Thứ Ba, 05/06/2012, 07:46 (GMT+7)
.

Hà Nội “hâm nóng” Chỉ thị 27

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ký Quyết định 07 ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn.

Như vậy là đã hơn 14 năm kể từ khi có Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ra đời (ban hành ngày 12-1-1998), hôm nay được Hà Nội “hâm nóng” do những bức xúc của địa phương mình, do sự thúc bách về tính nêu gương của Thủ đô.

Quy định nêu rõ nhiều việc cụ thể không được làm, trong đó có việc không được sử dụng công quỹ làm quà mừng đám cưới; không sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan để dự đám cưới, lễ hội; không được đốt vàng mã trong lễ hội; không mở nhạc đám cưới trước 6 giờ sáng và 22 giờ đêm; trong vòng 12 giờ sau khi có người qua đời phải tiến hành khâm liệm và nhập quan; không tổ chức làm cỗ, mời khách ăn uống trong việc tang; cấm các hoạt động mê tín dị đoan như xem số, xem bói, gọi hồn, yểm bùa, trừ tà; cấm tổ chức chơi cờ bạc dưới mọi hình thức…

Văn bản còn quy định chi tiết việc khen thưởng những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt và xử lý nghiêm những người vi phạm. Tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật. TP. Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai những quy định trên từ tháng 6 này.

Một đám cưới được tổ chức đơn giản, tiết kiệm (
Một đám cưới được tổ chức đơn giản, tiết kiệm (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Vnexpress

Quy định trên ngay sau khi ban hành đã nhận được ý kiến đồng tình của rất nhiều nhà văn hóa. Theo họ, quyết sách của Hà Nội được coi như những định hướng đúng đắn để nắn dòng chảy văn hóa đang lệch hướng trong thời mở cửa. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các quy định chứ chưa được đưa vào luật pháp. Vì vậy, chủ yếu cũng chỉ là vận động để nhân dân làm theo.

Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị vẫn còn nóng hổi tính thời sự, đặc biệt như những nhận xét sau đây: “Nhiều gia đình, trong đó có cả những cán bộ có chức quyền, vì động cơ hiếu danh, vụ lợi đã tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, phô trương, có những trường hợp thực chất là “bán cỗ thu tiền”. Mê tín dị đoan cùng nhiều hủ tục, kể cả một số hủ tục mới hình thành do thói đua đòi và do cách học theo nước ngoài thiếu sự phê phán, chọn lọc đang có khuynh hướng phục hồi và phát triển khá phổ biến ở nhiều nơi…”.

Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 21-1-2011 quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng nêu lên trách nhiệm hàng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là phổ biến và tổ chức thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Cách nay hơn 4 năm, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, sơ kết, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị. Từ đó đến nay, mặt tích cực xem ra vẫn chưa chiếm được vị trí chủ đạo, nhiều nơi thậm chí còn thụt lùi.

Điển hình, mô hình tiên tiến chỉ lác đác. Chuyện tiêu cực có thể thường gặp, thường nghe. Ví dụ như thiệp mời đám cưới nay có người ghi cả chức vụ của mình trên đó. Đốt, rắt vàng mã vẫn um khói ở các lễ hội, bay lả tả sau các xe tang…

Chúng ta sẽ lại có dịp kiểm điểm 15 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị. Thông tin từ Hà Nội nhắc nhở chúng ta không chỉ “đến hẹn lại lên” mà phải làm thường xuyên, bền bỉ.

TRẦN  QUÂN

.
.
.