức ép, tăng cường củng cố quan hệ với các nước lớn nhằm duy trì vị thế lớn mạnh của Đức trên trường quốc tế, song mềm dẻo trong chính sách thuận theo lòng dân, những điều này làm nên một nhà lãnh đạo Merkel "Bà đầm thép" hay "Mutti" (Người mẹ) của hàng triệu dân nước Đức.

6. Quốc hội Trung Quốc thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp

Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã thông qua các nội dung sửa đổi hiến pháp, trong đó có đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí chủ tịch nước.

df
Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ giúp ông Tập Cận Bình có thêm thời gian ở vị trí lãnh đạo tối cao tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Điều này sẽ mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ 2 của ông kết thúc vào năm 2023. Ông Tập Cận Bình thực chất không phải thay đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền lực, bởi chức danh Chủ tịch nước là vị trí ít quan trọng nhất trong ba chức danh mà ông đang nắm giữ. Hai chức danh còn lại là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương vốn không bị giới hạn nhiệm kỳ.

Ngoài việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, nội dung sửa đổi hiến pháp lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua này còn bao gồm việc đưa tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc.

Các nội dung sửa đổi Hiến pháp là cần thiết bởi những thách thức Trung Quốc đang đối mặt không những đòi hỏi nước này phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà còn cần một đảng lãnh đạo thống nhất và vững mạnh.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.