Thứ Năm, 18/04/2013, 07:36 (GMT+7)
.

Lợi nhuận của người trồng lúa ngày càng giảm dần

Báo cáo mới đây của OXFAM - Tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên về chống nghèo đói, bất công ở nông thôn và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn vừa công bố cho thấy, từ năm 2006 -2012, lợi nhuận của người trồng lúa đã giảm từ 70% xuống còn 10%. Trong khi nông dân là người giữ vai trò chính trong việc bảo đảm an ninh lương thực và đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới thì số liệu này đã khiến những người quan tâm đến nông dân - nông thôn phải lo lắng.

Báo cáo của Oxfam cho thấy, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa của cả nước, nếu như năm 2006, dù giá gạo còn thấp, nhưng người trồng lúa vẫn có thể thu được 70% lợi nhuận từ sản xuất - kinh doanh lúa gạo, năm 2008 con số này đã giảm xuống còn 23%, thậm chí là đến năm 2010 chỉ còn 10%.

Nông dân phải bỏ ra 60-70% chi phí để sản xuất ra hạt lúa nhưng chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận. Ảnh: Vân Anh
Nông dân phải bỏ ra 60-70% chi phí để sản xuất ra hạt lúa nhưng chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận. Ảnh: Vân Anh

Kết quả điều tra năm 2011 cho thấy, với diện tích bình quân 3,3ha/hộ, thu nhập hàng năm của hộ trồng lúa chỉ đạt 27 triệu đồng, tính ra mỗi người lao động chỉ được 550.000 đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều nếu trồng các loại cây trồng khác.

Trong khi lợi nhuận mà người trồng lúa nhận được trong chuỗi sản xuất -  kinh doanh - xuất khẩu lúa gạo là thấp nhất, thì chi phí sản xuất họ bỏ ra lại luôn cao nhất, chiếm 63% tổng chi phí. Vì vậy, cho dù có mưa thuận gió hòa, cho dù có được mùa, lợi nhuận của nông dân vẫn ngày càng giảm sút.  

Mặc dù vậy, sản lượng lúa vẫn không ngừng tăng. Từ chỗ thiếu lương thực, chúng ta đã vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo với hơn 7 triệu tấn trong năm 2012. Nhưng không hiểu vì sao mà tỷ trọng lợi nhuận của nông dân lại tụt xuống 7 lần. Bởi vậy, mà những người quan tâm đến nông dân - nông thôn có quyền đặt câu hỏi rằng: Hạt lúa đang làm giàu cho ai?

Phân tích chuỗi lợi ích từ sản xuất đến xuất khẩu gạo tại An Giang - một tỉnh trọng điểm lúa ở ĐBSCL thấy rằng, nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận, phần còn lại là trung gian và doanh nghiệp. Không thể phủ nhận vai trò của thương lái để hạt gạo Việt Nam đi ra thế giới, nhưng tỷ lệ 3/10 quả là bất công cho nông dân, vì họ phải tốn đến 60-70% chi phí để sản xuất ra hạt lúa. Không chỉ thế, họ còn phải gánh chịu toàn bộ các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Cây lúa đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các cây, con khác hiệu quả hơn. Nhưng không phải loại đất nào cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Không phải ai cũng có thể bỏ ruộng đồng về đô thị kiếm sống. Cho dù cuộc sống có nâng cao đến mức nào thì trên 80 triệu dân Việt Nam không thể bỏ cơm. Bà con nông dân vẫn bám ruộng, nhưng không thể buộc họ khư khư giữ mãi diện tích trồng lúa để “bảo đảm an ninh lương thực” mà không cho họ cơ hội giàu lên bằng hạt lúa, hay chí ít cũng đủ trang trải cho con cái đến trường.

Hàn Phi Tử - một pháp gia cổ đại nổi tiếng thời Chiến Quốc từng nói giản dị mà thật chí lý: “Hãy trồng cỏ thì dê sẽ đến”. Muốn đảm bảo an ninh lương thực, muốn có nhiều lúa gạo xuất khẩu, thì phải tìm cách cho nông dân có lợi nhuận từ lúa gạo. “Cỏ héo thì dê bỏ đi”. Đó là lẽ thường tình mà lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải có trách nhiệm.

Hãy tạo cơ hội cho nông dân được tham gia vào quá trình điều tra, nghiên cứu và ban hành chính sách liên quan đến tính hiệu quả sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Người trồng lúa không có nhiều tham vọng. Cây lúa cũng không có lỗi, vì chúng ta đang vận hành một nền nông nghiệp giá rẻ.

(Theo vov.vn)

.
.
.