Thứ Bảy, 01/05/2021, 12:28 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước

ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước; "cuộc chiến" trục xuất ngoại giao giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang… là những thông tin nổi bật về tình hình thế giới tuần qua.

1. Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch

Ngày 24-4, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tổ chức tại Indonesia đã kết thúc và ra Tuyên bố Chủ tịch.

Tuyên bố nêu rõ, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết hỗ trợ hiện thực hóa kịp thời các Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) của Chủ tịch ASEAN 2021 Brunei theo trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với chiến lược phục hồi, số hóa và bền vững; đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hơn nữa trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và các chương trình nghị sự của các cơ quan ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng nhằm đảm bảo ASEAN được điều phối, phục hồi và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: TTXVN
Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo ASEAN nhắc lại cam kết thực hiện kịp thời Kế hoạch triển khai Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN, đồng thời hoan nghênh quyết định sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 để mua vaccine cho người dân ASEAN càng sớm càng tốt.

ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất Khung thỏa thuận về Hành lang du lịch ASEAN (ATCAF), sớm vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khu vực cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và nhanh chóng thành lập Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và các bệnh mới nổi.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA. ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực không ngừng của Myanmar trong việc giải quyết tình hình ở bang Rakhine, trong đó có việc bắt đầu quá trình hồi hương tự nguyện, an toàn theo các thỏa thuận song phương của nước này với Bangladesh.

Về quan hệ đối ngoại, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí chỉ đạo các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sớm tổ chức các cuộc họp tiến tới nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chấp nhận kết nạp Anh làm đối tác đối thoại của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 54.

2. Thế giới chung tay hỗ trợ Ấn Độ ứng phó đại dịch Covid-19

Theo trang worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 30-4, thế giới ghi nhận tổng cộng 151.403.853 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.183.177 ca tử vong. Gần 130 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn gần 19 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ thở oxy tại Ghaziabad, Ấn Độ ngày 26-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ thở oxy tại Ghaziabad, Ấn Độ ngày 26-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong với lần lượt là 33.044.872 và 589.221. Tuy nhiên, hiện Ấn Độ đang là điểm nóng dịch bệnh của thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục phá kỷ lục mỗi ngày. Theo số liệu thống kê mới nhất Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 18.881.587 ca mắc Covid-19, trong đó có 208.952 ca tử vong. Chỉ trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này ghi nhận 386.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và gần 3.500 người tử vong.

Để từng bước kiểm soát dịch bệnh, Ấn Độ dự kiến từ ngày 1-5 bắt đầu mở rộng chương trình tiêm phòng Covid-19 đến những người từ 18-45 tuổi. Tuy nhiên nhiều bang thông báo chưa thể triển khai nỗ lực này vào thời điểm hiện tại do không có sẵn vaccine trong kho và phải ưu tiên tiêm liều thứ hai cho những người trên 45 tuổi.

Hàng loạt quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, Nga, Pháp và Anh gấp rút cung cấp các thiết bị y tế quan trọng như: Các thiết bị chăm sóc y tế khẩn cấp, thiết bị cung cấp khí oxy y tế và vaccine cũng như thuốc men, để giúp Ấn Độ đối phó làn sóng thứ hai của dịch bệnh. WHO đã cử hơn 2.600 nhân viên từ các chương trình khác của WHO tới hỗ trợ Ấn Độ chống đại dịch Covid-19.

Ngày 26-4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam quan tâm, theo dõi tình hình, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Chính phủ và người dân Ấn Độ trong lúc khó khăn này, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng với nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ, tình hình sẽ sớm được kiểm soát và ổn định.

3. "Cuộc chiến" trục xuất ngoại giao giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang

Cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây vẫn tiếp tục leo thang khi ngày 28-4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này đã trục xuất 7 nhà ngoại giao của Estonia, Latvia, Litva và Slovakia. Quyết định trên được đưa ra sau khi các nước này trục xuất các đại diện ngoại giao của Nga nhằm bày tỏ ủng hộ Cộng hòa (CH) Séc.

Trước đó, ngày 26-4, Nga thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Italy và triệu Đại sứ Italy đến trụ sở Bộ Ngoại giao Nga liên quan đến điều mà Moskva cho là động thái vô căn cứ của Rome khi trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga vào tháng trước.

Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Nga ở thủ đô Prague, CH Séc, ngày 22-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Nga ở thủ đô Prague, CH Séc, ngày 22-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng trong ngày 26-4, Bộ Ngoại giao Romania cho biết sẽ trục xuất một nhà ngoại giao Nga, để bày tỏ tình đoàn kết với CH Séc, nước đang vướng vào cuộc tranh cãi ngoại giao với Nga. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết nước này sẽ trục xuất nhân viên lãnh sự Nga tại Odessa, nhằm đáp trả việc Moskva trục xuất một nhân viên ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Ukraine ở Moskva.

Căng thẳng giữa hai nước Nga và Séc gia tăng sau khi Praha cáo buộc tình báo quân đội Nga đứng sau vụ nổ kho đạn ở miền Đông CH Séc năm 2014 và trục xuất 18 nhân viên Đại sứ quán Nga vì vụ việc này. Đáp lại, Moskva cũng trục xuất 20 nhân viên Đại sứ quán CH Séc, đồng thời tuyên bố những cáo buộc của CH Séc là phi lý. Sau đó, Chính phủ Séc yêu cầu đến cuối tháng 5, Nga phải rút 63 nhân viên Đại sứ quán để đưa số nhân viên xuống mức tương đương với số nhân viên Đại sứ quán CH Séc ở Moskva.

4. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở khu vực Sahel gia tăng  

Theo Liên hợp quốc (LHQ), 6 quốc gia khu vực Sahel đang rơi vào tình trạng mất an ninh và đói kém chưa từng thấy, khi có khoảng 29 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo. Như vậy, số người cần hỗ trợ tại Burkina Faso, Cameroon, CH Chad, Mali, Niger và Nigeria đã tăng hơn 5 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, khoảng 5,3 triệu người đã phải di dời do tình trạng mất an ninh trên toàn Sahel, hàng nghìn trường học phải đóng cửa và 1,6 triệu trẻ em phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Ông Chris Nikoi - Giám đốc khu vực của Chương trình Lương thực thế giới LHQ, cho biết số người bị đói ở Tây Phi đã tăng khoảng 30%. Giá lương thực tăng cao do tình trạng bạo lực đang làm trầm trọng thêm nạn đói và suy dinh dưỡng.

Trẻ em tị nạn tại một trại tạm ở gần Gadala, Cameroon ngày 4-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trẻ em tị nạn tại một trại tạm ở gần Gadala, Cameroon ngày 4-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

LHQ khẳng định hiện chưa có giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng này, đồng thời kêu gọi thêm tài trợ để có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu nhân đạo. Nếu không có đủ nguồn lực, cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục leo thang, làm xói mòn khả năng phục hồi của cộng đồng, đe dọa hàng triệu trẻ em và phụ nữ.

Phần lớn vùng bán hoang mạc Sahel - khu vực rộng lớn trải dài dọc theo phía Nam sa mạc Sahara, từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ, đã chìm trong tình trạng bạo lực hoành hành từ nhiều năm nay.

Các chiến binh Hồi giáo đã phát động cuộc nổi dậy tàn bạo ở miền Bắc Mali vào năm 2012, cùng với các hoạt động ly khai của sắc tộc Tuareg. Pháp đã can thiệp để giúp Mali đối phó với thánh chiến, nhưng các phần tử cực đoan đã mở rộng địa bàn hoạt động đến miền Trung Mali vào năm 2015, sau đó tràn sang các nước láng giềng Niger và Burkina Faso. CH Chad và khu vực Bắc Sahel, gồm Cameroon và Nigeria cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột với các nhóm Hồi giáo thánh chiến.

5. Đông Nam Á chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng

Tại Lào, tính tới chiều 30-4, nước này đã có 15/18 tỉnh, thành phố có ca mắc Covid-19, trong đó có 8 tỉnh tiếp giáp với 9 tỉnh của Việt Nam gồm: Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Hiện toàn bộ 18/18 tỉnh, thành phố của Lào vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa cho tới ít nhất là ngày 5-5.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân dương tính với  Covid-19 tới cơ sở điều trị ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: The Phnom Penh Post
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân dương tính với Covid-19 tới cơ sở điều trị ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: The Phnom Penh Post

Campuchia đã vượt ngưỡng 10.000 bệnh nhân Covid-19 buộc chính phủ phải gia hạn phong tỏa ở Phnom Penh và Ta Khmao. Thái Lan cũng đã ra lệnh đóng cửa trường học, cơ sở giải trí và phòng tập gym, đồng thời áp mức phạt lên tới 20.000 baht (khoảng 636 USD) đối với trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong khi đó, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch đầu tiên như Indonesia, Malaysia và Philippines cũng chưa thể kiểm soát đà lây lan của virus SARS-CoV-2 khi mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 ở Philipines đã vượt con số 1 triệu, tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng. Tại Indonesia, giới chức y tế vừa phát hiện một biến thể mới bị cho là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến ở Ấn Độ. Còn tại Malaysia, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ sẽ bị tạm dừng kể từ ngày 28-4.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.