Thứ Bảy, 18/05/2013, 17:56 (GMT+7)
.

Phong cách quần chúng

Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14-5-2011 có yêu cầu, trong việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp…”.

Trên thực tế, từ lâu Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo gắn kết việc học tập các nội dung này. Tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong cách là một chỉnh thể, có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong các thành tố này, tư tưởng chi phối đạo đức, tác phong, phong cách; tác phong, phong cách là sự thể hiện, cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức. Tất cả tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh.

Khái niệm “tác phong”, “phong cách” có ý nghĩa gần gũi nhau theo định nghĩa của các Từ điển tiếng Việt: Vẻ riêng trong lối sống, làm việc, xử sự của một người hay của một cộng đồng người. Nhưng phong cách có nội hàm rộng hơn, được dùng thường hơn, thay cho tác phong.

Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn, bị mù cả hai mắt nhưng đã có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ. Ảnh: TƯ LIỆU
Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn, bị mù cả hai mắt nhưng đã có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ. Ảnh: Tư Liệu

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, việc tiếp tục tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác ngoài các chuyên đề năm 2011, 2012, nay có thêm chuyên đề về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Bài này tham gia một số nội dung về phong cách quần chúng.

Phong cách quần chúng của Bác Hồ bắt nguồn sâu xa từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc: “Nước lấy dân làm gốc”, từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Chính nguồn gốc sâu xa đó đã tạo nên sức mạnh vô biên của quần chúng nhân dân mà Bác Hồ đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân…”.

Vì vậy, Người vẫn kiên gan bền chí tìm đường cứu nước, thức tỉnh, giác ngộ đồng bào đứng lên cỡi xích phá xiềng, giành lấy độc lập, tự do. Khi thành lập Đảng để lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới, thì “ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích gì khác”, vì “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.

Phong cách quần chúng thể hiện đường lối quần chúng, việc gì cũng “phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” với tầm cao hơn, chất lượng cao hơn về đời sống tinh thần và vật chất. Phong cách quần chúng không chỉ là phong cách cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân là để hiểu cấp dưới chính xác hơn; hiểu cấp dưới là để hiểu dân đầy đủ hơn. Từ đó càng hiểu chính mình, rút ra những điều bổ ích trong việc đề ra chủ trương, chính sách, quản lý cán bộ, đảng viên.

Phong cách quần chúng của Bác Hồ nổi bật lên trong việc sâu sát với thực tế, gần dân và hiểu dân. Theo thống kê chưa thật đầy đủ, chỉ tính trong 10 năm từ năm 1955 đến 1965, Bác đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội, người lao động nghèo… Tính ra mỗi năm Bác đi cơ sở hơn 60 lần, một kỷ lục “vi hành” của vị lãnh tụ ở tuổi 70! Bác đi thường không báo trước, không để tiếp đón phô trương, tốn kém, thăm cả nơi ăn chốn ở của mọi người.

Chính tư tưởng, đạo đức của nhân cách bên trong con người Hồ Chí Minh đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người. Chúng ta nguyện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và cả phong cách quần chúng của Người.

TRẦN  QUÂN

.
.
.