Chủ Nhật, 21/06/2020, 16:20 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Giữa cơn đại dịch, nhiều điểm nóng đột ngột "tăng nhiệt"

Trong khi dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên phạm vi toàn cầu thì mâu thuẫn, bất đồng từ những vấn đề cũ, tại một số điểm nóng đột ngột “tăng nhiệt”. Thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên gay gắt, không thể xem thường.

1. Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19: Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", châu Á đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai

Theo trang worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 19-6, toàn thế giới đã ghi nhận 8.621.822 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 457.341 ca tử vong.

Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch Covid-19, với 2.265.449 ca nhiễm và 120.726 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 984.315 ca nhiễm và 47.897 ca tử vong; Nga 569.063 ca nhiễm và 7.841 ca tử vong; Ấn Độ với 382.497 ca nhiễm và 12.616 ca tử vong.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại ga xe lửa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18-6-2020. Ảnh: TTXVN
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại ga xe lửa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18-6-2020. Ảnh: TTXVN

Trong khi châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế, thì châu Á - nơi khởi phát đại dịch cuối năm 2019, đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai khi hàng loạt ca nhiễm mới được phát hiện tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia....

Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 83.325 ca. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai khi liên tục ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày trong 1 tuần qua. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định ngừng mọi sự kiện thể thao, đóng cửa các phòng tập gym, các trường học, ngừng hàng nghìn chuyến bay đến và đi từ thành phố này. Nhiều thành phố đã áp dụng cách ly bắt buộc đối với người từ Bắc Kinh.

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cảnh báo dịch bệnh vẫn hoành hành ở nhiều nước, do đó các chính phủ cần tiếp tục quá trình phục hồi và tái thiết nhưng vẫn duy trì cảnh giác và thận trọng khi nới lỏng phong tỏa.

2. Quan hệ liên Triều leo thang căng thẳng

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên gia tăng căng thẳng trong những tuần gần đây, khi Bình Nhưỡng nhiều lần chỉ trích Seoul về hành động thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc.

Hình ảnh về vụ nổ văn phòng liên lạc chung liên Triều tại thành phố Kaesong. Ảnh: AP
Hình ảnh về vụ nổ văn phòng liên lạc chung liên Triều tại thành phố Kaesong. Ảnh: AP

Ngày 16-6, Bình Nhưỡng đã cho phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới sát với Hàn Quốc. Sau đó một ngày, ngày 17-6, Hàn Quốc đã đưa ra lời đề nghị về việc cử các đặc phái viên nhưng bị Triều Tiên từ chối. Quân đội Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch đưa quân tới khu công nghiệp chung Kaesong và khu du lịch núi Kumgang, đồng thời sẽ khôi phục các trạm gác đã được dỡ bỏ trong Khu phi quân sự phân chia hai miền và nối lại tất cả các cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần biên giới liên Triều.

Trước đó, ngày 13-6, bà Kim Yo-jong, thành viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đe dọa cắt quan hệ với Hàn Quốc và chỉ thị quân đội áp dụng những biện pháp cần thiết để trừng phạt Hàn Quốc.

Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo ngày 18-6 tuyên bố nước này sẽ đáp trả mạnh nếu Triều Tiên có những hành động khiêu khích quân sự. Dù chưa nâng mức báo động, song quân đội Hàn Quốc đang tăng cường khả năng sẵn sàng cho bất kỳ tình huống xung đột nào phát sinh ở khu vực biên giới, gồm Khu phi quân sự và ranh giới quân sự liên Triều trên biển (NLL).

Nga và Trung Quốc đã kêu gọi các bên kiềm chế. Mỹ đã gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Triều Tiên thêm một năm, viện dẫn những hành động mà Washington cho là "mối đe dọa bất thường" gần đây từ phía Bình Nhưỡng.

3. Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tại khu vực biên giới

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang, sau khi binh lính hai nước đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15-6. Binh sĩ hai bên đã ẩu đả bằng gạch đá và gậy gộc trong nhiều giờ. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ Lục quân nước này đã thiệt mạng.

Binh sĩ Trung - Ấn tại khu vực biên giới Ladakh. Ảnh: PTI
Binh sĩ Trung - Ấn tại khu vực biên giới Ladakh. Ảnh: PTI

Hai bên đều đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân dẫn đến sự việc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho rằng phía Trung Quốc không giữ cam kết tôn trọng Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại thung lũng Galwan. Bộ Viễn thông Ấn Độ đã yêu cầu các công ty viễn thông nhà nước BSNL và MTNL, cũng như các công ty tư nhân, ngừng tất cả các giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như mua sắm thiết bị của những doanh nghiệp này.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Triệu Lập Kiên chỉ trích phía Ấn Độ đã vi phạm cam kết giữa hai bên và đã vượt qua LAC để thực hiện "các hoạt động bất hợp pháp và tấn công binh sĩ Trung Quốc". Ông Triệu Lập Kiên không xác nhận bất cứ thông tin nào về thương vong phía Trung Quốc.

Để hạ nhiệt căng thẳng, Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc và phối hợp thông qua các kênh quân sự và ngoại giao. Ngày 17-6, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc điện đàm, hai bên nhất trí "giải quyết công bằng" các vấn đề tại thung lũng Galwan và duy trì hòa bình ở khu vực biên giới theo thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ đưa tin cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân sự hai nước có bước đột phá. Diễn biến tích cực nhất, theo tin từ hãng PTI, tối 18-6, Trung Quốc đã trả tự do cho 10 binh sĩ Ấn Độ bị bắt giữ trong cuộc đụng độ.

Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 5 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong. Vụ việc ngày 15-6 là vụ đụng độ lớn đầu tiên dọc LAC kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Doklam, mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng, năm 2017. Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo LAC.

4. Biến tướng hoạt động biểu tình tại châu Âu

Phong trào biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng tại nhiều quốc gia, sau vụ công dân da màu George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, đã kéo theo hành động phá hoại những bức tượng hoặc đài tưởng niệm những nhân vật được tôn vinh trong lịch sử. Những người quá khích cho rằng những nhân vật này có tư tưởng phân biệt chủng tộc, hoặc tham gia buôn bán người nô lệ da đen, những bức tượng như vậy cần được phá bỏ.

Một bức tượng của vua Leopold II bị sơn phản đối tại Bỉ. Ảnh: CNN.
Một bức tượng của vua Leopold II bị sơn phản đối tại Bỉ. Ảnh: CNN

Mới đây nhất, bức tượng bán thân cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle ở miền Bắc nước Pháp đã bị người biểu tình bôi sơn vàng và viết từ "nô lệ" ở phía sau bệ đỡ.

Những bức tượng cũng trở thành mục tiêu phá huỷ ở Bỉ. Tại thành phố Antwerp, tượng của vua Leopold II đã bị đốt cháy nặng nề đến mức chính quyền thành phố buộc phải loại bỏ và dự định sau khi sửa chữa sẽ đặt trong bảo tàng. Một nhóm có tên "Sửa chữa lịch sử" đã thu hút hơn 70.000 chữ ký trong bản kiến nghị loại bỏ tất cả các bức tượng của Vua Leopold II tại thủ đô Brussels trước ngày 30-6, ngày kỷ niệm 60 năm Cộng hoà Dân chủ Congo độc lập khỏi Bỉ.

Tại Australia, cảnh sát nước này đã bắt giữ hai người phụ nữ có liên quan tới hành động phá hoại tượng nhà thám hiểm nổi tiếng James Cook sáng 14-6.

Trong khi đó tại Anh, chính quyền thành phố London đã phải cho quây che một số tượng đài có thể bị các đối tượng quá khích phá hỏng như tượng cố Thủ tướng lừng danh nước Anh Winston Churchill tại quảng trường đối diện tòa nhà Quốc hội, tượng những người phụ nữ trong Chiến tranh thế giới thứ hai tại Westminster, hay tượng Charles I tại Charing Cross, và Robert Clive tại Whitehall.

5. Mỹ tuyên bố giảm quân đồn trú tại Đức

Ngày 15-6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ giảm số lượng binh lính đồn trú tại Đức xuống còn 25.000 người. Nhà lãnh đạo Mỹ đã viện dẫn đóng góp của Berlin đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và mâu thuẫn thương mại giữa hai nước.

Binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức. Ảnh: Business Insider
Binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức. Ảnh: Business Insider

Tổng thống Trump cho rằng Đức không chi tiêu đủ cho quốc phòng theo yêu cầu của NATO. Ông nêu rõ Mỹ sẽ rút binh sĩ khỏi Đức cho đến khi Berlin chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Cũng theo ông Trump, trong khi chi ít cho quốc phòng, Berlin lại rất "hào phóng" với Nga trong việc nhập khí đốt cũng như ủng hộ cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước cũng là vấn đề mà Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Đức, cho rằng kinh tế Đức đã được hưởng lợi quá lớn nhờ thặng dư thương mại và tố cáo Berlin "không công bằng" khi xuất quá nhiều hàng hóa sang Mỹ. 

Đức hiện là một trong số "đại bản doanh" lớn nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài, chỉ đứng sau Nhật Bản về quân số. 34.500 binh sĩ cùng với 17.000 nhân viên dân sự người Mỹ, chưa kể khoảng 12.000 nhân viên người Đức, được triển khai tại hàng chục căn cứ ở Đức, trong đó có khoảng 10 căn cứ quan trọng nằm ở miền Trung và Nam quốc gia châu Âu.

Tổng thư ký NATO và Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức nhằm đảm bảo an ninh cho cả Mỹ và châu Âu. Giới phân tích đánh giá, việc Mỹ cắt giảm số lượng binh sĩ đồn trú tại Đức làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của ông Trump đối với các thỏa thuận hợp tác lâu nay với các đồng minh châu Âu. Động thái của Mỹ có nguy cơ làm xói mòn khối liên minh quân sự NATO.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.