Thứ Bảy, 24/07/2021, 15:58 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Quyết tâm vượt khó

Tuần qua, khắc phục tình trạng khẩn cấp về y tế, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc; Đông Nam Á áp dụng các biện pháp quyết liệt ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19 do biến thể Delta, trong khi WHO tiếp tục kêu gọi thu hẹp khoảng cách về tiếp cận vaccine…, rất nhiều những nỗ lực nhằm vượt qua khó khăn, thách thức trong điều kiện "bình thường mới" đang được các nước thúc đẩy.

1. Quyết liệt chống biến thể Delta ở Đông Nam Á

Các nước Đông Nam Á đang trong cuộc chiến quyết liệt đối phó với làn sóng lây nhiễm mới của dịch Covid-19 do biến thể Delta. Đây có thể coi là “đợt tấn công” mạnh nhất của virus SARS-CoV-2 vào Đông Nam Á trong hơn một năm rưỡi Covid-19 hoành hành. Tốc độ tăng số ca nhiễm và tử vong ở nhiều nước Đông Nam Á đặc biệt gây lo ngại khi tình trạng phân bổ vaccine không đồng đều trên toàn cầu ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng trong khu vực. Đến nay, một nửa số nước thành viên ASEAN có tỷ lệ dân số được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 chưa đến 5%.

Người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 17-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 17-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình đó, các nước Đông Nam Á đã và đang áp dụng các biện pháp quyết liệt với hy vọng sớm ngăn chặn đà lây lan của virus. Chương trình tiêm chủng đại trà đang được đẩy nhanh tại tất cả các nước.

Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử từ ngày 10-7 với mục tiêu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022. Đây là kết quả của việc sớm triển khai chiến lược vaccine, với mũi nhọn là “ngoại giao vaccine” để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine từ bên ngoài. Việc triển khai “ngoại giao vaccine” hết sức bài bản và quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao, theo cả kênh song phương lẫn đa phương, đã mang lại những kết quả khả quan. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã bảo đảm được 105 triệu liều vaccine trong năm 2021 và tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

2. Nỗ lực thu hẹp khoảng cách về tiếp cận vaccine

Tiếp cận công bằng vaccine ngừa Covid-19 đang trở thành vấn đề cấp bách cần được cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết trong bối cảnh có sự phân hóa sâu sắc giữa các nước trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng.

Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Seattle, bang Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Seattle, bang Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tổng Giám đốc WTO Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc cung cấp và triển khai tiêm chủng vaccine đã được đẩy nhanh, song tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn còn là thách thức. Tháng 6 vừa qua, 1,1 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn 45% so với tháng 5 và hơn gấp đôi tổng số của  tháng 4. Chương trình COVAX hiện đã cung cấp hơn 134 triệu liều vaccine cho 136 nền kinh tế. Hoạt động sản xuất vaccine cũng đang tăng đáng kể. Theo công ty nghiên cứu Airfinity, hơn 1 tỷ liều vaccine nữa đã được sản xuất trong tháng 6 vừa qua, nâng tổng sản lượng toàn cầu vào giữa tháng 7 lên 3,8 tỷ liều.    

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh chia sẻ liều lượng vaccine khẩn cấp là rất quan trọng để lấp đầy khoảng cách cung cấp hiện tại, song đây vẫn là một giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, thế giới cần mở rộng quy mô sản xuất để tăng đáng kể số lượng vaccine. Điều này có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ các rào cản đối với việc mở rộng quy mô sản xuất, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ, giải phóng chuỗi cung ứng và từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

WHO kêu gọi thiết lập các trung tâm chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ các quốc gia có được công nghệ và bí quyết vaccine càng nhanh càng tốt. WHO cũng hối thúc các nhà tài trợ và ngành công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép tự nguyện, minh bạch và không độc quyền đối với các bằng sáng chế, chuyển giao bí quyết và dữ liệu thông qua Nhóm tiếp cận công nghệ Covid-19 (C-TAP).

3. Cuộc chiến chống tin giả về vaccine

Trong khi các nước trên thế giới đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà để chống Covid-19 thì số lượng thông tin giả mạo, sai lệch về vaccine trên các mạng xã hội cũng gia tăng một cách đáng lo ngại. Không ít thông tin sai lệch, không có căn cứ khoa học, thường với mục đích gây tâm lý nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine, khiến mọi người hoang mang, không đi tiêm chủng hay tẩy chay vaccine... cũng được phát tán trên các nền tảng Facebook, Tiktok, Twitter....

Facebook và Youtube tuyên chiến với tin giả về vaccine Covid-19. Ảnh: vtv.vn
Facebook và Youtube tuyên chiến với tin giả về vaccine Covid-19. Ảnh: vtv.vn

Trước tình hình đó, các nước đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tin giả lan truyền trên mạng xã hội, trong đó có việc xử lý nghiêm những đối tượng tung tin giả; yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ những thông tin xấu độc về vaccine, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức đúng đắn về vaccine...

Tại Việt Nam, ngày 23-7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng, với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm chống vấn nạn tin giả.  

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tin giả về vaccine đang gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng, làm suy yếu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia, thậm chí đẩy tính mạng người dân vào nguy hiểm. Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi cộng đồng quốc tế kích hoạt cuộc chiến thứ hai - cuộc chiến chống lại nạn tin giả về vaccine ngừa Covid-19, bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19, bởi sự xuất hiện ngày càng ồ ạt những thông tin sai lệch, nhiễu loạn về vaccine chính là "đại dịch thứ hai" mà thế giới đang đối mặt khi chúng tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan và hủy hoại những nỗ lực phòng chống Covid-19. Nói cách khác, chỉ có cảnh giác và kiên quyết chống lại tin giả thì thế giới mới có thể thành công trong cuộc chiến chống Covid-19.

4. Nhân dân Cuba quyết tâm bảo vệ Tổ quốc

Ngày 17-7, khoảng 100.000 người dân thủ đô La Habana đã tập trung tại Diễn đàn Phản đế dọc đại lộ Malecón để bày tỏ quyết tâm bảo vệ cách mạng và chủ quyền Tổ quốc trước những hoạt động gây bất ổn gần đây. Cuộc mít tinh quần chúng do Đại tướng Raúl Castro Ruz và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản và Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez chủ trì.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, ông Díaz-Canel kêu gọi mọi người lao động hãy "đặt trái tim vào sự nghiệp chung" của đất nước, để kế thừa di sản của những người anh hùng đã ngã xuống vì tự do độc lập của đất nước, đồng thời cam kết sẽ rà soát một cách minh bạch những sai lầm có thể đã có trong 2 năm qua, khi quốc đảo Caribe này chịu những sức ép lớn từ tình hình quốc tế bất lợi và đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Cuba một lần nữa lên án những vận động thuộc hình thái "chiến tranh không quy ước" mà các thế lực thù địch bên ngoài phát động, lợi dụng tình hình khó khăn của Cuba, khẳng định đây là nguyên nhân dẫn tới những hành động bạo lực và phi pháp vào ngày 11-7 cũng như những cuộc tấn công tin tặc vào các phương tiện truyền thông và một số bộ ngành then chốt của Cuba trong vài ngày qua.

Cùng với thủ đô La Habana, nhân dân tại nhiều tỉnh, thành phố của Cuba cũng đã tổ chức các cuộc mít tinh quần chúng tương tự để đề cao tinh thần yêu nước cách mạng.

Trong một phát biểu tại Liên hợp quốc ngày 21-7, Đại sứ đồng thời là Trưởng Phái đoàn Cuba tại LHQ Pedro Luis Pedroso Cuesta cho biết Cuba đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình và mọi hoạt động đã quay trở lại bình thường. Cuba tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ trật tự hiến pháp mà nước này đã tự do lựa chọn nhằm thực hiện quyền tự quyết của mình.  

5. Olympic Tokyo 2020 – Sự kiện của hy vọng

Đại hội thể thao mùa Hè Olympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc ngày 23-7, trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và thành phố Tokyo đăng cai đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Lễ khai mạc được tổ chức đơn giản chỉ có khoảng 1.000 quan chức tham dự. Nhật Bản đã quyết định không mở cửa cho khán giả tới xem các môn thi đấu.   

Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: Reuters
Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: Reuters

Có 205 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Olympic Tokyo 2020, trong đó, đoàn thể thao Bắc Macedonia lần đầu tiên góp mặt tại đấu trường này. Đoàn thể thao đặc biệt nhất có lẽ là đoàn thể thao người tị nạn, với sự góp mặt của 29 vận động viên đến từ nhiều quốc gia như Syria, Congo, Nam Sudan, Iran, Afghanistan...

Tại Olympic Tokyo 2020, sẽ có hơn 11.000 vận động viên tham gia tranh tài. Với sự góp mặt của 4 môn mới Trượt ván (Skateboarding), Lướt sóng (Surfing), Leo núi thể thao (Sport Climbing) và Karate trong chương trình thi đấu, Olympic Tokyo là kỳ thế vận hội đầu tiên có số lượng môn thi lớn nhất từ trước tới nay với 33 môn thể thao, gồm 339 nội dung (bổ sung 15 nội dung thi đấu mới ở các môn đã có từ trước).   

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020 có 18 vận động viên, tranh tài ở 11 môn thể thao gồm: Bơi, bắn súng, cầu lông, cử tạ, thể dục dụng cụ, boxing, judo, taekwondo, rowing, bắn cung và điền kinh, phấn đấu giành huy chương về cho Tổ quốc.

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành với những biến thể mới, mạnh và nguy hiểm hơn, Olympic Tokyo 2020 được coi là “sự kiện của hy vọng”, minh chứng điều có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp.

6. Phát hiện phần mềm theo dõi điện thoại của nhiều chính trị gia và nhà báo trên thế giới

Báo chí quốc tế liên tục đưa tin nhiều chính trị gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà báo và các nhà hoạt động trên thế giới đã bị thu thập dữ liệu thông qua phần mềm độc hại Pegasus do công ty tư nhân NSO của Israel phát triển.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ba tờ nhật báo gồm Washington Post, Guardian, Le Monde và nhiều cơ quan báo chí khác phối hợp điều tra một vụ rò rỉ dữ liệu cho biết vụ việc có liên quan đến hơn 50.000 số điện thoại di động được cho là thuộc diện đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016. Tuy vậy, không phải tất cả những người nằm trong danh sách này sau đó đều bị tấn công mạng.  

Theo báo Washington Post, trong danh sách có số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, cũng như các nhà hoạt động và giám đốc điều hành các công ty. Trong khi đó, báo Guardian cho hay trong danh sách cũng có các nhà báo của nhiều tổ chức truyền thông trên thế giới như AFP, Wall Street Journal, CNN, New York Times, Al-Jazeera, France 24, AP, Le Monde, Bloomberg, the Economist, Reuters...

Trong phản ứng của mình, NSO cho rằng các thông tin trên là "vô căn cứ và bị thổi phồng". Công ty phát triển phần mềm gián điệp hàng đầu ở Israel khẳng định Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố, đồng thời tuyên bố sẽ không xác nhận danh tính của các khách hàng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.