Thứ Hai, 09/04/2012, 16:19 (GMT+7)
.

Câu chuyện lãng phí

Lãng phí là chuyện đã xưa cũ nhưng nó chưa bao giờ chấm dứt, cả trong đời sống thường ngày của dân cư cũng như trong các cơ quan công quyền. Nó luôn là một trở lực làm cho dân khổ, nước nghèo.

Trong chế độ ta, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đã điểm mặt “tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; nó là “bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”; nó là “tội ác…

Tội lỗi ấy cũng nặng như Việt gian, mật thám”(1). Bác còn nói: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ta ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”(2).

Trong ba thứ “giặc nội xâm” đó, mỗi thứ có đặc điểm riêng. Ở đây chỉ đề cập đến lãng phí. Lãng phí rất gần với tham ô, tham nhũng. Vì cả hai đều đục khoét của công, của dân, đều làm nước nghèo, dân khổ và dân phẫn nộ.

Nhưng lãng phí còn chưa bị lên án, tố cáo, xử lý như tham ô, tham nhũng. Mà như Bác Hồ nói: “Lãng phí có khi còn hại nhiều hơn tham ô, vì lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ”(3).

Giữa lúc giặc lãng phí đang “âm thầm đục khoét” bên cạnh tên giặc thường xuyên bị lên án là tham nhũng, các nhà báo ở Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chĩa ống kính minh bạch soi rõ mặt nó, phơi bày nó ra trước bàn dân thiên hạ.

Đây là loại giặc lãng phí nổi cộm xuất hiện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lần lượt có tên: Nhận diện lãng phí, Lãng phí cảng biển, Lãng phí quy hoạch đất khu công nghiệp, Lãng phí vì quy hoạch đô thị treo, Lãng phí vì đầu tư sai, Lãng phí vì đầu tư thiếu đồng bộ, Lãng phí vì chậm tiến độ.  

Mở đầu bộ phim tài liệu chính luận “Câu chuyện lãng phí”(4), những người làm phim khái quát: Thế kỷ XXI. Thế kỷ của châu Á. Việt Nam giàu tiềm năng. Người dân thông minh, cần cù, hiếu học nhưng vì sao đất nước vẫn chậm phát triển, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn? Phải chăng chính lãng phí là một trong những nguyên nhân cản bước tiến hiện tại, đồng thời gây ra những bất ổn trong tương lai?

Câu chuyện lãng phí” là một bức tranh tổng thể về những vụ việc lãng phí trên khắp đất nước, có tính chất điển hình tới mức nếu lời bình không nêu rõ địa danh, ngày tháng, nhân vật thì người xem ở đâu cũng có thể cảm nhận dường như đoàn làm phim đang phản ánh về địa phương mình, đơn vị mình.

Những người làm phim đã thực hiện đúng phương châm của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”.

“Chúng tôi muốn có được cái nhìn nhiều chiều, toàn diện về lãng phí và cố gắng nhìn từ phía những người trong cuộc. Có những sự lãng phí hoàn toàn không phải do cố tình mà chỉ do hoàn cảnh, do trình độ, nhưng điều đáng tiếc nhất là hầu như không một ai thừa nhận và nhìn thẳng vào sự lãng phí” - đó là điều mà Hồ Chí Cường, tác giả kịch bản và đạo diễn bộ phim chính luận này ưu tư.

Tuy vậy, anh vẫn tin tưởng: “Làm một bộ phim phải trải qua rất nhiều vất vả, nhưng điều mà chúng tôi trông đợi nhất là phim sẽ không rơi vào lặng im, bởi đó cũng là một sự lãng phí”.

Chúng ta cũng tin rằng bộ phim sẽ không rơi vào im lặng. Nó sẽ là một trong những nội dung trong các cuộc họp kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.

TRẦN QUÂN

(1), (2), (3):  Tài liệu học tập chuyên đề “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr. 15 và 17.

(4): Bộ phim tài liệu chính luận dài 7 tập, kịch bản và đạo diễn Hồ Chí Cường (Trung tâm Sản xuất phim phóng sự tài liệu VTV), tập đầu tiên lên sóng lúc 21 giờ 30 phút ngày 14-3-2012, sau đó phát vào các tối thứ tư, thứ sáu và thứ bảy hàng tuần trên sóng VTV1.
 

.
.
.