Thứ Hai, 03/07/2017, 06:22 (GMT+7)
.

Lễ hội chọi trâu đã bị bóp méo, phi truyền thống

Tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 vào ngày hôm qua (1/7), quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng đã xảy ra sự cố khi trâu chọi mang số 18 húc trọng thương chính chủ trâu trên sân đấu. Người đàn ông 47 tuổi này đã qua đời sau 6 giờ cấp cứu tại bệnh viện.

GS. Trần Lâm Biền trao đổi về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017. Ảnh: VGP/Phương Liên
GS. Trần Lâm Biền trao đổi về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017. Ảnh: VGP/Phương Liên

Trước sự việc đau lòng kể trên, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS. Trần Lâm Biền về lễ hội này.

GS. Trần Lâm Biền cho hay, lễ hội chọi trâu là một sản phẩm khá độc đáo của văn hóa truyền thống của dân gian Việt cổ xưa, có mặt ở rất nhiều địa phương, nhất là những vùng ven biển. Tuy nhiên, lễ hội chọi trâu của dân gian xưa có ý nghĩa khác, được đúc kết từ hiện tượng tự nhiên với giá trị biểu tượng là con trâu.

Ở vùng Hiếu Giang, Thạch Hãn, Quảng Trị, cách bờ biển khoảng 10 km, người ta chọi trâu bằng cách dùng 2 đầu con trâu giả đội vào để húc nhau. Lúc đó, hiện tượng chọi đó đã được nhân lên thành giá trị văn hóa nhất định. Hình tượng trâu được dựng có cặp sừng phải dài và cong như mặt trăng lưỡi liềm, có những xoáy tròn đen tượng trưng cho bầu trời.

Về nguyên tắc, người xưa từ thực tế của tự nhiên, lịch sử và văn hóa đã đưa ra hình tượng đôi trâu chọi được truyền thuyết hóa, huyền thoại hóa.

Văn hóa chọi trâu bắt nguồn từ hiện tượng thủy triều tự nhiên, đôi trâu chạy lên cao theo mực nước biển và chọi nhau. Cặp đôi là ý thức văn hóa luôn có trong tiềm thức của người Việt trồng lúa. Đến khi nước biển rút, cặp trâu lại chạy dần xuống theo mức nước biển và không chọi nhau nữa.

Tuy nhiên, “lễ hội chọi trâu đã bị bóp méo một cách tàn bạo, kích thích con người với những nhận thức không tốt đẹp về lễ hội”, GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng đã núp bóng tinh thần thượng võ, nhưng thực tế không hề thượng võ.

Trâu chọi mang số 18 húc trọng thương chính chủ trâu trên sân đấu. Ảnh: Báo Thanh niên
Trâu chọi mang số 18 húc trọng thương chính chủ trâu trên sân đấu. Ảnh: Báo Thanh niên

GS. Trần Lâm Biền trăn trở, lễ hội dân gian cách đây vài trăm năm, chọi trâu nhằm mong muốn cho làng xã, con người được thiên nhiên ưu đãi, mùa màng thuận lợi.

“Lễ hội trước đây gắn bó với tâm linh, con trâu chiến thắng trong lễ hội chọi trâu sẽ được mang lên đảo ngoài khơi xa rồi bị hất xuống biển mang theo ước mong cúng tế thần linh, tưởng nhớ công ơn của các vị thần, để cầu nguyện cho ‘nhân khang, vật thịnh’.

Ngày nay, thịt của các con trâu chiến thắng được bán với giá vài triệu đồng một kg.

"Chọi trâu kiểu hiện nay không thể chấp nhận được, cần phải loại bỏ. Chọi trâu ngày xưa là văn hóa, chọi trâu ngày nay là sản phẩm phi vẻ đẹp văn hóa truyền thống”, ông Biền thẳng thắn.

Chọi trâu hiện nay đang biến con người từ tư duy hoà vào thiên nhiên, vũ trụ đến chỗ chỉ thích thú với sự tàn bạo, tư duy nghèo hèn ăn một miếng thịt trâu thì được hưởng phúc… Chính những hành động thiếu suy nghĩ ấy đã tiếp tay cho những người lợi dụng, trục lợi. Hiện tượng phản cảm hoặc tai nạn chết người trước sau cũng sẽ xảy ra.

“Bao lâu nay chúng ta không hề chú ý đến văn hóa dân tộc, bản sắc, nội dung bên trong mà chỉ quan tâm tới thứ vinh quang trên nền tảng kích động bạo lực. Tôi thực sự e ngại khi những hình thức đó vẫn tồn tại lâu dài trong xã hội ta”, ông Biền nói.

Theo GS. Trần Lâm Biền, hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Vì vậy, tới khi có sự việc xảy ra trở nên lúng túng trong xử lý. Phải hiểu sâu sắc, cặn kẽ thì mới có cách quản lý đúng đắn, rõ ràng và hợp lý nhất.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.