Thứ Tư, 05/12/2012, 16:51 (GMT+7)
.

Không thể để hạt gạo bị cắn làm 8, con cá chặt ra làm 3…

Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - The Mekong Delta Economic Cooporation (MDEC) là hoạt động liên kết giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế (UBQG - HTKTQT), các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Theo Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, MDEC là hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng; liên kết giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước; liên kết với các tổ chức quốc tế nhằm phát huy tiềm năng toàn vùng cũng như của từng địa phương.

Mục tiêu của diễn đàn cũng nhằm tập hợp sáng kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp theo từng chủ đề để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo rà soát, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới trong quá trình phát triển toàn vùng.

Cần tìm hướng đi hiệu quả cho sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Ảnh: Như Lam
Cần tìm hướng đi hiệu quả cho sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Ảnh: Như Lam

Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã qua 5 lần tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và 4 địa phương thuộc vùng “Tứ giác động lực” gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau theo các chủ đề trọng tâm, đã có tác động tích cực trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, phối hợp hành động chung cho vùng.

Theo Ban Tổ chức MDEC - Tiền Giang 2012, sau 5 lần tổ chức thành công với các chủ đề: “ĐBSCL chủ động hội nhập WTO”, “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông”, “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời hội nhập”, “Phát huy lợi thế sông, biển - phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL”, “ĐBSCL - Liên kết phát triển bền vững”, diễn đàn đã đạt được những kết quả thiết thực, có ảnh hưởng, lan tỏa lớn trong và ngoài khu vực, góp phần vào sự phát triển cho ĐBSCL.

Qua các diễn đàn trước, nhiều chương trình, đề án, dự án mang tính đột phá vì sự phát triển chung của vùng đã được đề xuất, giải quyết kịp thời.

Chẳng hạn, đề nghị xem xét thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL hoặc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng kinh tế ĐBSCL gồm vốn ngân sách và vốn kêu gọi đóng góp; kiến nghị Trung ương chủ trì xây dựng Đề án Xúc tiến tổng thể toàn vùng ĐBSCL, đề án thành lập Trung tâm thông tin ĐBSCL tại TP. Hồ Chí Minh, đề án xây dựng chính sách đầu tư đặc thù cho vùng ĐBSCL (MDEC – Cần Thơ 2008).

Tăng đầu tư ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực, cho giáo dục - đào tạo của vùng tối thiểu phải tương đương tỷ lệ dân số của vùng, tức khoảng 22% so cả nước; nghiên cứu Đề án xây dựng doanh nhân và nông dân ĐBSCL trở thành những doanh nhân và nông dân mới - những “doanh nhân và nông dân toàn cầu” (MDEC – An Giang 2009); xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể những ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại vùng ĐBSCL để vừa tìm kiếm giải pháp thích nghi, vừa làm cơ sở khoa học để thông tin trong quá trình kêu gọi đầu tư của vùng (MDEC - Kiên Giang 2010).

Xây dựng cơ chế điều phối liên kết kinh tế, nâng khả năng cạnh tranh của vùng, nâng cao hiệu lực - hiệu quả trong phối hợp hành động, điều hòa lợi ích của từng địa phương trong vùng, xây dựng mô hình các khu phức hợp hoặc cụm công nghiệp dịch vụ nông, thủy sản vùng ĐBSCL thích ứng quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng (MDEC - Cà Mau 2011).

Đó là những vấn đề bức xúc, có tầm vĩ mô, sát hợp với tiến trình phát triển ĐBSCL, nơi có đặc thù nổi trội về nông nghiệp, lương thực của cả nước và góp phần đặc biệt đưa Việt Nam trở thành nước có sản lượng lương thực xuất khẩu nhất nhì trên thế giới.

Trong xu thế phát triển và hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu là thách thức trước mắt và lâu dài của đất chín rồng sẽ được các chuyên gia Hà Lan, các tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu và lãnh đạo địa phương thảo luận tại Hội thảo quốc tế tham vấn “Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long đến năm 2100” nằm trong kịch bản biến đổi khí hậu vừa được thông qua tại cuộc họp Phân ban hợp tác Việt Nam - Hà Lan lần thứ II tại Amsterdam.

Đây là hoạt động tạo “điểm nhấn” của MDEC - Tiền Giang 2012. Song, điểm nhấn quan trọng nhất của MDEC - Tiền Giang 2012 chính là Hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển sản xuất và tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực; định hướng và giải pháp để vượt qua thách thức biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển bền vững; tập hợp sáng kiến để giải quyết các tình trạng sản xuất - kinh doanh manh mún, xé lẻ đã làm cho “hạt gạo bị cắn làm 8”, “con cá tra bị chặt ra làm 3 khúc”, “cây mía chặt thành nhiều lóng”, “trái bưởi, trái cam, trái dừa bị cắt ra năm bảy múi”… phần thua thiệt thuộc về nông dân.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: ĐBSCL có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhưng do hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương và liên kết vùng nên các sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản có lợi thế so sánh, giá trị cao bị phân khúc trong chuỗi giá trị ngành hàng và sức cạnh tranh thấp trên thị trường.

ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp so với các vùng kinh tế cả nước, tuy nhiên nông dân vẫn nghèo, đời sống khó khăn. Do vậy, hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững sẽ góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn.

Ông Nguyễn Phong Quang khẳng định rằng, diễn đàn không chỉ là vỏ bọc hình thức mà phải tìm ra được những giải pháp, hướng đi hiệu quả cho sự phát triển của toàn vùng…

MAI ANH

.
.
.