Thứ Tư, 22/03/2017, 14:59 (GMT+7)
.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Đảng ta đánh giá, thời gian qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh.

Hình tượng con người Việt Nam phát triển toàn diện với các phẩm chất đặc trưng chưa được khắc họa sâu sắc, tuyên truyền sâu rộng và trở thành phong trào thi đua rộng rãi trong đời sống xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí, giáo dục, khoa học… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng…

Ảnh: Vân Anh
Hoạt động văn hóa góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Ảnh: Vân Anh

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc...”.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển. Con người Việt Nam phát triển toàn diện phải phát triển hài hòa về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng pháp luật; hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, giá trị cao đẹp, nhân văn”.

Nghị quyết của Đảng cũng đã định hướng và đề ra các giải pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.

Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.

Hiện nay, hình ảnh con người Việt Nam phát triển toàn diện tuy đã được triển khai trong các cơ quan, đơn vị, trong hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể, trong các phong trào thi đua…, nhưng chưa xác định rõ hệ giá trị chuẩn, hiệu quả còn hạn chế và chưa rộng khắp. Đơn cử, tại sao ta có danh hiệu gia đình văn hóa mà không có danh hiệu cá nhân văn hóa (là hình mẫu của con người Việt Nam phát triển toàn diện tại cơ sở)?

Vì thế, cần khắc họa sâu sắc và xây dựng hình ảnh con người Việt Nam phát triển toàn diện bằng xương bằng thịt thông qua các hoạt động văn hóa (trong đó có xây dựng đời sống văn hóa cơ sở), giáo dục, khoa học, văn học - nghệ thuật, báo chí… với hệ giá trị chuẩn cụ thể mà nói ra ai cũng hiểu và thực hiện được. Hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách làm tốt trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

M.T

.
.
.