Chủ Nhật, 27/09/2020, 09:42 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang khiến cộng đồng quốc tế đối mặt với những thách thức nghiêm trọng chưa từng có. Bên cạnh đó, mâu thuẫn lợi ích, đối đầu nước lớn leo thang tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường. Việc đề cao những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, thúc đẩy cơ chế đa phương đã trở thành vấn đề cấp bách hiện nay.

1. Khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75

Ngày 21-9, Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 75, bao gồm Phiên thảo luận chung cấp cao và các sự kiện cấp cao bên lề khác, đã diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ.

Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại lễ khai mạc phiên thảo luận chung, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75, ông Volkan Bozkir, kêu gọi lãnh đạo các nước tái ủng hộ chủ nghĩa đa phương, củng cố lại các cơ quan của LHQ trong bối cảnh đối mặt với thách thức chưa từng có là đại dịch COVID-19.

Người đứng đầu ĐHĐ LHQ Bozkir cũng khẳng định vai trò không thể thiếu được của LHQ suốt những năm qua và cả trong tương lai vì một thế giới được phục hồi sau đại dịch, phát triển bền vững, và bao trùm.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ Bozkir đã đề ra 3 vấn đề ưu tiên của LHQ trong thời gian tới gồm: Củng cố chủ nghĩa đa phương; thúc đẩy các chương trình nhân đạo và tăng cường nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như đã đề ra trong chương trình nghị sự 2030 của LHQ.

Tại phiên thảo luận chung với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, Liên hợp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung với chủ nghĩa đa phương- ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng hành động đa phương hiệu quả”, đại diện hơn 190 nước thành viên LHQ đã cùng nhìn nhận những tác động của đại dịch Covid-19 khiến thế giới đối mặt với nền kinh tế lao dốc, hệ thống y tế quá tải và hệ thống giáo dục bị gián đoạn; những người yếu thế lại chính là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất; nhiều người phải bỏ lại nhà cửa di cư, tị nạn để tránh các cuộc xung đột đẫm máu; nhiều phụ nữ, trẻ em phải hứng chịu bạo lực do gia tăng xung đột sắc tộc, tôn giáo.

Năm nay, các lãnh đạo thế giới không thể đến trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) trong tuần lễ cấp cao này do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thay vào đó, các phát biểu được ghi âm trước của họ được trình chiếu tại phòng họp của ĐHĐ, chỉ với sự tham gia trực tiếp của khoảng 200 đại biểu.

2. Đại dịch Covid-19: Tổng số ca bệnh trên thế giới lên tới hơn 32,5 triệu trường hợp

Theo trang mạng worldometers.info, tính 22 giờ ngày 25-9, trên thế giới có tổng cộng 32.505.897 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và 989.214 ca tử vong. Số ca bình phục là 23.993.396 ca.

Đã có hơn 32,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. Ảnh: AP
Đã có hơn 32,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới. Ảnh: AP

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với 7.194.490 ca mắc và 207.741 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 5.843.349 ca mắc và 92.587 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc (4.659.909 ca), trong đó có 139.883 ca tử vong. Sau Brazil là Nga với 1.136.048 ca mắc và 20.056 ca tử vong. Một số nước khác ở châu Âu cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây, buộc các chính phủ phải tăng cường các biện pháp chống dịch.

Tại châu Á, đang có sự khác nhau trong cách xử lý dịch Covid-19 ở một số quốc gia. Cụ thể, Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị cho giai đoạn chống dịch then chốt khi số ca mắc mới hằng ngày vẫn trên 100 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp. Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng quyết định kéo dài các hạn chế thêm 2 tuần do các ca nhiễm mới hàng ngày ở Jakarta đã giảm kể từ đầu tuần này. Hiện Indonesia xác nhận 266.845 ca mắc Covid-19 và 10.218 ca tử vong. Trong khi đó, Thái Lan dự kiến rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh, xuống còn 7 ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới nếu không phát hiện ca mắc Covid-19 từ nước ngoài trong tháng 10. Thái Lan hiện có 3.516 ca nhiễm, trong đó có 59 ca tử vong.

Ở Trung Đông, Iran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với 439.882 ca nhiễm và 25.222 ca tử vong. Còn tại châu Phi, WHO nhận định khu vực này đã thoát khỏi đỉnh dịch.

3. Mỹ - Trung gia tăng chỉ trích, trừng phạt lẫn nhau

Khẳng định việc các quan chức Mỹ liên tục thăm Đài Loan thời gian qua là sự "thách thức chính trị", ngày 21-9, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân Mỹ liên quan đến vấn đề này.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: "Phía Trung Quốc chắn chắn sẽ thực thi các biện pháp đáp trả chính đáng, bao gồm nhằm vào các cá nhân liên quan. Hành động của phía Mỹ cũng sẽ gây tổn hại hơn nữa sự phối hợp và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong các vấn đề quốc tế quan trọng. Phía Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nghiệm về điều này”.

Ông cũng khẳng định, mọi hành vi gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và can thiệp công việc nội bộ của nước này đều sẽ phải chịu sự "giáng trả" quyết liệt từ phía Bắc Kinh và bất cứ thế lực nào cũng không thể cản trở sự thống nhất của Trung Quốc.

Trước đó, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã lần lượt tới thăm Đài Loan. Đây đều là những quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm hòn đảo này kể từ khi Washington chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) năm 1979.

Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Mỹ và Trung Quốc cũng chỉ trích nhau rất gay gắt. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22-9 đã chỉ trích Bắc Kinh mắc sai lầm trong đối phó Covid-19 khiến dịch bệnh lan ra toàn thế giới. Ông cũng gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”. Ông Trump còn chỉ trích Trung Quốc về vấn đề môi trường, cáo buộc nước này đổ hàng tấn rác thải nhựa ra đại dương và khai thác quá mức tài nguyên biển.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố phản bác, đồng thời chỉ trích phát biểu của ông Trump tại Liên hợp quốc là “bất chấp sự thật” và bôi nhọ Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân thì cáo buộc Mỹ lạm dụng diễn đàn tại Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an để phát tán “virus chính trị”, những thông tin sai lệch và tạo ra sự đối đầu và chia rẽ.

4. Châu Âu công bố chính sách mới về nhập cư và tị nạn

5 năm sau khủng hoảng người di cư, ngày 23-9, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất mới về chính sách đối với người di cư, buộc 27 nước thành viên chia sẻ trách nhiệm đối với người tị nạn trong một “cơ chế đoàn kết bắt buộc”.

Trại của người tị nạn ở ngoại ô Paris. Ảnh: Le Monde
Trại của người tị nạn ở ngoại ô Paris. Ảnh: Le Monde

Theo “Hiệp ước mới về Di cư và Cư trú” được công bố, toàn bộ thành viên EU sẽ phải thể hiện tình đoàn kết một cách bắt buộc với các nước tuyến đầu - thường là Hy Lạp, Italy hoặc Malta -  mỗi khi các nước này “chịu áp lực” từ những người tị nạn mới đến. Điều này đồng nghĩa với việc các trợ giúp sẽ không còn giới hạn ở các nước có người di cư đến, mà sẽ được chuyển cho cả các nước thành viên khác để đưa người tị nạn trở lại nơi họ bỏ đi.

Trong đề xuất mới này, Ủy ban châu Âu đã ra thêm các quy định chặt chẽ hơn về mức phạt đối với các nước không tuân thủ nghĩa vụ, cũng như trợ cấp cho các nước tiếp nhận người tị nạn ở mức 10.000 euro cho mỗi người tị nạn và 12.000 euro nếu đó là trẻ vị thành niên. Ngoài ra, đề xuất mới này cũng bao gồm các kế hoạch tăng cường an ninh biên giới, hồi hương những người không đủ điều kiện được cấp quy chế tị nạn và đẩy nhanh thủ tục xin cư trú cho người tị nạn.

Dự kiến gói chính sách mới về nhập cư và tị nạn có thể sẽ được chính thức áp dụng từ năm 2023. Tuy nhiên, chính sách mới này vừa được đề xuất đã vấp phải sự phản đối của các nước lớn trong khối ở Đông Âu như: Hungari, Ba Lan, Cộng hòa Séc vì cho rằng các biện pháp được đề xuất không đủ mạnh cũng như không phải là những thay đổi có tính chất đột phá để giải quyết vấn đề hiện nay.

5. Quan hệ Mỹ-Iran tiếp tục căng thẳng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-9 thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Iran cũng như các cá nhân, thực thể khác liên quan tới chương trình vũ khí và hạt nhân của Tehran nhằm khẳng định tuyên bố trước đó của Mỹ cho rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Tehran đã được khôi phục, một động thái mà các đồng minh chủ chốt của Washington như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tranh cãi.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP

Ngày 19-9, Mỹ tuyên bố rằng tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục và được tái áp đặt theo cơ chế "phản hồi" trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Động thái trên của Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Iran và cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng bác bỏ tuyên bố này của Mỹ.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định nước này sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ và sẽ có những phản ứng mạnh mẽ đối với sự "bắt nạt" này từ Mỹ".

Ngày 20-9, ba cường quốc châu Âu tham gia Thỏa thuận hạt nhân với Iran gồm Anh, Pháp và Đức tuyên bố, bất kỳ quyết định hoặc hành động nào được thực hiện để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Iran "sẽ không có hiệu lực pháp lý". Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, do đó Washington "không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ". Ông Borrell cũng cho biết các cam kết về dỡ bỏ trừng phạt trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA, hay thỏa thuận hạt nhân Iran), tiếp tục được áp dụng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.