Thứ Bảy, 18/05/2013, 18:51 (GMT+7)
.

Những bài học mãi tươi nguyên

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay khi Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành được chính quyền và Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Người đã sớm phát hiện thấy những căn bệnh đối với một đảng cầm quyền, đối với những cán bộ nắm quyền lực trong bộ máy Nhà nước.

Tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Tên tác phẩm khiêm nhường như vậy, song thực sự đây là một tác phẩm quan trọng thể hiện nổi bật những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng.

Tác phẩm đã đề cập đến nhiều vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng ta đã nắm chính quyền như: Tư cách của Đảng chân chính cách mạng; vấn đề phê bình và sửa chữa lối làm việc của Đảng; ngăn ngừa, sửa chữa những khuyết điểm, những căn bệnh trong Đảng và của từng đảng viên, cán bộ; vấn đề cán bộ và sử dụng cán bộ; mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân; cách lãnh đạo của Đảng; vấn đề phẩm chất đạo đức và hiểu biết lý luận của cán bộ, đảng viên.

Người viết: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Đây là một chân lý đã được kiểm chứng qua các giai đoạn cách mạng.

Bác Hồ và các anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Ðại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc. Ảnh: nhandan.com.vn
Bác Hồ và các anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Ðại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc. Ảnh: nhandan.com.vn

Qua “Sửa đổi lối làm việc”, chúng ta càng đáng lo ngại một thực trạng như trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI có nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.

Quả đúng như vậy. Đi tìm nguyên nhân, có thể đưa ra 2 nguyên nhân chủ yếu: Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới và chỉ đạo thực hiện chưa tốt. Ngoài ra, đối với công tác cán bộ chưa tốt, còn nhiều yếu kém là do công tác tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm, đề bạt chưa thực sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng và việc thực hiện các quy trình đề bạt còn hình thức, lấy lệ…

Nói về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều, trong đó điều thứ 11 có ghi: Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới, kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do tự giác của đảng viên và nhiệm vụ của họ đối với Đảng.

Về bệnh tham lam, ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”. Do bòn rút công quỹ nên một số cán bộ, đảng viên sinh hoạt xa hoa, phung phí… Người đặt câu hỏi: “Tiền bạc đó ở đâu ra?” và Người trả lời “không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu”.

Để chữa những căn bệnh trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phương thuốc “Phê bình và tự phê bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú ý đến thái độ phê bình và tự phê bình. Vì theo Người, cán bộ muốn làm được tốt, muốn hoàn thiện mình, không có cách nào tốt hơn là phải thường xuyên tự phê bình. “Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải tự rửa mặt”.

Người yêu cầu: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa”.

Từ quan niệm “đạo đức là cái gốc của cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vấn đề giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân…”. Người căn dặn, muốn trở thành người cách mạng chân chính phải thực hiện tốt 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được 4 chữ “chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân”. Người ví “chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” (tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương…).

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người không chỉ phân tích, phê phán những biểu hiện hư hỏng trong bộ máy và của cán bộ, đảng viên, mà còn chỉ ra các nguyên nhân và cách khắc phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những bệnh tật đó khiến cho Đảng xuệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng rời xa dân chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng cần phải thẳng thắn khi có sai lầm, khuyết điểm: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”.

Trong dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Bác, đọc lại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác viết cách đây hơn 60 năm, chúng ta càng thấm thía sức sống mãnh liệt và tính thời đại mãi tươi nguyên của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.