Thứ Hai, 30/09/2019, 11:22 (GMT+7)
.

Ngoại trưởng Syria: Không nên có thời hạn cho Ủy ban Hiến pháp

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng Muallem nêu rõ Ủy ban Hiến pháp Syria không nên bị áp đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Syria Walid Muallem phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngày 28-9 tuyên bố Ủy ban Hiến pháp Syria mới được thành lập không nên bị áp đặt bất kỳ hạn chót hay khung thời gian nào do những điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ủy ban.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng Muallem nêu rõ: "Không nên áp đặt bất kỳ hạn chót hay khung thời gian nào cho ủy ban. Mỗi bước đi đều cần phải thận trọng và được biết rõ, khi mà Hiến pháp là một bước đi thiết yếu quyết định tương lai của Syria."

Theo ông Muallem, Ủy ban Hiến pháp Syria không nên bị áp đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Nhà ngoại giao chỉ rõ rằng tiến trình hòa giải cần do người Syria dẫn đầu, không phải do một quốc gia bên ngoài.

Hiện Ủy ban Hiến pháp Syria mới được thành lập đã được cho phép dự thảo một bản Hiến pháp mới cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, theo như điều khoản tham chiếu được Chính phủ và phe đối lập nhất trí.

Theo "Điều khoản tham chiếu và Nguyên tắc cốt lõi về thủ tục" được Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) công bố ngày 28/9, "Ủy ban Hiến pháp có thể xem xét lại Hiến pháp năm 2012 (của Syria), cùng với những kinh nghiệm về hiến pháp khác của Syria, sửa đổi Hiến pháp hiện hành hoặc dự thảo một Hiến pháp mới."

Theo văn kiện trên, Ủy ban Hiến pháp sẽ có bộ phận bao quát và một bộ phận nhỏ, trong đó bộ phận nhỏ gồm 45 thành viên chịu trách nhiệm chuẩn bị và dự thảo các đề xuất về Hiến pháp để bộ phận lớn gồm toàn bộ 150 thành viên của ủy ban thông qua.

Bộ phận bao quát gồm 50 thành viên được Chính phủ đề cử, 50 do phe đối lập đề cử và 50 đại diện của xã hội dân sự. Bộ phận nhỏ gồm có 15 thành viên được chọn từ mỗi nhóm.

Danh sách 150 thành viên Ủy ban Hiến pháp sẽ được Liên hợp quốc công bố vào thời điểm thích hợp khi toàn bộ đề cử đã được chính thức xác nhận.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/ngoai-truong-syria-khong-nen-co-thoi-han-cho-uy-ban-hien-phap/597813.vnp)

.
.
.