Chủ Nhật, 09/06/2013, 20:02 (GMT+7)
.

Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

65 năm về trước, ngày 11-6-1948 giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ở vào giai đoạn gay go và ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc với mục đích:

"Diệt giặc đói khổ,

Diệt giặc dốt nát,

Diệt giặc ngoại xâm"

Để thực hiện

"Dân tộc độc lập,

Dân quyền tự do,

Dân sinh hạnh phúc" (1)

Bác Hồ trò chuyện với bà con xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954) Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ trò chuyện với bà con xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954) Ảnh: Tư liệu

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, các tầng lớp nhân dân từ các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng đến công, nông, thương, trí thức, nhân viên chính phủ cùng bộ đội và dân quân với tinh thần quật cường và sức mạnh vô tận, với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí kiên quyết đã ra sức thi đua, tham gia kháng chiến, kiến quốc, thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ đã xóa được giặc đói, thanh toán được giặc dốt và đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi của nước ta để có một cơ đồ, một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, cùng với những mặt được, nghiêm túc mà kiểm điểm, chúng ta thấy còn nhiều điều chưa được, nhất là trong công tác khen thưởng.

Nhiều người trong chúng ta đã có dịp đọc "Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi - nhà chiến lược thiên tài, nhà ngoại giao lỗi lạc của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Trãi viết về khen thưởng như sau:

"Một Nhà nước mà thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời là Nhà nước vững mạnh.
Nhà nước nào phạt nhiều hơn thưởng là Nhà nước đang suy tàn.
Nhà nước nào thưởng nhiều hơn phạt là Nhà nước phồn vinh”. (2)

Cùng với tầm tư tưởng đó, Hồ Chủ tịch từng căn dặn chúng ta: "Thưởng phạt phải nghiêm minh, có công thì thưởng, có lỗi thì phạt; có công mới có luân, phải có công luân mới được thưởng huân chương, thưởng cái nào đích đáng cái ấy… khen thưởng phải có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương”. (3)
"Trong mỗi một con người đều có mặt thiện và mặt ác. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho mặt thiện sinh sôi nảy nở như hoa mùa xuân, mặt ác phải đẩy lùi…”. (4)

Xem xét tình hình thi đua khen thưởng hiện nay, đối chiếu với những lời chỉ giáo trên của Nguyễn Trãi, của Hồ Chủ tịch chúng ta thấy đã đến lúc phải đổi mới mạnh mẽ tư duy về vị trí, vai trò của công tác thi đua và khen thưởng nói chung, công tác khen thưởng nói riêng để có những biện pháp sát thực tế hơn, hiệu quả hơn nhằm thu hút mọi người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước như ở thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Cần xem khen thưởng là một biện pháp quan trọng trong công tác quản lý. Việc xét duyệt khen thưởng phải công tâm và chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn; tuyệt đối tránh "ban phát” danh hiệu. Khen thưởng hiện nay là quá nhiều, quá dễ, không phản ánh đúng đắn sự tiến bộ của xã hội.

Nhà nước ta đã ban hành 18 loại huân chương. Đó là các huân chương Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc Lập, Tổ quốc, Quân công, Giải phóng, Lao động, Chiến công, Quân giải phóng Việt Nam, Chiến công giải phóng, Quyết Thắng, Kháng chiến, Chiến thắng, Chiến sĩ vẻ vang, Chiến sĩ giải phóng, Đại đoàn kết, Hữu nghị.

Và 9 loại huy chương gồm: Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng, Quân giải phóng Việt Nam, Giải phóng, Chiến thắng, Kháng chiến, Dũng cảm.

Qua thống kê trên, chúng ta thấy phần lớn các huân, huy chương đều là những phần thưởng dành cho những người có công trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và khen thưởng chủ yếu theo thâm niên và cấp bậc. Số huân, huy chương dành cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa - nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ còn quá ít.

Đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án mới cần lưu ý đến tình hình này. Hơn nữa, tiêu chuẩn khen thưởng đối với một số loại huân chương còn chung chung, khó vận dụng, chưa thật phù hợp với tình hình đất nước đang đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế.

Về đề nghị khen thưởng và thủ tục khen thưởng cần tránh cách làm nặng về hành chính như hiện nay, cứ "đến hẹn lại lên”, tránh "con có khóc, mẹ mới cho bú”. Cần cải cách mạnh mẽ các thủ tục, hồ sơ khen thưởng nói riêng và thủ tục hành chính nói chung sao cho gọn nhẹ, có hiệu quả, chống gây khó khăn cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, rất đáng được khen thưởng.

Về huân chương, huy chương. Ngoài những huân chương, huy chương hiện có nên xét tặng một cách chủ động, đúng người, đúng công lao, đề nghị nên nghiên cứu những loại huân, huy chương và những hình thức khen thưởng mới, đặc trưng cho thời kỳ hiện nay như trước đây Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã từng làm như: chiến sĩ diệt dốt, chiến sĩ diệt mù chữ, dũng sĩ diệt Mỹ v.v…

Chẳng hạn như: Chiến sĩ xóa đói, giảm nghèo, Dũng sĩ chống bão lụt; Dũng sĩ chống tội phạm, dũng sĩ chống ma túy; Nhà khoa học tiêu biểu; Huân, huy chương "Tấm lòng vàng”, "Tấm lòng nhân hậu” cho những người nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, cho những người chăm sóc bệnh phong, bệnh HIV và AIDS, cho những người nhiều năm hiến máu cứu người v.v…

Cần đa dạng hóa các hình thức động viên, khen thưởng để huy động toàn xã hội tham gia phong trào thi đua ái quốc.

Trong "Lời kêu gọi về thi đua ái quốc” ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang là cuộc vận động cách mạng lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Thiết nghĩ mỗi chúng ta hãy hăng hái và tích cực tham gia các phong trào thi đua chính là việc làm thiết thực và cụ thể của việc học tập và làm theo Bác Hồ.


(1) Những quy định cơ bản về công tác thi đua và chế độ khen thưởng (trang 23 – 23) - Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước
(2), (3), (4) Những quy định cơ bản về công tác thi đua và chế độ khen thưởng (trang 20 – 21) - Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước
                                                         Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

(Theo Đại Đoàn Kết)

.
.
.