Thứ Ba, 06/06/2017, 19:50 (GMT+7)
.

Kỷ luật nếu không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng

Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước phải thống nhất cao trong tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng năm 2017 là 6,7%; phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực.

Đi liền với đó là phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, báo cáo; các bộ, ngành chức năng thường xuyên cập nhập, báo cáo tình hình; chủ động có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế và phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  trong buổi họp báo sau đó đã nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ đã giao nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đồng thời gắn với trách nhiệm và đặt vấn đề kỷ luật nếu không hoàn thành chỉ tiêu tăng tưởng.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Rõ ràng việc xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân phải đi liền với hành động  quyết liệt, hiệu quả, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương. Trừ trường hợp bất khả kháng (lý do khách quan chính đáng), các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước phải phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra và phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Trên tinh thần này, mở rộng ra, ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước phải quyết liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và sẵn sàng nhận kỷ luật nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi xác định kỹ mục tiêu tăng trưởng (nói bao quát hơn là nhiệm vụ chính trị) một cách khách quan, khoa học, phù hợp thực tiễn và các giải pháp có tính khả thi thì vấn đề còn lại là năng lực tổ chức thực thiện và trách nhiệm, nỗ lực và quyết tâm “đạp bằng sóng gió” của đội ngũ thực hiện. Điều này khẳng định vai trò to lớn của ý chí chủ quan nhưng khác hẳn với chủ quan duy ý chí.

NHƯ NGỌC

.
.
.