Thứ Bảy, 25/08/2018, 18:48 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nốt thăng, nốt trầm

Đời sống quốc tế trong tuần qua đã chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật như: Hy Lạp chính thức thoát khỏi khủng hoảng nợ công kéo dài; đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên; sóng gió chính trường tại Australia kết thúc; Tổng thống Mỹ đối mặt với rắc rối pháp lý...

1. Australia có Thủ tướng mới

Ngày 24-8, cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại Australia đã kết thúc khi Bộ trưởng Tài chính Scott Morrision được bầu làm Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền và trở thành Thủ tướng mới của Australia. Ngay trong tối cùng ngày (theo giờ địa phương), ông Morrision đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 30 của nước này.

Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: SBS
Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: SBS

Mặc dù bão táp chính trị đã tạm lắng xuống song cuộc khủng hoảng lần này một lần nữa bộc lộ tồn tại trong nền chính trị xứ sở chuột túi. Đó là khi các nghị sĩ được trao quyền quá nhiều thì một nhóm nhỏ cũng có thể tạo ra cuộc khủng hoảng lãnh đạo để từ đó tác động đến sự tồn tại của cả một Chính phủ. Trường hợp vừa diễn ra không phải là đầu tiên tại Australia. Trước đó, các cựu Thủ tướng Kevin Rudd, Julia Gillard, Tony Abbott cũng đã phải từ chức trong bối cảnh tương tự.

Sự việc xảy ra lần này không chỉ làm người dân mà ngay cả các nhà chính trị tại Australia hết sức phẫn nộ, thậm chí nhiều người dân xứ sở chuột túi có lẽ vẫn chưa thể hiểu được tại sao cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua có thể xảy ra.

Rõ ràng là niềm tin của cử tri Australia đã bị sụt giảm rất nhiều sau những diễn biến vừa qua, vì vậy, việc tân Thủ tướng Morrision cần làm ngay lúc này là nỗ lực đoàn kết nội bộ đảng Tự do và lấy lại sức mạnh và uy tín trước các cử tri Australia để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Bên cạnh đó, đất nước Australia cũng đang có rất nhiều công việc phải giải quyết, như đảm bảo phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, hỗ trợ người nông dân đang phải đối mặt với đợt hạn hán kỷ lục... Vì vậy có thể thấy, con đường trước mắt của tân Thủ tướng Morrision sẽ không ít chông gai.

2. Hàn Quốc - Triều Tiên tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán

Trong tuần qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức 2 đợt đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương (Kumgang).

Cuộc đoàn tụ này là đầu tiên diễn ra sau 3 năm theo như nhất trí giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp hồi tháng 4. Lần đoàn tụ gần đây nhất là vào tháng 10-2015.

Nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt những cụ già đã ngoài 80 khi lần đầu tiên được gặp lại gia đình, người thân phía bên kia biên giới sau gần 70 năm chia cắt. Ảnh: Yonhap
Nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt những cụ già đã ngoài 80 khi lần đầu tiên được gặp lại gia đình, người thân phía bên kia biên giới sau gần 70 năm chia cắt. Ảnh: Yonhap

Đây là một trong những biện pháp thiết thực theo thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4, nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Tính đến cuối tháng 7 năm nay, có khoảng 136.200 người Hàn Quốc được xác định là có thân nhân bị ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên, trong đó 57.000 người Hàn Quốc còn sống đăng ký xin đoàn tụ với người thân. Mỗi cuộc đoàn tụ chỉ được phép diễn ra trong 11 giờ đồng hồ và thường khép lại bằng cuộc chia tay đầy nước mắt.

3. Tổng thống Mỹ lâm vào khủng hoảng pháp lý

Cựu luật sư riêng lâu năm Michael Cohen và cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử trước đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Paul Manafort là hai người đang khiến ông lâm vào cuộc khủng hoảng pháp lý, có thể đối diện nguy cơ bị luận tội và phế truất.

Mới đây, ông Michael Cohen đã thừa nhận 8 tội danh liên quan tới trốn thuế, gian lận ngân hàng và vi phạm quy tắc tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống (của ông Trump). Bên cạnh đó, một bồi thẩm đoàn ở bang Virginia đã kết tội ông Paul Manafort 8 tội danh liên quan tới trốn thuế, gian lận ngân hàng và không khai báo tài khoản ngân hàng nước ngoài.

Ông Trump đối mặt với khủng hoảng pháp lý khi hai cựu thân tín liên tiếp bị đưa ra tòa. Ảnh: Time
Ông Trump đối mặt với khủng hoảng pháp lý khi hai cựu thân tín liên tiếp bị đưa ra tòa. Ảnh: Time

Việc ông Cohen thừa nhận vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống (theo chỉ đạo của ông Trump) có thể khiến vị Tổng thống đương nhiệm phải chịu trách nhiệm pháp lý lớn, thậm chí đối mặt với nguy cơ luận tội và bị phế truất.

Tuy nhiên, diễn biến tiếp theo của vụ việc cũng như số phận của ông Trump sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ diễn ra vào tháng 11 sắp tới. Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu phe Dân chủ giành lại quyền kiểm soát tại Hạ viện, nguy cơ bị luận tội của Tổng thống Trump có thể tăng lên tới “ít nhất 85%”, và ngược lại, ông Trump sẽ ở vị trí an toàn hơn nếu đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Hạ viện.

4. Hy Lạp chính thức thoát khỏi khủng hoảng nợ công

Hy Lạp đã chính thức thoát khỏi gói cứu trợ thứ ba, cũng chính là gói cứu trợ cuối cùng kéo dài 3 năm, bắt đầu từ 8-2015. Như vậy, sau 8 năm, Athens đã bước ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử, từng đẩy nước này tới bờ vực phá sản.

Có được điều này là nhờ nỗ lực phi thường của người dân Hy Lạp cũng như sự hợp tác hiệu quả của chính phủ với sự hỗ trợ của các đối tác châu Âu thông qua các khoản vay và giảm nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Europost
Ảnh minh họa. Nguồn: Europost

Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ công nghiêm trọng từ năm 2010. Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã triển khai 3 gói cứu trợ trị giá 289 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD) vào các năm 2010, 2012 và 2015 nhưng để đổi lại, Athens phải thực hiện nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Đây cũng xem là một thành công đối với khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) khi vượt qua cơn bão khủng hoảng nợ cách đây một thập kỷ, quét qua hầu hết các nước thành viên. Đã có 5/19 nước thuộc Eurozone phải chấp nhận gói cứu trợ.

5. Tòa tăng án phạt tù đối với cựu Tổng thống Hàn Quốc

Ngày 24-8, Tòa Thượng thẩm Seoul xét xử Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-hye đã ra phán quyết 25 năm tù giam đối với bà vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Như vậy, tòa thượng thẩm đã tăng mức phạt tù thêm một năm so với bản án sơ thẩm.

Trước đó, tại Tòa án quận trung tâm Seoul ngày 20-7, bà Park đã bị tuyên phạt tù với nhiều tội danh, trong đó có việc sử dụng trái phép các quỹ từ Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS), và can thiệp không phù hợp vào việc chọn ứng cử viên tham gia bầu cử Quốc hội.

Ảnh: The Independent
Ảnh: The Independent

Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil để ép buộc các tập đoàn lớn, trong đó có tập đoàn Samsung, phải quyên góp 77,4 tỷ won (khoảng 68,2 triệu USD) cho hai quỹ phi lợi nhuận do bà Choi quản lý. Bà Park cũng bị cáo buộc nhận 43,3 tỷ won (tương đương 38,2 triệu USD) từ Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong để đổi lại việc giúp ông Lee được thừa kế quyền quản lý công ty từ cha mình là Chủ tịch Lee Kun-hee.

Bà Park lên cầm quyền vào năm 2013 và bị cách chức vào ngày 10-3-2017. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, đồng thời cũng trở thành nguyên thủ quốc gia dân cử đầu tiên bị phế truất và hiện là cựu lãnh đạo Hàn Quốc thứ ba bị kết tội tham nhũng.

6. Căng thẳng Nga - Mỹ tiếp tục leo thang

Căng thẳng Nga-Mỹ tiếp tục leo lên một nấc thang mới sau khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc.

Đại sứ quán Nga ở Washington DC, Mỹ. Ảnh: Russialist
Đại sứ quán Nga ở Washington DC, Mỹ. Ảnh: Russialist

Theo thông báo của chính phủ Mỹ ngày 24-8, lệnh trừng phạt mới sẽ được thực thi từ ngày 27-8 và có hiệu lực ít nhất một năm. Cụ thể, Mỹ sẽ dừng bán một số vũ khí, đồng thời dừng một số hoạt động tài chính, cấm xuất khẩu hàng hóa và công nghệ mang tính nhạy cảm về an ninh cho Nga. Các lĩnh vực như hợp tác không gian, an toàn hàng không thương mại và cứu trợ nhân đạo khẩn cấp không nằm trong danh sách đen.

Loạt biện pháp trừng phạt mới có thể khiến quan hệ hai nước bị đóng băng và thậm chí là xảy ra một cuộc chiến thương mại.

Anh, EU và Mỹ đã cáo buộc Nga tham gia vào vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Skripal ở thành phố Salisbury, miền Nam nước Anh hồi tháng 3. Điện Kremlin cho đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.

Trước đó, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công dân và các công ty của Nga liên quan tới các hoạt động mà nước này cho là gây hại trên mạng và vấn đề Triều Tiên.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.