Chủ Nhật, 15/07/2018, 08:17 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Tạm gác bất đồng

Mặc dù vẫn còn nhiều căng thẳng đang tồn tại, nhưng Hội nghị thượng đỉnh NATO tạm thời giải quyết được vấn đề về mức chi tiêu quốc phòng và chính sách chung của khối; Chính phủ Anh công bố Sách Trắng Brexit; Mỹ-Trung có bước đi hạ nhiệt cuộc chiến thương mại... Đây là những sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm trong tuần qua.

1. Hội nghị thượng đỉnh NATO

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lần thứ 7 diễn ra tại Brussels (Bỉ) vừa qua được xem là bước ngoặt lớn để giải quyết những khúc mắc về mức chi tiêu quốc phòng, lẫn chính sách chung của khối.

http://file.qdnd.vn/data/images/0/2018/07/14/hieu_tv/1.jpg?w=575
Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này được coi là cuộc gặp gỡ nhằm giải quyết vấn đề chi tiêu quốc phòng của khối giữa Mỹ và các nước thành viên còn lại. Ảnh: Infostormer

Trước thềm hội nghị, không ít lần Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nhiều nước chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với mức đóng góp 2% GDP cho quốc phòng như các thỏa thuận chung đã đề ra vào năm 2014.

Còn tại hội nghị, ít nhất Tổng thống Trump đã nhận được cam kết của các nước thành viên NATO về chi tiêu quốc phòng tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO trong vài năm tới.

Vì thế, sau cuộc họp, ông Trump tuyên bố duy trì cam kết mạnh mẽ với NATO. Điều này có thể hiểu là các nước NATO đã vượt qua được “mối bất hòa gay gắt nhất” tại hội nghị này về chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.

Song, kết quả trên cũng chỉ là tạm thời, vì trong suy nghĩ của mình, ông Trump muốn các nước thành viên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chi 2% GDP ngay lập tức, thậm chí là sẽ tăng lên 4% GDP mới hợp lý.

Về chính sách chung, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí phát triển một Chính sách Không gian toàn diện của liên minh này. Đây được xem là định hướng chính cho hoạt động của NATO cả trước mắt và lâu dài.

2. Anh công bố Sách Trắng Brexit

Chưa đầy 9 tháng trước khi nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), vượt qua vô vàn trở ngại với một nội các đầy chia rẽ về con đường đưa Anh rời khối một cách thuận lợi nhất, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã công bố văn bản Sách Trắng Brexit.

Nội dung xuyên suốt văn bản mang tên "Mối quan hệ tương lai giữa Vương quốc Anh và EU" này là những đề xuất thể hiện lập trường đàm phán của Chính phủ Anh về một tương lai quan hệ kinh tế và an ninh với EU thời hậu Brexit.

Kế hoạch đã báo trước một thỏa thuận hợp tác chung với EU thông qua các thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng và hàng không tới thương mại và chia sẻ dữ liệu an ninh. Chiến lược này chính là chính sách Brexit mềm.

s
Dù đã công bố Sách Trắng, nhưng vấn đề Brexit vẫn đang chia rẽ nội bộ nước Anh. Ảnh: The Independent

Kế hoạch này vốn đã được Nội các Anh thông qua hồi tuần trước. Nhưng với những người ủng hộ một Brexit cứng, thì văn bản này là một sự "bội ước".

Cơn chấn động chính trị đã lập tức kéo đến khi hai bộ trưởng quan trọng trong nội các là Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis từ chức để phản đối.

Tháng 10 là thời điểm Anh và EU trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận để các bên phê chuẩn, nhưng những xáo trộn trên chính trường Anh như một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Thủ tướng Theresa May về vấn đề Brexit.

Chặng đường phía trước không hề dễ dàng khi bà May còn phải trình kế hoạch này lên Quốc hội bỏ phiếu.

Hiện còn quá sớm để phán đoán kế hoạch này sẽ củng cố hay "xô đổ" ghế thủ tướng của bà May, nhưng nhiệm vụ vừa đàm phán Brexit vừa hàn gắn một chính phủ đầy chia rẽ được đánh giá là thách thức rất khó với nhà lãnh đạo này.

3. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Nga - EU

* Giới chức Trung Quốc và Mỹ vừa tiết lộ khả năng nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc.

Sau khi Mỹ công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá khoảng 200 tỷ USD) bị áp thuế 10%, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn kêu gọi Mỹ đàm phán để giải quyết vấn đề.

Ảnh minh họa. Nguồn: ABCNews
Ảnh minh họa. Nguồn: ABCNews

Đáp lại những mong muốn này của Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể mở lại đàm phán thương mại nếu Trung Quốc thực sự muốn có những thay đổi đáng kể.

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, vòng đàm phán chính thức thứ 3 giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc với những dấu hiệu thỏa thuận khiêm tốn.

Washington và Bắc Kinh có khoảng 7 tuần để đạt được một thỏa thuận hoặc tiến sâu vào cuộc chiến tranh thương mại, có thể làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo áp lực tăng giá cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.

* Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa chính thức gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của phương Tây thêm 18 tháng, sau khi EU kéo dài các biện pháp trừng phạt Moscow vì cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga từ tháng 7-2014 trên nhiều lĩnh vực như tài chính, năng lượng và quốc phòng, các loại hàng hóa có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự sau khi Moscow đồng ý sáp nhập bán đảo Crimea.

Để đáp trả, Nga cũng công bố một loạt lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ các nước phương Tây. Các biện pháp trừng phạt qua lại đã gây thiệt hại khoảng 150 tỷ USD cho cả hai bên.

4. Triều Tiên và Bộ tư lệnh Liên hợp quốc nối lại đường dây liên lạc

Thông qua kênh liên lạc Panmunjom, Triều Tiên ngày 12-7 đã đề đề xuất khôi phục đường dây điện thoại kết nối trực tiếp giữa quân đội nước này với Bộ tư lệnh Liên hợp quốc (LHQ).

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Đường dây điện thoại trực tiếp giữa quân đội Triều Tiên với Bộ tư lệnh LHQ lần lượt được đặt ở Lầu Thống nhất (Tongilgak) phía Triều Tiên và văn phòng dành cho sĩ quan Bộ tư lệnh LHQ ở phía Hàn Quốc, nằm tại khu vực làng đình chiến Panmunjom.

Tuy nhiên, đường dây điện thoại này đã bị cắt đứt vào năm 2013, khi Triều Tiên tuyên bố vô hiệu hóa Hiệp định đình chiến.

Do đó, mỗi khi Bộ tư lệnh LHQ muốn thông báo với Triều Tiên đều phải sử dụng micro cầm tay để truyền đạt ở phía trước đường ranh giới quân sự liên Triều (MDL) ở Panmunjom.

Ngay sau khi đường dây điện thoại trực tiếp được kết nối, Triều Tiên đã gọi điện cho Bộ tư lệnh LHQ thông báo rằng nước này đã không thể tham dự cuộc hội đàm Mỹ-Triều về bàn giao hài cốt vào hôm 12-7 do thiếu sự chuẩn bị, và đề xuất tổ chức một cuộc hội đàm cấp tướng bàn về vấn đề này vào ngày 15-7.

5. Chiến thắng “bước ngoặt” của Quân đội Syria

Ngày 12-7, Quân đội Syria đã giành thắng lợi quyết định trước nhóm phiến quân tại thành phố Daraa, sau khi các tay súng nổi dậy chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận hòa giải với Damascus.

Cuộc chiến tại thành phố Daraa đã kết thúc với chiến thắng quyết định thuộc về lực lượng chính phủ Syria. Ảnh: Reuters
Cuộc chiến tại thành phố Daraa đã kết thúc với chiến thắng quyết định thuộc về lực lượng chính phủ Syria. Ảnh: Reuters

Sau hơn 2 tuần khởi động chiến dịch giải phóng Deraa, Chính phủ Syria và các tay súng nổi dậy tại đây đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với sự trung gian hòa giải của Nga.

Nhiều nhóm nổi dậy tại Daraa đã quyết định giao nộp vũ khí hạng trung và hạng nặng cho phía quân đội chính phủ để được bảo đảm an toàn và ở lại khu vực này.

Những tay súng nổi dậy phản đối hòa giải sẽ buộc phải di tản tới thành phố Idlib – thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại miền Bắc Syria.

Lần đầu tiên trong vòng 7 năm, lực lượng chính phủ tiến vào Daraa, nơi từng nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng phiến quân từ năm 2011. Đây được coi chiến thắng mang tính chiến lược và có tính biểu tượng cao khi đây là cái nôi của cuộc nổi dậy mùa xuân Arab.

Việc kiểm soát Daraa sẽ là bàn đạp để Quân đội Syria tiến hành chiến dịch tại tỉnh Idlib - mục tiêu cuối cùng của Damascus trong việc kết thúc cuộc khủng hoảng hơn 7 năm qua tại nước này.

Cuộc chiến này được dự đoán vô cùng khó khăn, thậm chí có thể khơi mào một cuộc chiến trực tiếp giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khi Idlib là nơi đồn trú của lực lượng nổi dậy được Ankara hậu thuẫn.

Dẫu vậy, vẫn có thể hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn giống như chính phủ và lực lượng nổi dậy Syria từng đạt được tại Aleppo và Daraa, để có thể giúp đất nước Syria thống nhất trong hòa bình.

6. Đánh bom kinh hoàng trước bầu cử tại Pakistan

Một vụ đánh bom liều chết nhằm vào cuộc vận động bầu cử ở tỉnh Balochistan (Pakistan) ngày 13-7, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 132 người và 150 người bị thương.

Đưa người bị thương trong vụ nổ kinh hoàng tại Balochistan đi cấp cứu. Ảnh: The Hindu
Đưa người bị thương trong vụ nổ kinh hoàng tại Balochistan đi cấp cứu. Ảnh: The Hindu

Cảnh sát cho biết vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, hơn 1.000 người đang tham gia cuộc vận động. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận tiến hành vụ tấn công đẫm máu này kể từ năm 2014.

Vụ đánh bom này là vụ tấn công thứ ba trong tuần này nhằm vào các sự kiện tranh cử, làm dấy lên quan ngại về tình hình an ninh của cuộc tổng tuyển cử của Pakistan diễn ra ngày 25-7 tới.

Quân đội Pakistan đã quyết định triển khai gần 400.000 binh sĩ theo yêu cầu của cơ quan giám sát bầu cử quốc gia nhằm bảo đảm trật tự trong quá trình bầu cử.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.