Thứ Tư, 24/10/2012, 10:47 (GMT+7)
.

Tiếp tục nêu gương tự phê bình và phê bình

Từ khi triển khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đến nay, cho thấy Nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống; cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm theo dõi cùng với niềm tin Đảng ta nhìn thẳng vào sự thật, thể hiện cao độ quyết tâm chính trị, quyết tâm hành động; qua đó xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Ban chấp hành TƯ. Người nói về vấn đề mở rộng tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng (Hà Nội ngày 12 - 3 - 1955).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị BCH TƯ. Người nói về vấn đề mở rộng tự phê bình và phê bình để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng. (Hà Nội, ngày 12-3-1955).

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, nội dung tiến hành tự phê bình và phê bình có tầm quan trọng hàng đầu, vì vậy trong Đảng và nhân dân đặc biệt quan tâm về kết quả thực hiện từ cấp Trung ương đến cơ sở.

Từ diễn đàn Trung ương, cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận hai bài phát biểu của hai vị đứng đầu Đảng và Chính phủ với những cảm nhận và chia sẻ rất thật về sự nêu gương tự phê bình và phê bình.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn lời: “Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình, phê bình và thành thật xin lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và cố gắng sẽ làm hết sức mình để từng bước khắc phục”.

Trong phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành khẩn: “Tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành…”.

Nhìn từ sự nêu gương của người đứng đầu Đảng và Chính phủ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng rằng đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình đến tận cơ sở, người đứng đầu sẽ tiếp tục nêu gương. Điều đó không chỉ có ý nghĩa tích cực, sát thực, hiệu quả mà còn làm phong phú thêm cho văn hóa tự phê bình và phê bình, một yếu tố đặc trưng của văn hóa Đảng.

Nhân đây, xin có đôi điều bàn luận thêm về văn hóa phê bình. Nói đến văn hóa, người ta thường nói đến các chuẩn mực. Với văn hóa phê bình, chuẩn mực đầu tiên là mục đích xây dựng, hướng thiện. Phê bình để giúp mình, giúp người khác hoàn thiện nhân cách, tài năng để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, thành công, thành đạt nhiều hơn.

Trong đời sống thường ngày, ở mọi tầng lớp xã hội, việc nhận xét, góp ý, nhắc nhở, phê phán, khen chê (tự phê bình và phê bình) là điều tất yếu, là lẽ thường xuyên. Tính mục đích giúp người - giúp mình là xuyên suốt. Đây là mục đích nhân văn xuất phát từ sự thẳng thắn, trung thực, yêu, ghét rõ ràng. Có yêu cái tốt, ghét cái xấu, có chính kiến rõ ràng thì việc phê bình mới đạt mục đích giúp người.

Chuẩn mực thứ hai trong phê bình là sự thật. Chuẩn mực này có tầm quan trọng đặc biệt, có tính quyết định đến hiệu quả phê bình. Việc góp ý, phê bình, phê phán phải rất cụ thể, đúng với bản chất sự việc. Ngược lại sẽ phản tác dụng, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.

Chuẩn mực thứ ba là tính cảnh báo. Giá trị của phê bình là chỉ ra được sai sót, khuyết điểm ở mức độ nào và cảnh báo những tác hại của nó nếu không nhanh chóng khắc phục sửa chữa.

Một yếu tố cũng cần lưu ý là liều lượng và thời điểm. Thực tế cho thấy, với sự nghiêm túc, thân tình, tính xây dựng trong phê bình cộng hưởng với đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng tính thuyết phục và người được phê bình dễ nhận ra, thành khẩn tiếp thu, thân ái, đoàn kết, cùng khắc phục, tiến bộ… đó là hiệu quả.

Nếu ví tự phê bình như tự soi gương, thì phê bình chính là nhìn vào cái ót của của người khác (mà người đó có bao giờ nhìn được). Văn hóa tự phê bình và phê bình vì vậy có những chuẩn mực cần tuân thủ để ngăn chặn lợi dụng, biến tự phê bình và phê bình thành cuộc đấu đá lẫn nhau, gây tổn hại, phản tác dụng…

Người đứng đầu nêu gương về tự phê bình và phê bình chắc chắn có vai trò quyết định về hiệu quả tích cực và theo đó văn hóa tự phê bình và phê bình hoàn thiện trong cuộc sống. Đối với Đảng, đó là yếu tố quan trọng làm nên văn hóa Đảng.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng và kỳ vọng điều đó từ sự gương mẫu của người đứng đầu từ Trung ương đến cơ sở trong tiến hành tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

NGƯỜI SÔNG TIỀN

.
.
.