Thứ Bảy, 22/05/2021, 09:54 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Gỡ những nút thắt

Israel và Palestine nhất trí ngừng bắn; Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật chống thù hận người gốc Á; thỏa thuận hạt nhân Iran có khả năng được “hồi sinh”... là những tin tức quốc tế được dư luận quan tâm.

1. Israel và Palestine đạt thỏa thuận ngừng bắn

“Chảo lửa” Trung Đông đã tạm hạ nhiệt với việc Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza từ ngày 21-5.

Đợt giao tranh kéo dài 11 ngày qua, được coi là cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên kể từ năm 2014 giữa hai bên, không chỉ khiến hàng trăm người thương vong, mà còn đe dọa an ninh và ổn định toàn khu vực Trung Đông, cản trở tiến trình tìm giải pháp bền vững và toàn diện cho cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài hơn 70 năm qua.

Người dân ở Dải Gaza xuống đường ăn mừng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine. Ảnh: Getty Images
Người dân ở Dải Gaza xuống đường ăn mừng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine. Ảnh: Getty Images

Lệnh ngừng bắn đã nhận được sự hoan nghênh và chúc mừng từ cộng đồng quốc tế, đồng thời các nước cũng kêu gọi Israel và Palestine cần lập tức có hành động để nâng cao hiệu quả lệnh ngừng bắn.

Giao tranh giữa hai bên nổ ra vào ngày 10-5 khi lực lượng Hamas tại Dải Gaza phóng rocket tầm xa về phía Jerusalem sau khi các cuộc đụng độ kéo dài nhiều ngày nổ ra giữa người biểu tình Palestine với cảnh sát Israel tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa. Ngay lập tức, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích trong chiến dịch mà họ nói là nhằm vào cơ sở hạ tầng của Hamas, gồm cả một mạng lưới đường hầm rất lớn. Ở chiều ngược lại, Hamas đã phóng hơn 4.000 quả rocket về các thành phố của Israel.

Thực tế, ngay trước khi thời hạn ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, tiếng còi báo động của nhiều cộng đồng người Israel gần Dải Gaza vẫn rú lên do tên lửa từ Hamas. Do đó, không sai khi nhiều chuyên gia và nhà quan sát chính trị thế giới nhận định rằng lệnh ngừng bắn này rất mong manh. Đồng nghĩa với việc chỉ cần một tên lửa được bắn ra thì “chảo lửa” Trung Đông sẽ lại bùng lên dữ dội. Vì vậy, các bên cần phải tìm giải pháp lâu dài, căn cơ.

2. Đạo luật chống thù hận người gốc Á tại Mỹ có hiệu lực

Ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19 nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng số vụ hành hung, kỳ thị và phạm tội nhằm vào người Mỹ gốc Á vì đại dịch. Đạo luật mạnh mẽ lên án các hành vi phân biệt đối xử nhằm vào các cộng đồng người gốc châu Á tại xứ cờ hoa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại lễ ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại lễ ký ban hành Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19. Ảnh: Reuters

Cụ thể, đạo luật cho phép thành lập một đơn vị mới tại Bộ Tư pháp để đánh giá hành vi tội ác nhằm vào người gốc Á. Đạo luật cũng yêu cầu cung cấp tài chính để các bang lập đường dây nóng tiếp nhận báo cáo về các tội ác thù hận; đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn và xác định tội phạm thù hận; chỉ đạo các cơ quan liên bang làm việc với các tổ chức cộng đồng để giúp nâng cao nhận thức về tội ác thù hận trong đại dịch.

Trước đó, với 364 phiếu ủng hộ và 62 phiếu chống, đạo luật này được thông qua tại Hạ viện, trong khi được thông qua tại Thượng viện với tỷ lệ gần như tuyệt đối là 94-1. Đây là một trong những đạo luật hiếm hoi nhận được sự ủng hộ của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa; đồng thời được đánh giá là hành động quyết liệt mới nhất của chính quyền Washington nhằm giải quyết tình trạng tấn công thù hận nhằm vào người gốc Á.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Mỹ vào tháng 3-2020, theo thống kê, đã có hơn 6.600 vụ thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á và gần 2/3 trong số đó nhắm đến đối tượng là phụ nữ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, hay vi phạm quyền công dân.

3. Cơ hội để “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 20-5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran và Mỹ đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về khôi phục thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Theo đó, Washington sẽ dỡ bỏ một loạt các lệnh trừng phạt chống Tehran về dầu mỏ, công nghiệp hóa dầu, đóng tàu, bảo hiểm và ngân hàng. Vấn đề còn lại hiện nay chỉ là một vài chi tiết hai bên cần tiếp tục đàm phán.

Trưởng đoàn đàm phán các bên tại một vòng đàm phán ở Vienna (Áo). Ảnh: Getty Images
Trưởng đoàn đàm phán các bên tại một vòng đàm phán ở Vienna (Áo). Ảnh: Getty Images

Tuyên bố được ông Rouhani đưa ra chỉ một ngày sau khi phái đoàn Iran kết thúc vòng đàm phán thứ 4 ở Vienna (Áo) cùng với đại diện Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, dưới sự chủ tọa của Liên minh châu Âu (EU). Gần như tất cả các bên đều lạc quan về một thỏa thuận mới. Khâu còn lại là các bên sẽ tiến hành “vòng tham vấn cuối cùng” trong nội bộ trước khi đạt thỏa thuận chính thức. Mỹ tham gia đàm phán ở Vienna ở vai trò gián tiếp với mục tiêu khôi phục lại JCPOA.

Washington yêu cầu Tehran nối lại việc tuân thủ triệt để các điều khoản của thỏa thuận, trong đó có việc bãi bỏ làm giàu urani ở ngưỡng 60%. Về phần mình, Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt từng được dựng lên sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi JCPOA hồi năm 2018.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn trên con đường đi tới đồng thuận cuối cùng. Iran được cho là bảo lưu yêu sách đòi Mỹ dỡ trừng phạt đối với các cá nhân và một số thực thể, trong đó có Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Trong bài phát biểu hôm 20-5, ông Rouhani không đề cập đến việc Mỹ liệu có chịu xuống thang trong vấn đề này hay không.

4. Châu Âu đạt thỏa thuận “hộ chiếu vaccine”

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận “hộ chiếu vaccine” kỹ thuật số, cho phép người tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 được đi lại tự do giữa các nước thành viên từ ngày 1-7.

Ảnh minh họa. Nguồn: IamExpat
Ảnh minh họa. Nguồn: IamExpat

Theo thỏa thuận, các nước EU cũng đồng ý không áp đặt các hạn chế bổ sung như xét nghiệm hoặc thực hiện biện pháp kiểm dịch, trừ khi được coi là cần thiết vì lý do sức khỏe cộng đồng trong trường hợp có sự gia tăng của một biến thể Covid-19 mới. Đến nay, gần 40% người trưởng thành ở EU đã được tiêm liều vaccine đầu tiên.

Chứng chỉ vaccine sẽ có dạng mã QR trên điện thoại thông minh hoặc trên giấy tờ, cho phép nhà chức trách xác định tình trạng sức khỏe của du khách nhập cảnh dựa trên hồ sơ ghi nhận tại quốc gia EU của họ. Chứng nhận sẽ cho biết một người đã được chủng ngừa, có xét nghiệm âm tính gần đây hoặc từng nhiễm bệnh và bình phục.

Sau khi đã đạt được thỏa thuận, Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ thông qua điều luật trong tuần kể từ ngày 7-6 và cho phép hơn một chục quốc gia EU, bao gồm cả Pháp và Tây Ban Nha, thử nghiệm hệ thống này trước khi ra mắt vào ngày 1-7.

5. Nỗ lực ngăn làn sóng di cư trái phép

Italy thông báo, nhất trí cùng Tunisia thiết lập đường dây nóng nhằm ngăn chặn người di cư từ Tunisia đến đảo Lampedusa của Tunisia.

Thông báo được đưa ra trong chuyến công du Tunisia ngày 20-5 của Bộ trưởng Nội vụ Italy Luciana Lamorgese và Ủy viên Liên hiệp châu Âu (EU) phụ trách vấn đề nội vụ Ylva Johansson. EU cũng đề xuất hỗ trợ Tunisia phục hồi kinh tế sau đại dịch, đổi lại quốc gia Bắc Phi này cam kết ngăn làn sóng di cư bất hợp pháp tới châu Âu.

Hàng nghìn người di cư bơi vào Ceuta, Tây Ban Nha. Ảnh: The Sun
Hàng nghìn người di cư bơi vào Ceuta, Tây Ban Nha. Ảnh: The Sun

Trong khi đó, quan hệ giữa Tây Ban Nha và Morocco tiếp tục leo thang căng thẳng khi hai nước lên tiếng chỉ trích và đổ lỗi cho nhau về vụ gần 8.000 người di cư từ quốc gia Bắc Phi trên vượt biên sang vùng Ceuta của Tây Ban Nha trong tuần này. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles đã cáo buộc Morocco không chủ động ngăn chặn dòng người di cư đổ sang nước này.

Tình hình tại khu vực biên giới đã tạm lặng trong ngày 19-5 sau khi cảnh sát Morocco thiết chặt an ninh ở phía biên giới nước này. Các nguồn tin cho hay giới chức Morocco đã thuê xe buýt để đưa khoảng 3.000 người di cư nước này trở về các thành phố trong nước. Trong khi đó, phía Tây Ban Nha đã gửi trả về Morocco 6.000 trong tổng số 8.000 người di cư đã tới Ceuta trong những ngày qua.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.