Thứ Bảy, 26/05/2018, 16:00 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: "Chóng mặt" vì Mỹ - Triều

Cộng đồng quốc tế lại một phen "chóng mặt" với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông tuyên bố hủy Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nhưng chưa đầy 24 giờ sau lại bất ngờ đổi ý.

Ngoài ra, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử, các cường quốc và Iran gặp nhau lần đầu kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Lễ cưới Hoàng gia Anh... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

1. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có nguy cơ sụp đổ

Ngày 24-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh song phương Mỹ-Triều Tiên dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6 tới đây. Tuy nhiên, trong một động thái tiếp tục gây bất ngờ, ngày 25-5, ông Donald Trump lại tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn có khả năng diễn ra theo như kế hoạch ban đầu.

Về phần Triều Tiên, nước này tiếp tục “chìa cành ô-liu” với Mỹ. Bình Nhưỡng cởi mở trao thời gian và cơ hội cho phía Washington, sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ khi nào; cũng như liên tục bày tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ những vướng mắc cản trở hai bên tiến hành cuộc gặp. Điển hình như việc trả tự do cho 3 công dân Mỹ hay công tác dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Người dân theo dõi truyền hình đưa tin về Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. South China Morning Post
Người dân theo dõi truyền hình đưa tin về Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. South China Morning Post

Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye khẳng định ông Kim Jong-un vẫn sẵn sàng gặp Tổng thống Donald Trump bất cứ lúc nào, bất cứ cách nào, dù cho quyết định của ông Trump đang đi ngược lại mong muốn của cộng đồng toàn cầu đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Hầu hết các nước đều cho thấy sự thất vọng và tiếc nuối khi bỏ lỡ cơ hội hiếm có để chấm dứt sự đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng đồng nghĩa với việc khép lại cánh cửa hẹp dẫn tới tương lai hòa bình, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Hiện chưa rõ lý do gì khiến người đứng đầu nước Mỹ thay đổi quyết định nhanh đến vậy, khi mà chỉ một ngày trước đó, nhà lãnh đạo này kiên quyết hủy cho bằng được cuộc gặp mà cả thế giới đang trông chờ. Tuy nhiên, hai bên cần phải cùng nhau tạo dựng lòng tin để đạt tới mục đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

2. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử

Ngày 24-5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai sau khi giành chiến thắng với tỷ lệ cách biệt (gần 68% cử tri ủng hộ) trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 20-5.

Ông Nicolas Maduro đã tái đắc cử Tổng thống Venezuela nhiệm kỳ II. Ảnh: Reuters
Ông Nicolas Maduro đã tái đắc cử Tổng thống Venezuela nhiệm kỳ II. Ảnh: Reuters

Không giống như cách đây 5 năm khi đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Maduro hiện đối mặt với những thách thức vô cùng lớn, cả về chính trị, kinh tế và xã hội do những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, cũng như sức ép từ bên ngoài. Tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này đang duy trì ở mức cao, trong khi nền kinh tế bị xói mòn bởi tình trạng thiếu hụt lương thực, thuốc men, bùng phát bệnh dịch và sự di cư hàng loạt.

Trong bối cảnh trên, phe đối lập đã nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình nhằm tẩy chay cuộc bầu cử Tổng thống và xem đây là một sự kiện không bảo đảm công bằng, minh bạch. Ngay sau khi ông Maduro tái đắc cử Tổng thống Venezuela, Mỹ cũng đã đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Caracas và tuyên bố không thừa nhận kết quả bầu cử.

Đã đến lúc ông Nicolas Maduro bắt tay vào thực hiện các cam kết của mình trước những người dân, vốn đã trao “tương lai và hy vọng” vào tay nhà lãnh đạo 55 tuổi khi dùng chính lá phiếu của mình để đưa ông một lần nữa trở thành “vị thuyền trưởng" chèo lái "con thuyền” Venezuela.

3. Hội nghị quyết định tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước còn lại tham gia thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) này sẽ nhóm họp lần đầu tiên tại Vienna, Áo ngày 25-5.

Quang cảnh phiên họp ngày 25-5. Ảnh: irna.ir
Quang cảnh phiên họp ngày 25-5. Ảnh: irna.ir

Sự kiện này được chờ đợi bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong cuộc "chạy đua" mà các nước liên quan vẫn đang nỗ lực theo đuổi nhằm duy trì thỏa thuận vốn được coi là thành quả quý giá sau hơn chục năm nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ của các bên liên quan.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp còn là cơ hội để kiểm chứng mức độ nghiêm túc, quyết tâm của các bên đối với thỏa thuận, cũng như là dịp để đối thoại thẳng thắn hướng tới những bước đi cụ thể trong thời gian tới.

Ngày 8-5 vừa qua, ông Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, cho rằng thỏa thuận này không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của nước này trong các cuộc xung đột tại Trung Đông, cũng như không đề cập tình hình sau khi thỏa thuận hết hiệu lực vào năm 2025. Dù có chung các lo ngại trên, nhưng các nước châu Âu cho biết chừng nào Tehran tuân thủ các cam kết của mình, họ sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận.

4. Lễ cưới Hoàng gia Anh

Đám cưới của hoàng tử Anh Harry - con trai của thái tử Charles và cố công nương Diana - với nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle được tổ chức ngày 19-5 tại lâu đài Windsor, miền nam Anh Quốc, là một tâm điểm của truyền thông.

Ảnh: Chicago Tribune
Ảnh: Chicago Tribune

Câu chuyện tình như mơ giữa người cháu nội của Nữ hoàng Elizabeth II với một cô gái da màu được sự hưởng ứng của đông đảo người dân Anh Quốc. Tiếp theo lễ thành hôn, nhiều lễ hội được tổ chức góp phần mang lại một không khí vui tươi, đoàn kết cho xã hội Anh, vốn bị chia rẽ nặng nề sau quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu.

Đối với nhiều người, đám cưới của một thành viên Hoàng gia với một cô gái người Mỹ gốc Phi cho thấy ngay cả ở một trong những biểu tượng quan trọng nhất về việc duy trì truyền thống cũng không còn những rào cản về sắc tộc và màu da.

Đám cưới này còn thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới theo dõi bởi “dàn khách mời” hoành tráng như nữ hoàng truyền thông nước Mỹ Oprah Winfrey, cha xứ Michael Curry, ca sĩ Elton John, vợ chồng cựu cầu thủ David Beckham, ngôi sao tennis Serena Williams...

5. Kết luận về vụ MH17 quy trách nhiệm cho Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25-5 khẳng định, tên lửa của quân đội Nga không bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014, bác bỏ kết luận của các nhà điều tra Hà Lan cho rằng, hệ thống tên lửa của Moscow được sử dụng trong vụ tấn công này.

Quang cảnh buổi họp báo ngày 24-5 ở Bunnik, Hà Lan với phần quả tên lửa của quân đội Nga được trưng bày như bằng chứng. Ảnh: Reuters
Quang cảnh buổi họp báo ngày 24-5 ở Bunnik, Hà Lan với phần quả tên lửa của quân đội Nga được trưng bày như bằng chứng. Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng không thể tin tưởng hoàn toàn vào những kết luận của Hà Lan về vụ việc vì Nga không tham gia vào cuộc điều tra. Tuyên bố của ông Putin được đưa ra nhanh chóng, nhằm phản bác kết luận của Đội điều tra hỗn hợp (JIT) bao gồm đại diện Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ và Ukraine đưa ra cùng ngày trong cuộc họp báo tại Bunnik (Hà Lan).

Trước đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng Nga phải chịu một phần trách nhiệm đồng thời yêu cầu nước này thừa nhận và hợp tác với cuộc điều tra hình sự và các cuộc thương lượng về bồi thường. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa bắn rơi máy bay MH17 có thể thuộc quân đội Ukraine.

Ngày 17-7-2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine - nơi xảy ra giao tranh khốc liệt giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai được cho là do Nga hậu thuẫn. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu là người Hà Lan, chiếm 2/3 trong số hành khách và phi hành đoàn thuộc tổng cộng 17 quốc tịch.

6. Dịch Ebola đang đe dọa châu Phi

4.000 liều vaccine Ebola do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp đã tới Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, mở đầu cho chiến dịch quy mô lớn nhằm đẩy lùi sự lây lan của loại virus nguy hiểm gây chết người từ quốc gia Trung Phi này tới các khu vực khác tại “Lục địa đen”.

Chiến dịch tiêm vaccine Ebola bắt đầu được triển khai rộng rãi tại CHDC Congo. Ảnh: nih.gov
Chiến dịch tiêm vaccine Ebola bắt đầu được triển khai rộng rãi tại CHDC Congo. Ảnh: nih.gov

Nước này đang chạy đua nhằm tạo ra “lá chắn” chống lại dịch Ebola do lo ngại loại virus này sẽ lan rộng vượt tầm kiểm soát như đã từng xảy ra ở khu vực Tây Phi trong giai đoạn 2014-2016. Thời điểm đó, chủng virus này đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người ở Guinée, Sierra Leone và Liberia.

Trong đợt bùng phát từ đầu tháng 5 đến nay, tính đến ngày 22-5, dịch bệnh Ebola đã làm 28 người dân CHDC Congo thiệt mạng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.