Thứ Sáu, 26/06/2020, 21:12 (GMT+7)
.

Các nước ASEAN tin tưởng vào năng lực ngoại giao của Việt Nam

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 36 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 26-6 phản ánh một thách thức không chỉ đối với cả khối gồm 10 quốc gia thành viên này mà còn đối với riêng Việt Nam, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020.

Quang cảnh Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Ảnh: TTXVN

Đây là nhận định của chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Australia Huong Le Thu (Lê Thu Hương).

Trong bài viết về vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam được đăng tải trên tờ Nikkei Asia Review ngày 25/6, chuyên gia trên phân tích Việt Nam là một nước đến sau, gia nhập ASEAN vào năm 1995 - gần 3 thập kỷ sau khi khối này được thành lập - trong bôi cảnh nền kinh tế Việt Nam tụt hậu so với 6 nước thành viên đã gia nhập ASEAN trước đó.

Tuy nhiên, 1/4 thế kỷ sau đó đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam, và hiện Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh mẽ bất chấp những tác động gần đây của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với khu vực.

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn bài viết nhận định Việt Nam đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và nhận được sự tôn trọng từ các quốc gia thành viên ASEAN giàu có hơn và phát triển hơn như Singapore, Thái Lan và Malaysia vì đã kiểm soát được dịch bệnh này.

Về mặt kinh tế, Việt Nam kém phát triển hơn so với nhiều quốc gia thành viên ASEAN khác, nhưng Việt Nam vẫn sẵn sàng giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch COVID-19, phục hồi nhanh hơn trước sự suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch và thích nghi với các cơ hội mới tốt hơn hầu hết các nước láng giềng.

Bài viết đánh giá Việt Nam đã chứng tỏ là một nước chủ nhà có năng lực trong những lần giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trước đây. Theo đó, Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý xung đột ở Biển Đông và Việt Nam đang nổi lên như là quốc gia bảo vệ hiện trạng lãnh thổ trên tuyến đầu ở khu vực. Quan trọng hơn, Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự phù hợp về thể chế của ASEAN trong khu vực.

Bài viết nhấn mạnh với tất cả các lý do trên, các nước thành viên ASEAN tỏ ra tin tưởng vào năng lực ngoại giao của Việt Nam, ngay cả trong hoàn cảnh phải tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến và thiếu sự chuẩn bị.

Họp trực tuyến đồng nghĩa không có các cuộc trò chuyện trong hậu trường để xây dựng sự đồng thuận quan trọng - thước đo thành công của ASEAN. Hội nghị cấp cao này vốn bị trì hoãn gần 2 tháng qua vì đại dịch COVID-19 đòi hỏi một phong cách ngoại giao mới từ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Tác giả bài viết khẳng định tin tưởng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm tốt để duy trì đồng thuận của ASEAN trong bối cảnh những quan điểm khác biệt ngày càng tăng về tương lai của khu vực.

Nhân dịp Việt Nam - nước Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020 - tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến, phóng viên TTXVN tại Thái Lan đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster Thailand về những kỳ vọng và vai trò của Việt Nam trong xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, phục hồi bền vững thời kỳ hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Tiến sỹ Balaz Szanto, ASEAN đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau của khu vực, đặc biệt là khi tình thế đòi hỏi nhiều sự phối hợp hành động hơn so với các nỗ lực riêng lẻ của từng quốc gia.

Tiến sỹ Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster Thailand trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN
Tiến sỹ Balaz Szanto thuộc Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster Thailand trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN

Mặc dù ASEAN đã đạt được nhiều thành quả trong những năm qua, nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần được đưa ra bàn luận tại Hội nghị Cấp cao lần này. Tại Hội nghị này, việc phối hợp hành động là cần thiết và vượt qua giới hạn của từng thành viên riêng lẻ.

Ông bày tỏ kỳ vọng trong Hội nghị Cấp cao lần thứ 36, ASEAN sẽ tạo được nhiều tiến triển trong giải quyết các vấn đề quan trọng, xác định được tầm nhìn chung, đặc biệt là đối với các vấn đề chưa có giải pháp, cũng như các nỗ lực chung của ASEAN trong nhiều năm qua.

Về vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Tiến sỹ Balaz Szanto nhấn mạnh rằng Việt Nam là thành viên quan trọng, là quốc gia có vai trò chủ yếu trong ASEAN.

Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng riêng biệt đến các vấn đề quan trọng, trong đó có việc thúc đẩy giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển, cũng như các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của ASEAN.

Theo ông Szanto, với vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, đây là cơ hội quan trọng để Hiệp hội này thúc đẩy các chủ đề về thách thức an ninh trong chương trình nghị sự của khối.

Liên quan cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của các nước ASEAN, Tiến sỹ Balaz Szanto cho rằng việc phối hợp chung là rất cần thiết do một quốc gia riêng lẻ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng này, trong đó ASEAN là một tổ chức khu vực điều phối nỗ lực chung của khu vực Đông Nam Á, để triển khai các giải pháp không chỉ hiệu quả, mà còn mang lại lợi ích cho người dân khu vực và các quốc gia thành viên, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Tiến sỹ Balaz Szanto cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với khu vực trong thời kỳ hậu COVID-19 là tìm ra nền tảng chung; từ đó, thuyết phục các quốc gia thành viên không tiến hành các hành động vụ lợi có thể gây thiệt hại đến các quốc gia khác trong quá trình phục hồi kinh tế.

Ông nhấn mạnh ASEAN có vai trò quan trọng trong bối cảnh hậu COVID-19, không những trong việc điều phối các nỗ lực mà còn phải thuyết phục các nước thành viên cùng tham gia nỗ lực chung và đôi khi phải bỏ qua những lợi ích riêng lẻ để hướng tới mục đích phục hồi kinh tế chung của khu vực.

Bên cạnh các thách thức, môi trường hậu COVID-19 cũng đem lại cho ASEAN cơ hội để tạo dựng một nét đặc trưng riêng của mình.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định sự kiện này phản ánh năng lực lãnh đạo ASEAN của Việt Nam bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông bày tỏ sự đánh giá cao về vai trò nổi bật của Việt Nam trong năm giữ ghế Chủ tịch điều hành ASEAN 2020.

Bài phát biểu với 4 nội dung chính của Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng việc lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN phải tổ chức qua hình thức trực tuyến đã cho thấy cam kết cao nhất của lãnh đạo khối ASEAN, sự hồi phục mạnh mẽ và thích ứng với tình hình hiện tại. Ông cho rằng ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng cộng đồng và tạo dựng sự đoàn kết trong khuôn khổ đa phương trong khi cuộc khủng hoảng toàn cầu đang ảnh hưởng đến tất cả các nước Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra một loạt các khó khăn, trong đó có vấn đề y tế cộng đồng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các tác động xã hội nghiêm trọng và đà suy thoái kinh tế toàn cầu, nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng những ứng phó và đoàn kết tập thể dựa trên cơ chế đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, là điều tuyệt đối cần thiết.

Thủ tướng Campuchia cho rằng đây thực sự không phải là lúc “chơi trò đổ lỗi” và phân biệt đối xử. Campuchia hoàn toàn ủng hộ nghĩa vụ hiến định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong vai trò dẫn dắt và điều phối cuộc chiến toàn cầu chống dịch COVID-19. Trong khi chờ đợi những thành công mới nhất của việc phát triển vaccine phòng ngừa COVID-19, Campuchia kêu gọi biến vaccine thành loại hàng hóa phổ biến toàn cầu cho tất cả mọi nước đều có thể tiếp cận được.

Về phương hướng tương lai, Thủ tướng Hun Sen cho rằng ASEAN cần có kế hoạch hồi phục kinh tế rõ ràng và thận trọng, trong đó vạch ra nhiều kịch bản cho việc tái mở cửa từng bước việc đi lại qua biên giới trong khu vực, thương mại nội khối và phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Bày tỏ vui mừng với những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Kế  hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Campuchia tiếp tục khuyến khích những cam kết tích cực cho việc triển khai MPAC 2025. Về vấn đề kết nối, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kết nối số và nền kinh tế số để bù đắp cho những thiệt hại sản xuất do dịch COVID-19 gây ra.

Về việc Timor Leste nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, Thủ tướng Hun Sen tái khẳng định rằng Campuchia ủng hộ hoàn toàn việc sớm kết nạp Timor Leste vào ASEAN.

Trước tình hình thế giới đang có thay đổi nhanh chóng, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh Campuchia rất lưu ý tới việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông. Những diễn biến mới ở Biển Đông phản ánh tầm quan trọng của việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông. Về vấn đề này, Thủ tướng Hun Sen cho rằng các bên liên quan cần tập trung vào việc kiềm chế và sử dụng các giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

(Theo https://www.vietnamplus.vn/cac-nuoc-asean-tin-tuong-vao-nang-luc-ngoai-giao-cua-viet-nam/648476.vnp)

.
.
.