Thứ Bảy, 15/09/2018, 18:50 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Chung một "con thuyền"

Những bước tiến mới, những thay đổi lịch sử đang diễn ra trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Trong đó, có những tác động đã trở nên sâu sắc, vượt ra ngoài ranh giới lãnh thổ một quốc gia, đòi hỏi sự sẵn sàng hợp tác để cùng nhau nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức trên cơ sở mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

1. WEF ASEAN 2018: Tăng cường đoàn kết, vì sự phát triển thịnh vượng của ASEAN

Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã thành công tốt đẹp.

Các đại biểu tại phiên thảo luận “Tầm nhìn mới cho khu vực Mê Công”. Ảnh: qdnd.vn
Các đại biểu tại phiên thảo luận “Tầm nhìn mới cho khu vực Mê Kông”. Ảnh: qdnd.vn

WEF ASEAN 2018 diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh và phức tạp, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng sâu sắc.

Đây là hội nghị lớn nhất về ASEAN của WEF từ trước tới nay, thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn, gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN và thế giới cùng hàng trăm phóng viên báo chí quốc tế.

Với khoảng 60 phiên thảo luận, Hội nghị WEF ASEAN 2018 tập trung vào các vấn đề mà chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN đang quan tâm, như: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Hội nghị lần này được đánh giá thành công toàn diện trên mọi mặt. Nội dung hội nghị phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc CMCN 4.0. Với 7890 bài viết đưa tin, 7 triệu lượt người tham gia tương tác  trên mạng xã hội, có 13.000 lượt bình luận (comments) trên facebook, có 90.000 lượt người xem trực tuyến về các phiên thảo luận khác nhau trong hội nghị, cho thấy WEF ASEAN 2018 thu hút được sự quan tâm không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà còn cả người dân trong khu vực ASEAN và thế giới.

2. Bước chuyển trong tiến trình chính trị tại Syria

Tiến trình chính trị tại Syria đang có bước chuyển tích cực khi 3 nước bảo trợ cho vòng hòa đàm Astana là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura đã đạt nhất trí trên nguyên tắc 2/3 danh sách thành viên ủy ban dẫn dắt quá trình sửa đổi Hiến pháp tại Syria.

Đây được xem là một "bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn" nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải chính trị tại Syria, có tác động mang tính đòn bẩy cho những bước đi tiếp theo.

Cảnh tưởng đổ nát vì nội chiến tại Syria. Ảnh minh họa: AP
Cảnh tưởng đổ nát vì nội chiến tại Syria. Ảnh minh họa: AP

Kế hoạch thành lập ủy ban soạn thảo Hiến pháp là cốt lõi của tiến trình chính trị cho Syria. Ủy ban này sẽ có 150 thành viên, gồm đại diện Chính phủ Syria, phe đối lập và tổ chức dân sự.

Nhóm trực tiếp chịu trách nhiệm soạn thảo Hiến pháp mới hoặc sửa đổi Hiến pháp hiện hành sẽ chỉ gồm 45 người, cũng được thành lập dựa trên nguyên tắc đại diện 3 phía.

Việc các phe phái Syria nhất trí xúc tiến thành lập ủy ban này đã được coi là một dấu hiệu của hòa giải và nó cũng mở ra con đường hướng tới giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 8 năm qua.

Trong khi đó, tình hình trên thực địa đang nóng lên từng ngày với một loạt động thái dịch chuyển quân sự của các bên nhằm toan tính cho "màn quyết đấu cuối cùng" ở Idlib. Ngày 10-9, Mỹ và các đồng minh phương Tây tuyên bố sẽ "đáp trả mạnh mẽ hơn", nếu "quân đội Chính phủ Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học".

Là bên ủng hộ chính phủ Syria, Nga tố cáo hai máy bay chiến đấu của Mỹ đã giội bom phốt pho trắng - loại vũ khí bị Liên hợp quốc cấm sử dụng, xuống một thành phố ở tỉnh Deir Ez-Zor của Syria, gây hỏa hoạn khắp nơi.

Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết lực lượng phiến quân đã bắt cóc trẻ em để sử dụng cho việc dàn dựng một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib nhằm đổ lỗi cho Chính phủ Syria và tạo cớ tấn công cho phương Tây.

Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo về một "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất" trong thế kỷ này nếu chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm Idlib nổ ra. Trong hai tuần qua, hơn 38.500 người dân tại đây đã phải đi lánh nạn.

3. Nga và Nhật Bản ký kết chương trình kinh tế chung trên các đảo tranh chấp

Ngày 10-9, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2018 tổ chức tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê chuẩn chi tiết lộ trình thực hiện các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp mà Nga gọi là Nam Kuril, Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc.

Thủ tướng Nhật Bản Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters

Hoạt động kinh tế này bao gồm 5 lĩnh vực, trong đó có đánh bắt hải sản, du lịch, năng lượng nhẹ và gió, xử lý rác. Hai bên nhất trí sẽ nhanh chóng triển khai các doanh nghiệp đến quần đảo này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe khẳng định cam kết nỗ lực ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây được coi là động thái tích cực nhằm tạo đột phá trong quan hệ hai nước, tiếp thêm xung lực vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết Moskva sẵn sàng phát triển hợp tác với Tokyo dựa trên cơ sở láng giềng thân thiện và tôn trọng lợi ích lẫn nhau.

4. Triều Tiên theo đuổi chiến lược mới, kêu gọi người dân nêu cao tinh thần tự lực, tự cường

Tại cuộc mít tinh trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 9-9, ban lãnh đạo Triều Tiên đã kêu gọi toàn thể người dân nêu cao tinh thần tự lực và độc lập để xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh.

Cuộc diễu binh của Triều Tiên vẫn có những khí tài quân sự hạng nặng nhưng không hề có sự xuất hiện của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: vov.vn
Cuộc diễu binh của Triều Tiên vẫn có những khí tài quân sự hạng nặng nhưng không hề có sự xuất hiện của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: vov.vn

Điểm đáng chú ý trong cuộc diễu binh lần này là Triều Tiên không trình diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)-vũ khí được cho là thành tựu to lớn của Triều Tiên và khiến Bình Nhưỡng hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế. Thay vào đó là hình ảnh nêu bật những đặc trưng của Triều Tiên, cùng hình ảnh về các nhà máy và những cánh đồng lúa mì rộng lớn…

Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam kêu gọi cả dân tộc nỗ lực xây dựng nền kinh tế hùng mạnh và cải thiện cuộc sống của người dân với tinh thần cách mạng tự lực và tăng cường sản xuất.

Các chuyên gia nhận định, trọng tâm mới của Triều Tiên về sự tự lực có thể được xem là một chiến thuật tạo đòn bẩy của nước này trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ hiện đang rơi vào bế tắc. Thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi đi là không muốn làm xấu đi quan hệ với Mỹ, đồng thời khẳng định quyết tâm thực hiện chiến lược mới, tập trung vào phát triển nền kinh tế.

Trong một nỗ lực hòa giải, ngày 14-9, hai miền Triều Tiên đã chính thức khai trương Văn phòng Liên lạc liên Triều nhằm thúc đẩy trao đổi xuyên biên giới và liên lạc giữa hai bên, đồng thời nhất trí một số biện pháp nhằm giảm căng thẳng quân sự, trong đó có kế hoạch giải giáp Khu vực an ninh chung (JSA) và tiếp tục các hoạt động khai quật chung (JRO) hài cốt binh lính tử trận trong Khu phi quân sự (DMZ).

5. Hơn 1.000 nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9-2001 vẫn chưa xác định được danh tính

17 năm đã trôi qua kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 chấn động toàn thế giới, danh tính của hơn 1.100 nạn nhân cho tới nay vẫn chưa được xác nhận.

New York ngày xảy ra vụ tấn công 11-9-2001. Ảnh: Reuters
New York ngày xảy ra vụ tấn công 11-9-2001. Ảnh: Reuters

Có khoảng 22.000 bộ phận cơ thể người được tìm thấy tại hiện trường Trung tâm Tài chính thế giới được đưa đi kiểm tra và có những mẫu vật được kiểm tra tới 10 hoặc 15 lần.

Cho tới nay, công việc này vẫn đang được các chuyên gia kiên trì tiến hành, nhưng  mới chỉ có 1.642 người trên tổng số 2.753 nạn nhân thiệt mạng được chính thức xác nhận danh tính

Trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2011, từ lúc 8 giờ 46 phút đến 10 giờ 03 phút, những kẻ không tặc đã khống chế và cướp 4 máy bay dân dụng Mỹ lần lượt đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và một khu vực gần Shanksville, bang Pennsylvania.

Vụ khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 2.997 người. Đây được coi là một cột mốc trong nền chính trị thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, để lại nhiều tác động lâu dài, ám ảnh đến tận ngày nay bởi chủ nghĩa khủng bố.

6. Nga tổ chức tập trận lớn nhất trong lịch sử

Ngày 11-9, Nga đã tiến hành cuộc tập trận “Vostok-2018” (Phương Đông 2018) quy mô lớn nhất trong lịch sử tại miền Đông Siberia, với sự tham gia của các quân khu Trung tâm và phía Đông, Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội biển Bắc, cùng tất cả các binh đoàn và lực lượng đổ bộ đường không, máy bay tầm xa và máy bay vận tải quân sự. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thị sát cuộc tập trận.

Các lực lượng Nga, Trung Quốc và Mông cổ tập trận tại thao trường Tsugol. Ảnh: Sputnik
Các lực lượng Nga, Trung Quốc và Mông cổ tập trận tại thao trường Tsugol. Ảnh: Sputnik

Cuộc tập trận kéo dài từ ngày 11 đến 17-9 này huy động gần 300.000 binh sĩ, hơn 1.000 máy bay, gần 80 tàu quân sự, 36.000 xe tăng, xe bọc thép và nhiều phương tiện chiến đấu khác. Đặc biệt, cuộc tập trận này còn có sự tham gia của quân đội Mông Cổ và Trung Quốc.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.