Thứ Tư, 25/12/2019, 08:48 (GMT+7)
.

Hiện thực hóa Hiệp định Mê Công

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức tại Tiền Giang cho thấy nhiều kết quả quan trọng sau thời gian thực hiện Hiệp định Mê Công.

Sau 23 năm thực hiện Hiệp định đã hoàn thành một khối lượng lớn các văn bản quy chế, thủ tục, sổ tay hướng dẫn, hướng dẫn kỹ thuật...) giúp thực hiện hiệu quả Hiệp định, hoàn thành 90% yêu cầu xây dựng văn bản pháp lý để thực hiện Hiệp định và được quốc tế đánh giá cao.

Tiến hành nhiều nghiên cứu phân tích đánh giá kỹ thuật (các tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức phát triển, ngưỡng và chỉ tiêu đánh giá, phương pháp và công cụ đánh giá tác động môi trường kinh tế - xã hội...).

Hội nghị toàn thề Ủy ban sông Mê Công Việt Nam được tổ chức tại Tiền Giang.
Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam được tổ chức tại Tiền Giang (Ảnh: VT).

Đồng thời, sau thời gian thực hiện Hiệp định đã thông qua được Chiến lược phát triển lưu vực và chiến lược cho hầu hết các lĩnh vực hợp tác như môi trường, giao thông thủy, biến đổi khí hậu... hướng tới phát triển bền vững trong lưu vực và giúp các quốc gia thành viên lồng ghép vào chiến lược quốc gia.

Ngoài ra cũng đã thu thập và chia sẻ thông tin số liệu về tài nguyên nước và môi trường xã hội; các hoạt động dự báo/cảnh báo; duy trì cơ sở dữ liệu toàn lưu vực... Hiện nay, các hoạt động quan trắc này đang được dần chuyển giao về cho các quốc gia thành viên quản lý và vận hành.

Ngoài ra, cũng đã tiến hành nghiên cứu chung về quản lý phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính (2017), các Báo cáo định kỳ về hiện trạng lưu vực, xây dựng bộ mô hình toán toàn lưu vực, hệ thống hỗ trợ để xem xét đánh giá các phương án phát triển trong lưu vực…; tiến hành tham vấn rộng rãi để xem xét các kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện dòng chính (4 dự án của Lào) giúp Chính phủ các quốc gia thành viên xem xét thấu đáo được các đề xuất dự án trước khi ra quyết định.

Ngoài ra đã kiện toàn và nâng cấp Ban Thư ký về năng lực quản lý và kỹ thuật trong nỗ lực đạt tới mức ngang tầm với các tổ chức quốc tế, khu vực khác và hoàn toàn tự chủ; tổ chức các Hội nghị Cấp cao của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cùng với các Tuyên bố chung giúp tăng cường cam kết, tinh thần đoàn kết và định hướng phát triển và quản lý bền vững lưu vực.

Theo đánh giá chung, Việt Nam rất tích cực trong hợp tác Mê Công thông qua việc lãnh đạo cấp cao của Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm tới hợp tác Mê Công, thực hiện Hiệp định Mê Công và tham gia Ủy hội sông Mê Công quốc tế không chỉ trong tham gia các Hội nghị Cấp cao (tổ chức 4 năm một lần), mà còn thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có liên quan trong thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Hiệp định Mê Công, quan tâm giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, tham gia các sáng kiến hợp tác vùng.

Sông Mê Công.
Sông Mê Công.

Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng thường xuyên chỉ đạo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, báo cáo và tham mưu kịp thời để hỗ trợ lãnh đạo cấp cao ra những quyết sách phù hợp trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, đảm bảo sự phát triển hài hòa, công bằng trong lưu vực (giao nhiệm vụ tiến hành “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công”); duy trì các kênh tiếp xúc ở cấp cao (Lãnh đạo Đảng và Chính phủ) như các tiếp xúc cấp cao song phương và bên lề họp đa phương với Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc.

Các Bộ, ngành và địa phương thành viên của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng đóng một vai trò chủ đạo trong sự tham gia của Việt Nam vào Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông qua các kế hoạch chiến lược, các dự án và hoạt động vùng, quốc gia trong các lĩnh vực hợp tác của Ủy hội cả về hợp tác chính trị, thể chế, pháp lý và kỹ thuật; đã tiếp nhận và lồng ghép các kết quả hợp tác Mê Công vào trong các kế hoạch, quy hoạch vùng quốc gia và trong tăng cường năng lực; tăng cường các hoạt động hợp tác đối thoại xuyên biên giới.

Các cộng đồng, tổ chức nghề nghiệp và phi chính phủ, các nhà khoa học rất được coi trọng và thường xuyên được mời tham gia góp ý cho các dự án kế hoạch lớn có ảnh hưởng xuyên biên giới trong lưu vực sông Mê Công (như phát triển thủy điện dòng chính, các vấn đề về môi trường sinh thái, thủy sản...) góp phần tuyên truyền, cổ động khá hiệu quả về các vấn đề của Mê Công, các chủ trương chính sách của Việt Nam…

P.V

.
.
.