Thứ Hai, 22/07/2013, 16:19 (GMT+7)
.

6 tháng, hơn 45.000 DN thành lập mới: Tín hiệu phục hồi nền kinh tế

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh

Bên cạnh con số thành lập mới, số doanh nghiệp (DN) ngừng sản xuất kinh doanh cũng không phải là con số nhỏ trong 6 tháng đầu năm.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, tính đến thời điểm 30-6-2013, số DN ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 24.931 DN, trong số này có 202 DN nhà nước (DNNN), 269 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 24.460 DN ngoài quốc doanh.

Như vậy, đến thời điểm 30-6-2013, toàn quốc có 457.343 DN đang hoạt động, tăng 39.700 DN, tương ứng tăng 9,5% so với cùng kỳ 2012 và tăng 4,9% so với thời điểm 31-12-2012. Cụ thể, số DNNN là 6.852; DN đầu tư nước ngoài là 11.984; DN ngoài quốc doanh là 438.507.

Làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại sở KH-ĐT.  Ảnh: Đức Quang
Làm hồ sơ thành lập DN tại sở KH-ĐT. Ảnh: Đức Quang

Nếu nhìn vào tỷ lệ số DN thành lập mới và số DN ngừng hoạt động có thể thấy được ít nhiều những nỗ lực của nhà quản lý trong việc đưa ra các giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất cho cộng đồng DN. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, đến hết tháng 6-2013, Bộ Tài chính đã "cơ bản triển khai thực hiện xong các giải pháp về tài chính - ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”.

Cụ thể, các giải pháp về thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn từ 3-6 tháng, giảm một số khoản thu ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc đưa ra các chính sách này đã và đang phát huy nhiều tác dụng tích cực hỗ trợ DN và thúc đẩy thị trường.

Gánh "nợ xấu” của khối DNNN vẫn nặng

Không phủ nhận những nỗ lực trong việc tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, trong đó có các giải pháp nhằm giải quyết hàng tồn kho, và quan trọng hơn cả đó là vấn đề giải quyết nợ xấu. Song, vẫn cần phải khẳng định một lần nữa rằng, điểm nghẽn nợ xấu vẫn đang là "khối u” gây nhức nhối, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế một cách mạnh mẽ và dai dẳng nhất.

Và không đâu xa, chính các DNNN lại là đối tượng "ôm” những khối nợ xấu khổng lồ.

Điều này tiếp tục được khẳng định trong báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa được công bố mới đây. Theo đánh giá trong báo cáo này, CIEM đưa ra nhận định, việc các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng ở Việt Nam tập trung vốn cho vay quá nhiều vào các DNNN, trong khi các đơn vị này kinh doanh không hiệu quả là nguyên nhân khiến "cục” nợ xấu phình to.

Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN) năm 2012 các DNNN, tập đoàn kinh tế Nhà nước chiếm tới 70% tổng số nợ xấu. Dư nợ của các thành phần kinh tế khác chiếm 81-83% tổng dư nợ, nhưng nợ xấu chỉ chiếm khoảng 30% tổng số nợ xấu.

Và như vậy, tính không hiệu quả trong hoạt động các DNNN một lần nữa lại được tái khẳng định. Cho dù con số DNNN phá sản 6 tháng đầu năm chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số các DN phải ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, song nếu nhìn vào những phân tích, nhận định nói trên của CIEM có thể thấy, khối DN này vẫn đang là lực cản khiến nền kinh tế trì trệ.

Điều này càng khẳng định hơn nữa tính bức thiết của việc tái cơ cấu DNNN. Bởi chỉ khi việc tái cơ cấu được thực hiện hiệu quả, khắc phục được những yếu kém đã và đang tồn tại lâu nay trong việc điều hành khối DNNN mới hy vọng giải quyết sớm được những bất cập nói trên, cũng có nghĩa bài toán về nợ xấu bị tắc nghẽn lâu nay sẽ được giải tỏa.

Được biết, Bộ Tài chính đang triển khai và phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế và phương án giải quyết nợ xấu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cùng với đó, Bộ cũng đang xây dựng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), xây dựng cơ chế tài chính cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Hy vọng đây sẽ là những giải pháp để gánh nặng nợ xấu được giảm nhẹ, đồng nghĩa với việc nền kinh tế được sẽ được phục hồi nhanh chóng.

(Theo daidoanket.vn)

.
.
.