Thứ Bảy, 02/06/2018, 21:57 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nhiều tích cực xen lẫn tiêu cực

Tuần qua, Mỹ và Triều Tiên nỗ lực tìm lại cơ hội hòa đàm; Nga, Nhật Bản nhất trí hướng tới hiệp định hòa bình; Ấn Độ mở rộng hợp tác với ASEAN... là những tín hiệu tích cực, khơi dậy niềm hy vọng về một nền hòa bình, ổn định lâu dài cho nhiều quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó, thế giới vẫn còn nhiều vấn đề căng thẳng, chưa thể giải quyết một sớm một chiều như đối đầu thương mại Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-EU…

1. Mỹ và Triều Tiên nỗ lực tìm lại cơ hội hòa đàm

Sau những thất vọng xen lẫn tiếc nuối với quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều dự kiến vào ngày 12-6 tại Singapore, hiện hai bên đang nỗ lực thúc đẩy các kênh ngoại giao để hướng tới cuộc gặp này.   

a
Đàm phán Mỹ - Triều đang đứng trước cơ hội mới. Ảnh: Yonhap

Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi tuyên bố hủy cuộc gặp, Tổng thống Trump đã thay đổi thái độ khi nói rằng cuộc gặp vẫn có thể sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Các hoạt động ngoại giao con thoi đã được các bên gấp rút thực hiện như: Chuyến công cán Triều Tiên của cựu Đại sứ tại Hàn Quốc Sung Kim, hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippines; hay chuyến đi Singapore của Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol cũng đã thăm Mỹ và hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Bên cạnh đó, nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên, ông Ri Son-gwon, đã đến Trung Quốc để thảo luận các vấn đề hậu cần và an ninh cho cuộc gặp thượng đỉnh.

Cùng với Mỹ và Triều Tiên, nhiều nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Bắc Á cũng đang tích cực thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm để thảo luận về cách thức cứu vãn hội nghị Mỹ-Triều. Trong cuộc gặp bất ngờ này, hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều phải được tổ chức thành công và rằng "nỗ lực về việc phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên không nên ngưng lại”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ đến Washington ngày 7-6 để thảo luận với Tổng thống Donald Trump về cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã có chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên kể từ năm 2009.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Wall Street đưa tin, trước thềm cuộc gặp, Mỹ đã quyết định hoãn một loạt biện pháp trừng phạt mới - vốn đã sẵn sàng để áp đặt chống Bình Nhưỡng.

2. Đối thoại Shangri-La 17: Ấn Độ kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng đối với vùng biển và không phận quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp

Đối thoại Shangri-La 17 - diễn đàn an ninh quan trọng vào bậc nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương - đã chính thức khai mạc tối 1-6 tại Singapore. Hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự đối thoại.

a
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp song phương Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tại Đối thoại Shangri-La 17. Ảnh: qdnd.vn

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng: Tất cả các nước có quyền tiếp cận bình đẳng đối với vùng biển và không phận quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ có 5 phiên toàn thể với các chủ đề: Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; hạ nhiệt khủng hoảng Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực.

Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay như các chiến lược công nghệ mới và tương lai của xung đột; tăng cường an ninh hàng hải; các quy tắc ứng xử và biện pháp xây dựng lòng tin; vấn đề an ninh và nhân đạo trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya tại Myanmar; cạnh tranh và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương; ý nghĩa chiến lược phát triển năng lực quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương; quản lý cạnh tranh trong hợp tác an ninh

3. Ấn Độ mở rộng hợp tác với ASEAN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 29-5 đã tới thủ đô Jakarta của Indonesia -chặng dừng chân đầu tiên của ông Modi trong chuyến thăm 3 nước gồm Indonesia, Malaysia và Singapore.

a
Thủ tướng Ấn Độ N.Modi (bên trái) và Tổng thống Indonesia J.Widodo tại Jakarta. Ảnh: twitter

Indonesia là quốc gia có nền kinh tế và dân số lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20), được đánh giá có vai trò thực tế kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Indonesia lần này, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Với Singapore - nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2018, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Singapore cũng có vai trò quan trọng. Quan hệ Ấn Độ - Singapore đã được nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Modi hồi năm 2015.

Trong khi đó, giao lưu nhân dân cũng như quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Malaysia được ghi nhận đang trên đà phát triển mạnh mẽ và Ấn Độ đang thúc đẩy để trở thành một đối tác chiến lược của Malaysia.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với ASEAN trên 3 bình diện là kinh tế, ngoại giao và quân sự vì lợi ích chung. Chuyến công du 3 nước ASEAN lần này của ông Modi cho thấy Ấn Độ mong muốn tăng cường sự gắn kết với 3 nước này nói riêng và ASEAN nói chung, từng bước hiện thực hóa chủ trương "Hành động hướng Đông" mà Ấn Độ đã đề ra.

4. Nga, Nhật Bản nhất trí hướng tới hiệp định hòa bình

Ngày 26-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ nỗ lực hướng tới ký kết hiệp định hòa bình sau chiến tranh và đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương.

Trong cuộc hội đàm tại Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thức thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trong 5 lĩnh vực tại các quần đảo tranh chấp như đã nhất trí vào tháng 9 năm ngoái.

4
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: TASS

Tổng thống Putin ủng hộ đề xuất cử phái đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản đến các đảo tranh chấp vào nửa cuối năm 2018. Nhà lãnh đạo Nga cũng hoan nghênh tiến bộ ổn định của hợp tác Nga-Nhật, trong đó có thương mại-đầu tư, đối thoại chính trị, trao đổi giữa các bộ ngành, khu vực và các cơ quan…

Về phần mình, Thủ tướng Abe cho biết Tokyo sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga. Ông bày tỏ hy vọng sẽ đạt được đột phá mới trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã khiến quan hệ song phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi kết thúc chiến tranh.

Nga và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tranh chấp lãnh thổ khiến hai nước không ký được hiệp định hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương.

5. Các bên đối địch ở Libya đạt thỏa thuận tiến hành tổng tuyển cử

Ngày 29-5, các bên đối địch tại Libya đã nhóm họp tại Paris (Pháp) và nhất trí tiến hành bầu cử quốc hội và tổng thống vào ngày 10-12 tới.

a
Một cơ sở dầu mỏ ở Libya. Nguồn: Financial Tribune

Trong tuyên bố chung được ký sau 4 giờ đồng hồ đàm phán, các bên nhất trí đặt ra nền tảng hiến pháp cho cuộc bầu cử và thông qua những luật lệ bầu cử cần thiết vào ngày 16-9 tới. Các bên cam kết chấp nhận kết quả bầu cử và đảm bảo các thỏa thuận an ninh cũng như nhất trí cải thiện bầu không khí nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới và thống nhất Ngân hàng Trung ương Libya.

Năm 2011, Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi. Hiện ở quốc gia này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập của Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông

Hội nghị này cũng là sự tiếp nối những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và LHQ kể từ năm 2011 nhằm mở ra một giai đoạn ổn định và hợp tác mới cho tất cả người dân Libya.

6. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc lại tiếp diễn

Sau động thái chủ động giảm bất hòa tuần trước, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại nóng lên khi Washington bất ngờ đe dọa áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

z
Ảnh minh họa: Reuters

Theo thông báo của Nhà Trắng, muộn nhất là ngày 15-6 tới, Washington sẽ công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ USD, có khả năng chịu mức thuế 25%, nếu Bắc Kinh không giải quyết được bất đồng về vấn đề sở hữu trí tuệ. Danh mục bị đánh thuế này gồm 1.300 mặt hàng chủ yếu là các sản phẩm công nghệ then chốt trong chương trình "Made in China 2025" có tính chiến lược của Trung Quốc.

Ngoài các biện pháp thuế, Mỹ cũng sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thêm vào đó, muộn nhất vào ngày 30-6 tới, Mỹ sẽ thông báo các biện pháp hạn chế đầu tư và tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan tới việc mua sắm công nghệ quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp.

Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Trung Quốc đã chỉ trích sự thay đổi chính sách thương mại đột ngột và rằng các biện pháp của Mỹ chống hoạt động đầu tư của Trung Quốc đi ngược lại quy định của WTO, đồng thời khẳng định Bắc Kinh có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả.

Cũng về vấn đề thương mại, ngày 1-6, Chính phủ Mỹ đã áp dụng các mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).  Động thái chống lại những đồng minh lâu năm của Mỹ dựa trên "cái cớ" an ninh quốc gia này ngay lập tức khơi mào các động thái trả đũa từ phía Mexico, Canada và những đe dọa đánh thuế tương tự từ EU.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.