Chủ Nhật, 19/11/2017, 09:07 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm khu vực

Tuần qua, tiếp sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tại Đà Nẵng (Việt Nam), dư luận thế giới dành sự quan tâm đặc biệt tới Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại Manila (Philippines). Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế tại Venezuela; bất ổn chính trị tại Zimbabwe; hậu quả nhân đạo tại Yemen… cũng là vấn đề gây quan ngại sâu sắc đối với cộng đồng quốc tế.

Hội nghị Cấp cao ASEAN - 31 thành công tốt đẹp

Diễn ra từ ngày 12 đến 14-11, tại Manila (Philippines), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN-31) và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, với những thảo luận thực chất, các cam kết cụ thể và không khí hữu nghị, đối tác bao trùm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ trái sang) cùng các nhà lãnh đạo ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: vov.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ trái sang) cùng các nhà lãnh đạo ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: vov.vn

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã bàn thảo những nội dung thực chất, tập trung vào các thách thức và xu hướng đang nổi lên ở khu vực và thế giới. Các nội dung chính được thảo luận gồm: Biện pháp thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: vấn đề kinh tế số, nhân lực chất lượng cao, an ninh mạng; đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, chống lại xu thế bảo hộ, thúc đẩy đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do; đẩy mạnh các hoạt động hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm, phát triển bền vững và bao trùm, thu hẹp khoảng cách phát triển; đề cao và tôn trọng pháp luật trong xây dựng cộng đồng cũng như trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực (như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp trên Biển Đông, tình hình bang Rakhine của Myanmar; chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…).

Các nhà lãnh đạo đã ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư; thông qua/ghi nhận 55 văn kiện khác thuộc nhiều lĩnh vực (trong đó 23 văn kiện của ASEAN và 32 văn kiện giữa ASEAN và đối tác). Các văn kiện này đều mang tính thực tiễn cao, là những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lợi ích của người dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả. Việc Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 tuyên bố khởi động quá trình thương lượng xây dựng và khẳng định cần nỗ lực chung để góp phần đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.

Những thành công của Hội ngị Cấp cao ASEAN-31, cùng sự hiện diện và những động thái của lãnh đạo các tổ chức và các nước cho thấy cộng đồng quốc tế đang thừa nhận ASEAN là một đối tác quan trọng hàng đầu, giữ vai trò trung tâm trong khu vực để phối hợp các nỗ lực chung ứng phó với những thách thức to lớn và đa dạng mà cả thế giới đang phải đối mặt.

Campuchia: Tòa án Tối cao ra phán quyết giải thể đảng đối lập CNRP

Ngày 16-11, Tòa án Tối cao Campuchia đã ra phán quyết giải thể Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập theo đơn kiện của Bộ Nội vụ nước này.

sds
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và thủ lĩnh CNRP Kem Sokha. Ảnh: Getty

Sau một ngày xét xử, ngoài phán quyết giải thể CNRP, Tòa án Tối cao Campuchia còn ra phán quyết cấm hoạt động chính trị trong 5 năm đối với 118 thành viên cấp cao của đảng này. Theo luật pháp Campuchia, phán quyết của Tòa án Tối cao là phán quyết cuối cùng và bị đơn không có quyền kháng cáo.

Bộ Nội vụ Campuchia cáo buộc CNRP vi phạm nghiêm trọng Luật Chính đảng sửa đổi do có hành vi cấu kết với nước ngoài nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp tại Campuchia. Thủ lĩnh CNRP Kem Sokha đã bị bắt giữ từ ngày 3-9 với cáo buộc phản quốc. Hiện hơn một nửa số thành viên lãnh đạo cấp cao của CNRP đã rời khỏi Campuchia.

Zimbabwe rơi vào bất ổn chính trị

Sự đối đầu giữa đảng ZANU-PF cầm quyền ở Zimbabwe và quân đội đang đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Xe tăng và xe bóc thép quân đội đã phong tỏa các tuyến đường dẫn tới văn phòng chính phủ, tòa nhà quốc hội và tòa án ở trung tâm thủ đô. Trong khi đảng ZANU-PF cầm quyền cáo buộc Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga phạm tội phản quốc.

asd
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và phu nhân Grace Mugabe. Ảnh: EPA.

Đại diện quân đội khẳng định đây không phải là một cuộc đảo chính và họ đang “tiến hành đối thoại” với ông Tổng thống Mugabe, kết quả các cuộc đối thoại sẽ được công bố “trong thời gian sớm nhất”. Trước đó, các nguồn tin cho rằng ông Mugabe, 93 tuổi, cùng vợ là bà Grace Mugabe đã bị quân đội quản thúc.

Trong khi đó, phong trào Thay đổi vì dân chủ (MDC) đối lập đã lên tiếng kêu gọi đưa quốc gia trở lại nền dân chủ hợp hiến trong hòa bình. MDC - đối thủ chính trị lớn của đảng ZANU-PF cầm quyền trong 2 thập kỷ qua - còn bày tỏ hy vọng sự can thiệp của quân đội sẽ giúp "xây dựng một nhà nước ổn định, dân chủ và tiến bộ".

Lãnh đạo Hội cựu chiến binh quốc gia, tổ chức rất có ảnh hưởng tại quốc gia này, Chris Mutsvangwa cho rằng động thái mới của quân đội Zimbabwe là nhằm "sửa chữa" một quốc gia đang đứng trước bờ vực thẳm, giải cứu đất nước khỏi tay "các băng nhóm tội phạm" xung quanh tổng thống.  

Giới quan sát nhận định, với những động thái vừa qua trên chính trường Zimbabwe, có thể sẽ diễ ra một cuộc chuyển giao quyền lực tại quốc gia miền Nam châu Phi này.

Venezuela điêu đứng vì khủng hoảng kinh tế

Ngày 13-11, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) tuyên bố Venezuela đang ở trong tình trạng "vỡ nợ một phần" sau khi nước này không trả được 200 triệu USD tiền nợ trái phiếu toàn cầu đúng hạn.

Tổng thống Venezuela Nzxcicolas Maduro phản ứng sau lệnh cấm của EU. Ảnh: Reuters
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phản ứng sau lệnh cấm của EU. Ảnh: Reuters

Theo đánh giá của S&P, nỗ lực tái cơ cấu nợ của chính quyền Caracas sẽ rất khó khăn và nước này đang "gần như" vỡ nợ. Ngoài 2 trái phiếu đã quá hạn trả nợ, Venezuela hiện cũng có 4 khoản nợ trái phiếu khác đã đến hạn.

Theo các chuyên gia, hiện nợ nước ngoài của Venezuela lên tới 150 tỷ USD, trong đó có 45 tỷ USD nợ công, 45 tỷ USD nợ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), 23 tỷ USD nợ Trung Quốc và 8 tỷ USD nợ Nga. Số tiền nợ mà Venezuela phải trả từ nay tới cuối năm vào khoảng từ 1,4 - 1,8 tỷ USD. Hầu hết các khoản nợ Trung Quốc và Nga sẽ được thanh toán bằng dầu mỏ - nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia Nam Mỹ này.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)  đối với Venezuela và nhiều thành viên chính phủ càng khiến các cuộc đàm phán của nước này với các chủ nợ sẽ kéo dài và gặp nhiều trở ngại.

Chính phủ Venezuela ngày 14-11 đã cam kết sẽ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ với các chủ nợ nước ngoài

Yemen đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tồi tệ

Ngày 15-11, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo các bệnh viện tại Yemen chỉ còn đủ nhiên liệu để hoạt động chưa tới 3 tuần nữa nếu liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu không dỡ bỏ các lệnh phong tỏa tại đất nước này. Tình hình tại Yemen đang gây ra những hậu quả nhân đạo "không thể tưởng tượng được".

As
Hiện trường một vụ không kích do liên quân Arab tiến hành Yemen. Nguồn: THX/TTXVN

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Yemen đang đối mặt với một trong những đợt dịch tả nghiêm trọng nhất thế giới với gần 1 triệu người nhiễm bệnh và khoảng 2.200 người đã thiệt mạng.

Người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết dự trữ vaccine của nước này sẽ cạn trong 2 tuần tới nếu không nhận được tiếp trợ. Chương trình Thực phẩm Thế giới cũng cảnh báo trữ lượng gạo tại Yemen sẽ cạn trong 111 ngày và lúa mì trong 97 ngày, trong khi đó, giá cả của các nhu yếu phẩm cần thiết đang tăng chóng mặt.

Tháng 3-2015, Saudi Arabia và các đồng minh đã tiến hành can thiệp quân sự vào Yemen và phong tỏa các tuyến biên giới trên đất liền cũng như các cảng biển và sân bay, LHQ và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác buộc phải xin phép trước khi vận chuyển hàng cứu trợ tới Yemen.

Động đất kinh hoàng tại Iran

Ngày 12-11, Iran đã hứng chịu trận động đất kinh hoàng với tâm chấn ở độ sâu 25 km, cách thị trấn Halabja, miền Đông Iraq, gần biên giới phía Đông Bắc Iran. Chỉ trong vòng vài giây, trận động đất đã khiến hàng chục thị trấn và gần 2.000 làng mạc bị san phẳng.

dfd
Hiện trường tan hoang sau vụ động đất. Ảnh: Reuters

Hiện công tác cứu hộ đã kết thúc. Số nạn nhân thiệt mạng lên tới hơn 450 người, trong khi khoảng 7.000 người khác bị thương.

Cơ quan Kiểm soát thiên tai quốc gia Iran cho biết trận động đất đã gây ảnh hưởng tại ít nhất 14 tỉnh ở nước này. Hơn 30.000 ngôi nhà bị hư hại, ít nhất 2 ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nguồn nước sinh hoạt và điện bị cắt. Hiện hàng nghìn người đang phải chen chúc trong những lều bạt tạm bợ, trong khi nhiều người phải trải qua một đêm thứ hai ngoài trời do lo ngại có thêm các dư chấn sau khi cơ quan chức năng đã ghi nhận tới 193 dư chấn.

Iran nằm trên nền địa chất bất ổn, thường xuyên xảy ra động đất. Hồi năm 1990, một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter cũng đã xảy ra gần biển Caspi, miền Bắc Iran khiến 40.000 người thiệt mạng và khoảng 300.000 người bị thương trong khi gần 500.000 người mất nhà cửa.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.