Thứ Bảy, 10/11/2018, 16:48 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Bất ổn và kỳ vọng

Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chia nhau kiểm soát lưỡng viện; leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran; châu Âu ra mắt Lực lượng can thiệp quân sự chung… là những sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế tuần qua.

1. Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng do các lệnh trừng phạt mới của Washington

Thế đối đầu Mỹ - Iran tiếp tục leo thang khi ngày 5-11, các biện pháp trừng phạt nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ của Mỹ đối với Iran bắt đầu có hiệu lực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters

Các biện pháp trừng phạt sẽ tác động trực tiếp tới các công ty thuộc các nước thứ ba đang làm ăn với Iran, đặc biệt có thể tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới mặc dù Mỹ tuyên bố trao quyền miễn trừ tạm thời cho 8 nước. Washington liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Mỹ đồng thời cảnh báo mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách đen" của Washington. Mỹ còn cảnh báo các nước không được cho tàu chở dầu của Iran đi vào lãnh hải hoặc cảng biển.

Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án các biện pháp trừng phạt và những yêu sách của Mỹ đòi hỏi sự thay đổi từ Tehran là "lố bịch, phi pháp và sai lầm một cách cơ bản". Tehran đã gửi thư đến Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhằm phản đối những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các tàu của Iran. Bức thư đã lên án những biện pháp trừng phạt của Mỹ là một sự vi phạm các hiệp ước vận chuyển quốc tế, gây nguy hại cho an ninh hàng hải, và nhấn mạnh rằng Iran đã kêu gọi IMO tiến hành một cuộc họp hội đồng để giải quyết vấn đề này.

Một số nước đồng minh của Mỹ như Pháp, Đức, Anh và EU đã ra tuyên bố chung lên án quyết định của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

Sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác. Lần trừng phạt mới này nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran.

2. Làn sóng người di cư tiếp tục đổ về biên giới Mexico - Mỹ

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng sở tại, trong vòng 3 tuần qua, hơn 11.000 người di cư Trung Mỹ đã có mặt tại lãnh thổ Mexico trên hành trình tới Mỹ. Những người di cư chủ yếu đến từ Honduras, Guatemala và El Salvador, họ rời bỏ quê hương để chạy trốn đói nghèo và bạo lực.

Hàng nghìn người tị nạn vượt qua biên giới Mexico tiến về Mỹ. Ảnh: Reuters
Hàng nghìn người tị nạn vượt qua biên giới Mexico tiến về Mỹ. Ảnh: Reuters

Dòng người di cư này đang tạo ra sức ép không nhỏ về an ninh và nhân đạo đối với chính quyền Mexico. Việc không thể ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ cũng làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Mexico vốn đã bị rạn nứt vì vấn đề này.

Mỹ đã triển khai 4.800 binh sĩ tới biên giới Mexico nhằm ngăn chặn dòng người di cư, nâng tổng số binh lính Mỹ có mặt tại đây lên tới 9.000 người. Trong một động thái cứng rắn, ngày 9-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã ký một sắc lệnh cho phép xét duyệt ngay tại cửa khẩu những người nhập cư xem có đủ tư cách xin tị nạn hay không. Quy định mới này sẽ giúp giảm đáng kể dòng người di cư vào Mỹ và giảm tải cho hệ thống xét duyệt tị nạn vốn đang quá tải. Ước tính, có khoảng hơn 700.000 hồ sơ xin tị nạn vẫn đang tồn đọng tại các tòa án nhập cư.

3. Châu Âu ra mắt Lực lượng can thiệp quân sự chung

Ngày 7-11, Bộ trưởng Quốc phòng 10 quốc gia tham gia Sáng kiến can thiệp chung châu Âu (IEI), gồm Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Phần Lan đã tiến hành cuộc họp đầu tiên tại thủ đô Paris của Pháp.

Phần Lan là quốc gia thứ 10 tham gia Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu. Ảnh: euractiv.fr
Phần Lan là quốc gia thứ 10 tham gia Liên minh các lực lượng quân sự châu Âu. Ảnh: euractiv.fr

Cuộc họp nhằm cụ thể hóa kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập một “quân đội châu Âu thực sự” để không phải phụ thuộc vào Mỹ.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước đã xác định “các ưu tiên” về khu vực địa lý, nguy cơ… để quân đội các nước trên phối hợp trong những trường hợp cần can thiệp nhanh, cũng như đối phó với thảm họa thiên nhiên hay sơ tán dân cư.

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp, IEI "không mâu thuẫn hoặc phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống” của EU cũng như của NATO, mà ngược lại, cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì cho biết, nhiều khả năng quân đội châu Âu sẽ sớm ra đời. Hiện EU có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của liên minh từ năm 2021, phân bổ khoảng 13 tỷ euro trong vòng 7 năm để nghiên cứu và phát triển các thiết bị quân sự mới.

4. Bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ: Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chia nhau kiểm soát hai viện

Cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã ngã ngũ với việc hai sắc đỏ (Đảng Cộng hòa) và xanh (Đảng Dân chủ) chia nhau thống trị bản đồ bầu cử nước Mỹ.

Ngày 7-11, đảng Dân chủ đã giành được 220 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, vượt quá 218 ghế cần thiết để nắm quyền kiểm soát  Hạ viện 435 ghế. Đây được coi là bước dọn đường cho đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào năm 2020 tới.  

Đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm giữ 2 viện Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN
Đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm giữ 2 viện Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN

Trước đó, cuộc bầu cử Thượng viện đã ngã ngũ với việc đảng Cộng hòa giành được 51 ghế, bảo toàn được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này, trong khi đảng Dân chủ mới chỉ giành được 44 ghế.

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, khi đa số dân chúng Mỹ vớ tâm lý lo ngại, cho rằng cần lập lại thế cân bằng trong cơ quan lập pháp để hạn chế những quyết sách gây tranh cãi của chính quyền. Với việc đảng Dân chủ giành thế đa số tại Hạ viện, chặng đường hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nửa đầu nhiệm kỳ, khi người Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội.

5. Yemen - "Địa ngục trần gian" đối với trẻ em

Suy dinh dưỡng nặng, nguy cơ tử vong cao do dịch bệnh hay thiệt mạng do bom đạn đang là những vấn nạn trẻ em Yemen phải hứng chịu từ nạn đói và cuộc xung đột kéo dài suốt nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Bức ảnh chụp em bé Amal Hussain, 7 tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng, gây chấn động thế giới. Ảnh: New York Times
Bức ảnh chụp em bé Amal Hussain, 7 tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng, gây chấn động thế giới. Ảnh: New York Times

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Trung Đông và Bắc Phi mô tả Yemen đã trở thành một "địa ngục trần gian" với "mọi bé trai và bé gái" tại  đây.

Theo báo cáo, cứ mỗi năm lại có 30.000 trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng tại Yemen, trong khi cứ mỗi 10 phút lại có 1 em chết vì các căn bệnh thông thường. Thống kê của UNICEF cho thấy 1,8 triệu trẻ em Yemen dưới 5 tuổi hiện đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi cuộc sống của 400.000 em khác cũng đang bị đe dọa.

Trong khi đó, các cơ sở hạ tầng bị phá hoại khiến 2/3 số bệnh viện ở Yemen không thể hoạt động. Xung đột, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế tự do đi lại, đã khiến việc tiếp cận của người dân với nguồn lương thực trở nên vô cùng khó khăn.

Yemen là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Xung đột đã khiến gần 10.000 người Yemen thiệt mạng, trong khi LHQ cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 7 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và hơn 20.000 người tử vong do dịch tả.

6. Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ về thương mại

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donad Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 6-11, giới chức Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng đối thoại thương mại với Mỹ. Đây được xem là cơ hội tốt để hai bên đàm phán, hóa giải những căng thẳng, chấm dứt những “đòn ăn miếng trả miếng” trong quan hệ thương mại song phương.

Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới. Ảnh: Bloomberg
Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới. Ảnh: Bloomberg

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg tổ chức tại Singapore, Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề cùng quan tâm và phối hợp tìm ra một giải pháp về thương mại chấp nhận được đối với cả hai bên”. Quan chức Trung Quốc nhấn mạnh tiêu cực và tức giận không phải là cách thức phù hợp có thể giải quyết được các vấn đề nảy sinh từ quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế.  

Ông khẳng định Bắc Kinh ủng hộ giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua các quy định và sự đồng thuận, cũng như phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ. Trung Quốc sẽ giữ thái độ kiềm chế và tỉnh táo, cởi mở hơn và hợp tác vì lợi ích chung.

Những tháng gần đây, Bắc Kinh và Washington trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của bên kia. Không bên nào chịu "xuống nước", khiến các tranh cãi thương mại này làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.