Thứ Bảy, 16/06/2018, 21:13 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Bước tiến lớn hướng tới hòa bình

Sau rất nhiều trắc trở và nỗ lực, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã diễn ra đúng theo kế hoạch. Kết quả của “cuộc hẹn” sau gần 7 thập kỷ đối địch này là một bản tuyên bố chung với những cam kết mạnh mẽ về nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Sự kiện này cùng vòng chung kết World Cup 2018 chính thức khởi tranh là tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế tuần qua.

1. Mỹ - Triều Tiên bắt tay kiến tạo tương lai hòa bình bền vững

Ngày 12-6, tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành cuộc gặp lịch sử kéo dài gần 5 giờ đồng hồ, trong đó có hơn 40 phút gặp riêng trực tiếp, hơn 1 giờ đàm phán mở rộng và sau đó là bữa trưa kết hợp làm việc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore ngày 12-6. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore ngày 12-6. Ảnh: THX/TTXVN

Sau cuộc trao đổi toàn diện, sâu rộng và chân thành, hai nhà lãnh đạo đã ký vào bản Tuyên bố chung. Trong đó, Mỹ và Triều Tiên đã cam kết thiết lập quan hệ song phương mới theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; cam kết nỗ lực nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài, ổn định và hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng nhất trí thực hiện công tác tìm kiếm và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA). Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27-4-2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên.   

Bản Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên này, giúp hai bên vượt qua căng thẳng và thù địch nhiều thập kỷ qua để mở ra một tương lai mới. Hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức cấp cao vào thời điểm sớm nhất có thể để triển khai các kết quả của hội nghị.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump khẳng định, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra "cam kết chắc chắn" về vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông Trump cũng cho biết, Mỹ sẽ chấm dứt “những trò chơi chiến tranh”, bày tỏ hy vọng các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ sớm được gỡ bỏ. Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ tới thăm Bình Nhưỡng và cho biết, ông Kim Jong-un đã nhận lời mời thăm Nhà Trắng.

Kết quả từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được các bên liên quan và dư luận quốc tế hoan nghênh, đánh giá cao. Đây mới chỉ là bước đầu nhưng vô cùng quý giá và cần thiết. Cam kết đã được đưa ra, lòng tin đã được trao gửi, nhưng điều quan trọng là hành động thực tiễn của các bên vì một nền hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên cũng như bảo đảm an ninh khu vực.

2. World Cup 2018 chính thức khởi tranh

Tối 14-6, Lễ khai mạc Vòng chung kết Cúp Bóng đá thế giới 2018 (World Cup 2018) đã diễn ra tại sân vận động Luzhniki ở thủ đô Moscow của Liên bang Nga, mở màn cho 64 trận đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Lễ khai mạc Vòng chung kết Cúp Bóng đá thế giới 2018 (World Cup 2018) diễn ra tại sân vận động Luzhniki ở thủ đô Moscow của Liên bang Nga. Ảnh: Reuters
Lễ khai mạc Vòng chung kết Cúp Bóng đá thế giới 2018 (World Cup 2018) diễn ra tại sân vận động Luzhniki ở thủ đô Moscow của Liên bang Nga. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino cùng nhiều quan khách và khoảng 80.000 khán giả đã có mặt trên khán đài theo dõi lễ khai mạc đầy ấn tượng và trận đấu mở màn của World Cup 2018.

Với màn “lễ hội màu sắc xoay quanh trái bóng tròn và niềm đam mê không biên giới, không sắc tộc, không tuổi tác”, Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số lượng người xem ước tính lên tới hơn 3,6 tỷ lượt người.

Vòng chung kết World Cup 2018 sẽ diễn ra từ ngày 14-6 tới 15-7 tại 12 sân vận động trên 11 thành phố của Nga. Có 32 đội bóng tham gia tranh tài, với tổng cộng 64 trận đấu hứa hẹn đầy hấp dẫn và kịch tính.

3. Hội nghị Thượng đỉnh G7 không thể ra tuyên bố chung

Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Canada đã khép lại với những bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh trong khối liên quan  đến vấn đề bảo hộ và rào cản thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào phút chót yêu cầu đại diện Mỹ không ký thông qua tuyên bố chung của hội nghị vì cho rằng 6 nước còn lại đã tìm cách "qua mặt" Washington khi tuyên bố phản đối chủ nghĩa bảo hộ hay hàng rào thuế quan.  

Các nhà lãnh đạo G7 . Ảnh: CBS News
Các nhà lãnh đạo G7 . Ảnh: CBS News

Tung ra hàng loạt dòng tweet đầy giận dữ, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích thương mại với các nước này là một sự “ngu ngốc” vì “không có sự qua lại”. Theo quan điểm của Mỹ, nước này đã phải chịu thặng dư thương mại lớn đối với các nước. Điều đó buộc Mỹ phải áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.

Trước hành động cứng rắn của Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Cụ thể, ngày 14-6, các nước EU đã nhất trí ủng hộ kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 2,8 tỷ euro. Ngoài ra, Canada sẽ công bố danh sách không dưới 120 sản phẩm "made in USA" bị đánh thuế nhập khẩu từ ngày 1-7 tới. EU, Mexico và Canada đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi Pháp tuyên bố sẽ “không phiền” nếu cần thiết phải loại Mỹ ra khỏi “sân chơi G7”. Đức thì tuyên bố Tổng thống Mỹ đã hủy hoại sự tin tưởng của các đối tác.

Với những diễn biến trong thời gian qua, một cuộc đối đầu “hoàn toàn cân xứng và có đi có lại” – theo như tuyên bố của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland là khó tránh khỏi, hậu quả không chỉ là “lưỡng bại câu thương” mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại toàn cầu.

4. Khủng hoảng lương thực trầm trọng ở khu vực Sahel

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 12-6 cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực ở khu vực Sahel của châu Phi đã trở nên rất trầm trọng.

Báo động khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại khu vực Hồ Chad. Ảnh: The Atlantic
Báo động khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại khu vực Hồ Chad. Ảnh: The Atlantic

Theo đó, gần 6 triệu người tại các quốc gia thuộc khu vực này như Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania, Niger và Senegal đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và 1,6 triệu trẻ em ở khu vực trên đã bị suy dinh dưỡng nặng. Các nguồn lương thực dự trữ để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người ở Sahel đã cạn kiệt, do vậy nhiều gia đình phải giảm bớt các bữa ăn, cho con thôi học và chấp nhận việc không được hưởng những phương pháp điều trị bệnh tốt nhất để tiết kiệm tiền mua lương thực.

Kể từ năm ngoái, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng tại 6 quốc gia trên đã tăng 50%, và có tới 1/6 trẻ em trong số này cần được điều trị.

5. Macedonia chia rẽ sâu sắc sau quyết định đổi tên nước

Việc hai thủ tướng Macedonia và Hy Lạp thông báo đạt thỏa thuận lịch sử về việc đổi tên đất nước nhỏ bé vùng Balkan này thành Cộng hòa Bắc Macedonia đã gây nên những chia rẽ sâu sắc trong chính giới và người dân ở cả hai quốc gia này.

Người biểu tình phản đối đổi tên nước tại thủ đô Macedonia. Ảnh: Reuters
Người biểu tình phản đối đổi tên nước tại thủ đô Macedonia. Ảnh: Reuters

Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov tuyên bố sẽ không ký thông qua thỏa thuận đổi tên nước vì cho rằng đó là điều "đáng hổ thẹn và không thể chấp nhận được". Ngay trong tối 13-6, có tới 1.500 người biểu tình hòa bình bên ngoài trụ sở quốc hội ở thủ đô Skopje của Macedonia nhằm phản đối thỏa thuận này.

Trong khi đó, thỏa thuận này cũng vấp phải sự phản đối của truyền thông, các đảng đối lập và theo chủ nghĩa dân túy tại Hy Lạp. Những người phản đối cho rằng, hai thủ tướng Hy Lạp và Macedonia đã nhượng bộ quá nhiều để đi đến thỏa thuận trên.

Macedonia tuyên bố độc lập vào năm 1991 và đang có kế hoạch gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của EU và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia do tên của quốc gia láng giềng trùng với tên 1 tỉnh miền Bắc nước này. Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ.

6. Italy và nhiều nước châu Âu “tranh cãi” về việc tiếp nhận người di cư

Vấn đề người di cư lại tiếp tục là tâm điểm của những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Italy và một loạt quốc gia EU.

Trước đó, tàu Aquarius của SOS Mediterranee đã cứu 629 người di cư trái phép tại vùng biển Trung Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cả Malta và Italy đều từ chối mở cảng cho tàu cứu hộ này, khiến tàu Aquarius phải neo đậu ở vùng biển giữa Malta và đảo Sicily của Italy. Sau đó, Tây Ban Nha đã tuyên bố tiếp nhận con tàu này.   

 Người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius. Nguồn: CNN
Người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius. Nguồn: CNN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc việc làm này của Italy là "coi thường và vô trách nhiệm". Tổng thống Pháp cho rằng hành động này của Chính phủ Italy là không thể chấp nhận được và rằng theo luật pháp quốc tế, Italy phải tiếp nhận những người di cư này.

Phản ứng trước sự chỉ trích của Tổng thống Pháp, Italy đã hủy cuộc gặp cấp Bộ trưởng với Pháp, đồng thời đã triệu Đại sứ Pháp để phản đối những chỉ trích của Paris.

Trước đó, Italy cũng đã "lời qua tiếng lại" với Malta và Tây Ban Nha. Chính phủ mới ở Italy tuyên bố nước này từng nhiều lần phải một mình giải quyết vấn đề người di cư.

Theo quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới. Tuy nhiên, quy định này đã tạo áp lực đối với Italy và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.