Chủ Nhật, 13/05/2012, 18:19 (GMT+7)
.

Chống lối sống thực dụng là việc làm cấp thiết

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.

Cùng với quốc nạn tham nhũng, lối sống thực dụng cũng gây tổn thất không nhỏ tài sản của Nhà nước và tạo nên những bất bình trong nhân dân. Bản chất của lối sống thực dụng là coi trọng quá đáng mặt lượng của sự tiêu dùng vật chất, tinh thần đến mức xem đó là cái duy nhất trong cuộc sống của con người và cần phải đạt đến nó bằng mọi giá, mọi thủ đoạn đồi bại nhất.

Dùng xe công đi lễ chùa.Ảnh vov.vn
Dùng xe công đi lễ đền bà Chúa Kho. Ảnh vov.vn

Nguồn gốc lối sống thực dụng là chủ nghĩa thực dụng - một thứ triết học phản động mà nội dung cốt lõi là tập trung đề cao lợi ích vị kỷ cá nhân, coi đó là tiêu chuẩn cơ bản của chân lý. Lối sống thực dụng làm cho con người tha hóa, biến chất, khơi dậy những ham muốn bản năng, thúc đẩy con người chạy theo hưởng lạc, tách họ ra khỏi những sinh hoạt chính trị nóng bỏng của cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân ta và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Một đặc trưng nổi bật của lối sống thực dụng là sự ham muốn vật chất tầm thường. Khi sự ham muốn đó trở thành mục đích duy nhất của con người thì tất yếu dẫn đến sự chiếm đoạt vật chất, bất chấp đạo lý và luật pháp, sẵn sàng thực hiện những thủ đoạn thấp hèn nhất, gây thiệt hại đến lợi ích của người khác, của xã hội, của Nhà nước.

Lối sống thực dụng còn biểu hiện đậm nét ở sự ăn chơi đua đòi, dẫn tới những tính toán, chiếm hữu tài sản của Nhà nước, của công dân…, từ đó dễ rơi vào con đường tự hủy hoại đời mình.

Lối sống thực dụng làm xói mòn đạo đức cách mạng và lý tưởng cao đẹp của cán bộ, đảng viên. Trong quan hệ xã hội giữa người với người, những tình cảm lành mạnh bị thay thế bằng những quan hệ vụ lợi, vật chất. Sự thèm khát vật chất, tiền bạc đã chi phối mọi hành động, sinh ra lừa dối, gian trá, tàn bạo, bất lương.

Trong đời sống, họ bàng quan, vô trách nhiệm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng. Những người theo chủ nghĩa thực dụng tự buông thả mình, chạy theo những lợi ích cá nhân, từ đó thế giới quan và nhân sinh quan của họ bị méo mó, biến dạng, dẫn tới xa rời lý tưởng cao đẹp, thậm chí phản bội lại sự nghiệp cách mạng của dân tộc và Tổ quốc.

Điều đáng buồn và lo lắng hơn là lối sống thực dụng đang thu hút một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hiện nay. Trong thực tế, lối sống thực dụng, đặc quyền đặc lợi không chỉ làm hư hỏng một số cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Đảng.

Bài thuốc đặc trị để chữa dứt điểm căn bệnh “lối sống thực dụng, tệ đặc quyền đặc lợi” thiết nghĩ không ngoài việc cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Đảng và Nhà nước cần có thái độ kiên quyết hơn khi chống lối sống thực dụng, tệ đặc quyền đặc lợi; quy định cụ thể, công bằng và công khai hóa các tiêu chuẩn, chế độ được hưởng của cán bộ, đảng viên; đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát một cách nghiêm minh việc cán bộ, đảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quy định 47-QĐ/T.Ư ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm.

Vạch trần bản chất tiêu cực của lối sống thực dụng cũng như những biểu hiện xấu xa của nó, đấu tranh không khoan nhượng với nó là việc làm cấp thiết, góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

NGUYỄN XUYẾN

.
.
.