Thứ Bảy, 12/05/2018, 21:55 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy Trung Đông bất ổn

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ví như “một mồi lửa” châm ngòi “thùng thuốc súng” Trung Đông trở lại.  Bên cạnh đó, việc Mỹ và Triều Tiên thống nhất chọn Singapore làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh, Cuộc bầu cử thủ tướng lịch sử ở Malaysia và ông Putin nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4… là những tin tức nổi bật được cộng đồng quốc tế quan tâm trong tuần qua.

1. Mỹ rút khỏi Thỏa thuận P5+1, kéo theo căng thẳng Israel-Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump rạng sáng 9-5 (giờ Việt Nam) đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà chính quyền Barack Obama đã tham gia ký kết vào năm 2015.

Ngoại trừ Mỹ, tất cả các thành viên còn lại (ít nhất về cách thể hiện bên ngoài), đều bày tỏ mong muốn giữ lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

5
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters

Việc ký quyết định rút khỏi thỏa thuận Iran được đánh giá là một bước đi đầy mạo hiểm của ông Trump. Khi mà Mỹ đã xé bỏ thỏa thuận nói trên, rất ít khả năng Iran sẽ lại chịu ngồi vào bàn đàm phán một lần nữa, đẩy cả khu vực vào thế căng thẳng. Không chỉ có vậy, trên trường quốc tế, uy tín của nước Mỹ cũng bị suy giảm.

Bên cạnh đó, quyết định này của ông Trump được cho là đã gây chia rẽ hơn nữa Trung Đông - một khu vực vốn đã phải đối mặt với quá nhiều khủng hoảng và xung đột triền miên, đặc biệt là giữa Iran và Israel. Căng thẳng Jerusalem - Tehran đã không còn dừng lại ở ngôn từ nữa, mà những ngày qua đã leo thang trên mặt trận quân sự và có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh mới.

4
Binh sĩ Israel được triển khai tại Cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Lần đầu tiên, các tên lửa được cho là do Iran trực tiếp bắn đi từ lãnh thổ Syria nhằm vào các mục tiêu ở phía Bắc Israel và nhà nước Do thái ngay lập tức đáp trả.

Đây là vụ tấn công trực tiếp đầu tiên mà Iran tiến hành nhằm vào các vị trí của Israel trong cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai nước. Trong khi đó, hành động đáp trả của Israel cũng mang quy mô chưa từng có tại Syria kể từ khi cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này bùng phát năm 2011.

Cộng đồng quốc tế đều bày tỏ quan ngại, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước tình hình leo thang mà hoàn toàn có thể nhanh chóng xóa bỏ khoảng cách mong manh giữa chiến tranh và hòa bình.

Trên thực tế, những tháng vừa qua, Israel đã tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào các vị trí của Quân đội Syria, phong trào vũ trang Hezbollah và ngày càng nhiều nhằm vào các lực lượng Iran tại Syria. Căng thẳng dường như xuất phát từ những tranh cãi liên quan vấn đề hạt nhân Iran.

Luôn bị ám ảnh bởi mối đe dọa Iran, Israel cho rằng, sớm hay muộn nước này cũng sẽ trở thành mục tiêu của một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

2. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ở Singapore

Trong một đăng tải trên Twitter ngày 10-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc gặp của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Jong-un sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6.

5
Singapore được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: dreamstime

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vài tiếng sau khi chào đón 3 công dân Mỹ được phóng thích từ Triều Tiên trở về nước tại căn cứ quân sự Joint Base Andrews, bang Maryland.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận sẽ tổ chức cuộc gặp giữa ông D. Trump và ông Kim Jong-un. Singapore, quốc đảo tuy nhỏ bé nhưng đóng vai trò là trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á, là địa điểm lý tưởng vì mức độ trung lập, trật tự công ở mức cao và từng có kinh nghiệm tổ chức các cuộc gặp cấp cao.

Hai bên vẫn chưa công khai các điều kiện về thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, nhìn vào diễn tiến nhanh chóng của các cuộc gặp liên quan tới Triều Tiên, các nhà phân tích dự báo cuộc gặp thượng đỉnh sẽ mang lại những kết quả mang tính lịch sử.

3. Tân Thủ tướng Malaysia - nguyên thủ cao tuổi nhất thế giới

Ngày 10-5, Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, 92 tuổi, giành thắng lợi trong kỳ bầu cử. Như vậy, ông Mahathir đã trở thành nguyên thủ lớn tuổi nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1957, một liên minh đối lập mới giành chiến thắng trong bầu cử. Bên cạnh đó, sau khi nhậm chức, ông Mahathir tuyên bố sẽ bổ nhiệm Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR) Wan Azizah Wan Ismail làm Phó Thủ tướng. Nữ chính khách này sẽ là nữ Phó Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Malaysia.

5
Sự trở lại lần này của ông Mahathir được ví như "bình minh chính trị" ở Malaysia. Ảnh: Nikkei

Ông Mahathir là một người theo chủ nghĩa dân tộc, được coi là hiện thân của sức mạnh đoàn kết và có khả năng tập hợp nhiều tổ chức và hội nhóm dân tộc lớn tại Malaysia.

Từ năm 1981 đến 2003, thời gian ông Mahathir tại nhiệm, luôn được coi là thời kỳ thịnh vượng trong lịch sử Malaysia. Dưới sự lãnh đạo trước đây của ông, bộ mặt đất nước Malaysia đã có những thay đổi to lớn và căn bản: từ hệ thống giao thông, nền công nghiệp ôtô nội địa, đến những công trình xây dựng như Tháp đôi Petronas, thủ đô hành chính Putrajaya…

Sự trở lại lần này của ông giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là những người trẻ tuổi, trong bối cảnh chính quyền của Thủ tướng Najib Razak đang vướng phải hàng loạt bê bối liên quan tới cáo buộc tham nhũng.

4. Ông Putin nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7-5 đã nhậm chức nhiệm kỳ 4 trong buổi lễ được tổ chức long trọng tại Điện Kremlin, Moscow.

4
Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4. Ảnh: RT

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kí và ban hành sắc lệnh nêu rõ những mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2024, trong đó có mục tiêu đưa nước Nga lọt top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình của thế giới, trong khi vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát không quá 4%...

Ông Putin bước vào nhiệm kỳ mới với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nga. Trong cuộc bầu cử ngày 18-3, ông Putin giành chiến thắng áp đảo khi nhận được 76,65% số phiếu ủng hộ, thể hiện mức độ tin tưởng gần như tuyệt đối của người dân vào nhà lãnh đạo sau gần 20 năm.

Trên cương vị lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Putin sẽ phải giải quyết các vấn đề kinh tế như thiếu hụt nguồn nhân lực, gánh nặng lương hưu, đa dạng hóa nền kinh tế, đổi mới nền công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Putin cũng sẽ phải chèo lái con thuyền nước Nga thoát khỏi bao vây cô lập quốc tế sau các đòn trừng phạt của phương Tây.

5. Bầu cử Quốc hội Iraq

Ngày 12-5, hơn 24 triệu người dân Iraq đủ điều kiện để bỏ phiếu sẽ tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội để lựa chọn 329 nghị sĩ trong số 6.986 ứng cử viên, gồm 2.014 ứng cử viên nữ, đại diện các đảng và liên minh chính trị, tiếp đó xúc tiến thành lập chính phủ mới để lãnh đạo đất nước trong bốn năm tiếp theo.

Các cử tri Iraq hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ mở ra trang mới cho đất nước vốn chịu nhiều bất ổn do xung đột và giao tranh triền miên.

T
Lực lượng an ninh Iraq ngày 10-5 đã tham gia bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Quốc hội của nước này. Ảnh: PRI

Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ khi quốc gia Trung Đông này tuyên bố giành chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, đây là cuộc bầu cử thứ hai ở Iraq kể từ năm 2011 khi Mỹ rút quân khỏi nước này và là cuộc bầu cử thứ tư kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003.

Kể từ sau cuộc tấn công do Mỹ phát động năm 2003, các cuộc bầu cử diễn ra tại Iraq đều bị cản trở do tình trạng bạo lực đẫm máu. Chính vì vậy, an ninh được thắt chặt trong cuộc bầu cử lần này. Iraq sẽ đóng cửa toàn bộ sân bay và cửa khẩu trong 24 giờ trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Trước đó, IS đã lên tiếng đe dọa tấn công các điểm bỏ phiếu bầu cử ở Iraq.

6. Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn

Lãnh đạo của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên nhóm họp ba bên trong hơn 2 năm qua tại Tokyo ngày 9-5.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên đang hòa dịu, nhất là sau hội nghị thượng đỉnh hai miền diễn ra hồi cuối tháng trước, và  trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

D
Ba nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Ảnh: Japan Times

Trong khi Nhật và Hàn củng cố lập trường rằng việc gây sức ép tối đa phải được duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn toàn phi hạt nhân hóa, Trung Quốc được cho là muốn từng bước gỡ bỏ cấm vận với Triều Tiên.

Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết hợp tác hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở bán đảo Triều Tiên; đồng thời cũng tái khẳng định cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, thúc đẩy thương mại tự do, xây dựng một hệ thống sở hữu trí tuệ (IP) có giá trị sáng tạo, nhất trí cân nhắc cơ chế hợp tác "3 + 1" để thúc đẩy phát triển bền vững trong và ngoài khu vực…

(Theo qdnd.vn)

.
.
.