Thứ Sáu, 25/01/2013, 05:06 (GMT+7)
.

Mách nước cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ

LTS: Vừa qua, nhân chuyện thi chức danh phó giám đốc sở ở Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu: “Chúng tôi cũng phải tính, nếu thí sinh thi được điểm cao nhất nhưng không thuộc diện quy hoạch thì có bổ nhiệm? Chúng tôi đã và đang đặt một số giả thiết kiểu như vậy để có hướng giải quyết tốt trong đề án. Tôi xin lưu ý một lần nữa các đề án này vẫn chỉ là thí điểm”. Từ “sự kiện” và qua ý kiến này, chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn “mách nước” hướng giải quyết. Mời bạn đọc cùng tham khảo và trao đổi.

NGƯỜI DỰ THI - ANH (CHỊ) LÀ AI?

Có thể đoán chắc rằng, đại bộ phận những người dự thi là những người học hành bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn, có chí tiến thủ, có hoài bão, đa phần sinh ra và trưởng thành sau ngày đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất.

Lãnh đạo cũng có vào có ra, có lên có xuống. Thành tích cán bộ không đánh giá từ lòng trung thành, ý thức giác ngộ chung chung mà dựa trên hiệu quả công việc một cách định lượng.

Cũng có nghĩa là tuổi trẻ của họ đã gắn bó với chế độ từ lúc còn ở trường mầm non, đến khi lớn lên là đội viên, đoàn viên và không ít trở thành đảng viên. Nói cách khác, họ là tờ giấy trắng về xã hội, được định hình do xã hội và chế độ. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là họ có ý chí phấn đấu trở thành con người có ích cho xã hội hay không mà thôi.

“Không ai chọn cửa để sinh ra”, “Không ai chọn cha mẹ”. Vì thế, trừ một số rất ít cứ tạm chấp nhận cho là thuộc “diện cấm kỵ”, còn tuyệt đại đa số hoàn toàn có thể quy hoạch với chủ trương thực hiện  “quy hoạch động, quy hoạch mở” như Ban Tổ chức TW Đảng đã đề ra. Điều duy nhất ngăn trở là tư duy xưa cũ, xơ cứng, quy hoach nặng kiểu “COCC” - con ông cháu cha.

Ai cũng có quyền mưu cầu thăng tiến, mưu cầu cống hiến, mọi người đều bình đẳng bước qua ngưỡng cửa công quyền để thành tâm cống hiến phục vụ nhân dân, tham gia vào bộ máy hành chính “phục vụ” thay vì “cai trị”.

Như đã nói, nhiều người vẫn e ngại nếu những cá nhân được quy hoạch cấp ủy hoặc đang là cấp ủy không trúng tuyển thì sao? Xử lý như thế nào? Lỡ ai đó ngoài diện quy hoạch trúng tuyển?...  Nhất là khi chúng ta vẫn tâm niệm công tác cán bộ nói chung là công việc của Đảng.

Chúng ta cũng đang trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền. Việc xem các ứng viên dự thi nằm trong diện “quy hoạch động, quy hoạch mở” của một chức danh nào đó thay vì quy hoạch “khép kín hẹp” chỉ có một người cho một chức danh như xưa nay, là một giải pháp hợp lý.

MÁCH NƯỚC

Cách làm hợp lý thế nào? Chúng ta tổ chức thi không nhằm chọn người giỏi lý thuyết về hành chính để làm công tác giảng dạy, nghiên cứu mà chọn được người có kỹ năng điều hành. Vì thế phải đưa vào chương trình đào tạo kỹ năng, như kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng ra quyết định; phân tích chính sách...

Vì không nhằm mục đích chọn người chỉ giỏi lý thuyết có điểm cao nhất, mà có thể lấy danh sách 5 người có điểm thi cao để họ trình bày trước tập thể kế hoạch hành động, chương trình cải tiến hoạt động của đơn vị mình dự kiến sẽ phụ trách. Tiếp đến đơn vị sẽ lấy phiếu tín nhiệm, để tuyển 3 ứng viên được tín nhiệm cao hơn. Sau đấy cấp có thẩm quyền chọn 1 trong 3 ứng viên để bổ nhiệm. Làm như vậy sẽ kết hợp hài hòa giữa thi, tuyển và chọn.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cùng các thí sinh thi vào Bộ Nội vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cùng các thí sinh thi vào Bộ Nội vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trường hợp đối với chức danh yêu cầu nhất thiết phải là cấp ủy thì tổ chức thi trước đại hội. Danh sách 5 người có điểm cao thông qua thi tuyển sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của đơn vị. 3 người được tín nhiệm cao sẽ đưa vào danh sách ứng cử viên để đại hội bầu cấp ủy. Cách làm này, với quan điểm không cầu toàn, hy vọng đưa công việc thi tuyển chức danh lãnh đạo không rơi vào hình thức, trở nên khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Việc thi tuyển tốt nhất là do các hiệp hội, các trung tâm tư vấn kết hợp với chính quyền đảm trách như: Hiệp hội quản lý hành chính, trung tâm tư vấn đào tạo và chính sách nhân sự...Ngoài ra, có thể áp dụng bước một là trước sơ tuyển, xét tuyển những người đủ các yếu tố, tố chất cần thiết.

Mặt khác, về lâu dài, phải dần dần thay đổi quan niệm về “biên chế”, một nguyên nhân đưa đến sức ỳ và trì trệ. Thay quan niệm cơ chế “biên chế” bằng cơ chế hợp đồng linh hoạt đối với đội ngũ công chức nói chung, kể cả công chức lãnh đạo. Nghĩa là lãnh đạo cũng có vào có ra, có lên có xuống.

Cách đánh giá thành tích của cán bộ, công chức cũng cần điều chỉnh, thay vì dựa trên lòng trung thành, ý thức giác ngộ chung chung, cần đánh giá theo kết quả, hiệu quả công việc một cách định lượng, đánh giá dựa theo kết quả đầu ra...

Chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiết nghĩ cần nhớ lại Bác đã tin tưởng “quy hoạch” giao trọng trách cho những nhân sĩ như cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Phan Kế Toại - Phó Thủ tướng, ông Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ông Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, LS Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp...

Việc lựa chọn nhân sự không phải chỉ là tinh thần đại đoàn kết, mà Bác thấy ở những vị này tài năng, đức độ thật sự với tấm lòng vì nước vì dân phụng sự. Trên thực tế Chính phủ kháng chiến, kiến quốc đã ghi dấu ấn, công lao to lớn của những bậc tiền bối này.

LÃNH ĐẠO KHÔNG PHẢI ĐẶC QUYỀN

Vai trò người đứng đầu rất quyết định. Người xưa có câu “Núi không chê đất cát, đá tảng, thì mới gọi là núi cao. Biển không chê những khe rạch nhỏ thì mới gọi là biển sâu... Lãnh đạo là dùng người, vậy dùng người phải có khí độ. Chỉ có lòng dạ rộng rãi mới có thể dung chứa và dung chứa kể cả những con người mà thiên hạ khó dung chứa thì mới có thể hoàn thành nghiệp lớn”.

Ngày nay quyền lực công, xét ở góc độ kinh tế - chính trị là một nguồn lực xã hội vô cùng lớn. Nó phải được sử dụng một cách hiệu quả và tương thích với xu hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường ở Việt Nam: Quyền lực và trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng.

Những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Nhà nước không phải là một đặc quyền. Đó là một vị trí đầy thách thức dành cho những cá nhân có hoài bão, có khát vọng và có nhân cách mạnh mẽ: Dám hành động, dám chịu trách nhiệm và luôn ý thức rõ ràng rằng, họ có đối tượng phục vụ là nhân dân. Lợi ích của công chức gắn với chất lượng dịch vụ công mà họ cung ứng cho xã hội. Đó là điểm cốt lõi của một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Có một kết luận mang tính toàn cầu là “muốn cải cách hành chính thành công phải có quyết tâm chính trị cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ và được đại bộ phận công chức đồng tình chấp hành”. Vấn đề ở đây là các cấp lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị cao, từ quyết tâm sẽ đẻ ra nhiều sáng kiến cách làm, từ đấy mới nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, cầm quyền một cách dân chủ, cầm quyền một cách khoa học, làm tròn vai trò tiên phong của giai cấp, của dân tộc.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.