Thứ Hai, 28/01/2013, 12:15 (GMT+7)
.

Lương, thưởng và những điều trăn trở

Một công nhân có thâm niên lên gặp giám đốc công ty xin tạm ứng 10 triệu đồng để chữa bệnh cho con. Giám đốc công ty hỏi: Lương chị được bao nhiêu một tháng? Chị công nhân nhanh nhảu đáp: Lương con cao lắm đó chú, được hơn 5 triệu một tháng. Mỗi tháng con sẽ trả lại công ty 1 triệu đồng tiền tạm ứng!.

Sau khi ký duyệt tạm ứng, đợi chị công nhân đi ra khỏi phòng, vị giám đốc quay sang nói với chúng tôi: Chỉ cần click chuột vào máy tính là biết lương chị ấy bao nhiêu. Tôi hỏi để biết được phản ứng của người lao động đối với chính sách của công ty như thế nào mà có giải pháp điều chỉnh. Rồi vị giám đốc này trầm ngâm: Hơn 5 triệu đồng một tháng không biết họ sống bằng cách nào nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng lắm rồi, vì công ty hiện có hơn 1.000 lao động.

Cái lo của vị giám đốc chắc hẳn là cái lo chung của rất nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Bởi trên thực tế, hàng chục ngàn lao động đang hàng ngày vật lộn với các dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng chỉ kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng. Mức lương 5 triệu đồng một tháng có lẽ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và là niềm mơ ước của rất nhiều người lao động.

Có thể với cách nhìn của vị giám đốc trên, mức lương 5 triệu đồng chỉ đủ những khoản chi tiêu vặt vãnh, còn đối với người lao động đó là khoản thu nhập tương đối lớn. Mặc dù cách so sánh có phần hơi khập khiễng nhưng thật sự mức thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng cũng chẳng đáng là bao đối với mức chi tiêu, nhất là trong giai đoạn bão giá như hiện nay.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng, song lợi nhuận giảm khiến các doanh nghiệp khó tăng lương, thưởng cho công nhân.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng, song lợi nhuận giảm khiến các doanh nghiệp khó tăng lương, thưởng cho công nhân.

Nhưng có lẽ điều mong mỏi lớn hơn đối với người lao động, ngoài thu nhập hàng tháng, là các khoản thưởng nhân dịp lễ, tết. Đây là điều bình thường vì người lao động đáng được nhận những gì mà công sức họ đã bỏ ra, nhưng đối với Tết Quý Tỵ 2013 là điều còn nhiều bí ẩn.

Ai cũng biết rằng, lương, thưởng tết, nhất là đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh, đều gắn liền với hiệu quả mà đơn vị mình đạt được. Nhưng trải qua một năm được đánh giá là  “bết bát”, lương, thưởng tết đang được các đơn vị cân - đo - đong - đếm cũng là điều dễ hiểu. Bởi 2012 là năm mà các đơn vị sản xuất - kinh doanh vật lộn với vô vàn khó khăn, thử thách. Biết bao đơn vị phải lùi lại. Vì vậy, câu chuyện về thưởng tết năm nay đang còn là những ẩn số to lớn hơn với nhiều năm trước.

Mặc dù một số đơn vị cũng đã có những động thái nhưng chắc chắn rằng, mức thưởng tết năm nay sẽ khó cao hơn năm 2012, nhất là đối với các đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Bởi với những động thái gần đây cho thấy, ngay cả ngành nằm ở Top đầu như Ngân hàng thì lương, thưởng tết cũng đã được điều chỉnh giảm.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GADACO (Khu công nghiệp Mỹ Tho) cho biết, mức thưởng Tết Quý Tỵ 2013 của công ty bằng với mức năm 2012, tức là dao động từ 5 - 10 triệu đồng/công nhân, cùng với thưởng theo thâm niên. Tuy chưa phải là mức cao nhưng đã phản ánh sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo công ty. Bởi năm 2012, mặc dù các chỉ tiêu về doanh thu, số lượng sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đều tăng nhưng lợi nhuận của công ty đã giảm gần 24%.

Còn ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Uyên, chuyên xuất khẩu nông sản cho rằng, mặc dù năm 2012 công ty tương đối thuận lợi về khâu nguyên liệu cũng như thị trường xuất khẩu nhưng do chịu tác động của các yếu tố đầu vào khác nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh. Do vậy, ban lãnh đạo công ty cũng đang cân nhắc để quyết định mức thưởng tết cho người lao động năm nay là 1 tháng hay 1,5 tháng lương.

Giám đốc một công ty cỡ lớn ở Khu công nghiệp Mỹ Tho nói rằng, dẫu sao đối với người lao động ở các đơn vị sản xuất - kinh doanh được thưởng Tết Quý Tỵ 2013 cũng là điều rất may mắn. Bởi đứng trước bức tranh kinh tế còn nhiều điểm sáng - tối của năm 2012, việc duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh, ổn định thu nhập cho người lao động đã là bài toán rất khó khăn.

Hiện nay chưa có con số thống kê đầy đủ về hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng chắc chắn rằng không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng “sức khỏe” một cách trầm trọng. Việc duy trì hoạt động một cách ổn định thật sự đang là một điều khó khăn.

Một khảo sát mới đây của Đảng ủy Khối doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trong khối cho thấy, trong số các đơn trực thuộc có 22 đơn vị có mức thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2012 dao động từ 4 - 7,8 triệu đồng/người/tháng; 19 đơn vị có mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng/người; 2 đơn vị có mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng/người. Tuy thu nhập có tăng nhưng do giá cả các mặt hàng tiêu dùng cao nên thu nhập tăng không đáng kể.

Với mức thu nhập bình quân như vậy, chắc chắn đời sống của người lao động sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là khảo sát các doanh nghiệp trong Đảng ủy Khối doanh nghiệp và hầu như đây là những đơn vị có quy mô tương đối khá, có nhiều lợi thế như: Xăng dầu, điện lực, xổ số kiến thiết… Hiện vẫn chưa có khảo sát cụ thể nào đối với thu nhập của người lao động đối với doanh nghiệp khối tư nhân khác. Do đó, những dữ liệu này chưa thể phản ảnh đúng bản chất về thu nhập của người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2012.

Do vậy, lương, thưởng, nhất là đối với các dịp lễ, tết vẫn còn là câu chuyện dài và là niềm trăn trở của không ít người. Thực tế, dù ít hay nhiều, lương, thưởng tết cũng đã phản ánh những nỗ lực to lớn của người sử dụng lao động và phản ánh hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động. Bởi thị trường lao động rất sôi động, nhất là hiện nay trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp đầu tư mới.

Các chủ doanh nghiệp cũng ý thức được rằng, chỉ cần điều chỉnh mức lương, thưởng không phù hợp, thấp hơn mặt bằng chung, chắc chắn rằng họ sẽ mất đi nguồn lực, nhất là nguồn lực có tay nghề cao. Bằng mọi giá chủ các doanh nghiệp vẫn phải ưu tiên chính sách cho người lao động ở mức có thể được, để đảm bảo sự sống còn của đơn vị mình.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít ngành chưa bao giờ nhắc đến thưởng tết, vì đối với họ có mong muốn cũng chẳng bao giờ được nhận. Mặc dù mỗi ngành nghề có đặc thù khác nhau và mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng câu chuyện lương, thưởng lại là nỗi trăn trở chung của rất nhiều người vì nó gắn liền với đời sống của mỗi người.

THẾ ANH

.
.
.