Thứ Bảy, 12/08/2017, 22:29 (GMT+7)
.

"Bút phê" lý lịch: Thẩm quyền và tư duy

Trong vài ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp thông tin về 2 trường hợp cán bộ chính quyền cấp xã “bút phê” vào sơ yếu lí lịch của học sinh, sinh viên.

UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.
UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.

Trường hợp thứ nhất là một sinh viên ở Hải Dương vừa tốt nghiệp, làm sơ yếu lí lịch để đi tìm việc làm. Trường hợp thứ hai là một tân sinh viên ở Hà Nội làm hồ sơ để nhập học. Cả hai bộ sơ yếu lý lịch này đều bị cán bộ xã phê dòng chữ: bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách, quy định của địa phương.

Điều quan trọng ở chỗ từ năm 2014, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp đã có công văn số 1520/HTQTCT-CT ban yêu cầu Sở Tư pháp địa phương chỉ đạo UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.

Từ nhiều năm trước, việc ký, đóng dấu, xác nhận của lãnh đạo cấp xã vào sơ yếu lý lịch của công dân trên địa bàn đã là một vấn đề đáng nói. Là một thủ tục bắt buộc, chính vì vậy nhiều lãnh đạo cấp xã lấy đó làm thứ “vũ khí” quan trọng thể hiện quyền lực với người dân trong địa phương mình quản lý. Họ dùng chiếc “đũa thần” này của mình để buộc người dân hoàn thành những nghĩa vụ tài chính hoặc thực hiện những chính sách.

Chưa bàn đến việc những chính sách của địa phương đó có thiết thực với người dân hay không, nhưng trong câu chuyện này, điều đáng nói là người nghĩa vụ đóng góp và người cần xác nhận lý lịch lại không trực tiếp liên quan đến nhau.

Trong hai trường hợp trên đây, người cần xác nhận lý lịch là học sinh, sinh viên mới ra trường, bản thân họ chưa hề có thu nhập chính thức từ công sức của mình, vì vậy khó có thể nói họ cố tình không chấp hành chính sách của địa phương. Tuy nhiên họ vẫn chịu hậu quả vì gia đình mình chưa hoàn thành nghĩa vụ. Điều này không phù hợp với một yêu cầu rất quan trọng trong các quan hệ pháp luật, đó là cần phải cá thể hóa các chủ thể gắn liền với quyền và nghĩa vụ của họ, trong dân gian thường nói nôm na là “ai làm nấy chịu”.

Câu chuyện gợi nhớ lại cách quản lý hộ khẩu hộ tịch của một số cán bộ miền núi, nơi có một số người dân tộc thiểu số sống trong vùng sâu vùng xa “ngại” làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên thay vì việc vận động người dân nâng cao nhận thức pháp luật và yêu cầu người dân chấp hành thì một số cán bộ xã nghĩ ra cách “xử lý” tiện lợi cho mình hơn rất nhiều. Mỗi khi có người dân đến làm thủ tục khai sinh cho một đứa trẻ, họ mới “rà soát” xem bố mẹ đứa trẻ đã làm thủ tục đăng ký kết hôn hay chưa. Nếu phát hiện thủ tục này chưa hoàn thành, cán bộ xã sẽ yêu cầu làm thủ tục này trước, thậm chí nộp phạt vi phạm hành chính, nếu không sẽ không làm thủ tục khai sinh cho đứa trẻ. Vậy là bố mẹ làm nhưng con trẻ vừa chào đời sẽ phải chịu hậu quả.

Bản chất của việc xác nhận vào sơ yếu lý lịch là một dịch vụ pháp lý công. Tuy nhiên trong nhiều năm và đến tận thời điểm này, nhiều địa phương vẫn coi đó là chuyện xin cho. Người dân phải đi xin và cán bộ xã thì có quyền ban phát.

Câu chuyện không dừng lại ở đó. Trên thực tế, nhiều người dân và cả chính quyền cơ sở cũng đang lúng túng trong việc thực thi quy định về xác nhận lý lịch. Bởi mặc dù Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể như vậy, nhưng trong mẫu lý lịch học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở mục “Xác nhận của chính quyền xã phường nơi học sinh, sinh viên cư trú” lại yêu cầu rất chi tiết: “Đề nghị chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương”.

Rõ ràng là cụm từ rất chung chung “chấp hành pháp luật” khiến người ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nếu học sinh từng vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông, liệu chính quyền địa phương có phê “không chấp hành tốt pháp luật” vào lý lịch và người đó liệu có được bước chân vào cổng trường đại học? Trong khi đó, ở một lĩnh vực quan trọng hơn rất nhiều đó là pháp luật hình sự, theo thông lệ chung quốc tế cũng có quy định về thời hạn được xóa án tích. Một người từng có hành vi phạm tội, bị kết án, hết thời hạn đó sẽ được xóa án tích và được coi như người chưa từng phạm tội.

Chính quyền các địa phương đã có những động thái kiên quyết với các sai phạm và các cán bộ xã cũng đã nhận sai. Nhưng để tránh lặp lại những câu chuyện đáng buồn này, các cấp chính quyền và từng cán bộ cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật, về quyền công dân và quan trọng hơn, phải thay đổi mạnh mẽ tư duy theo tinh thần phục vụ nhân dân, tuyệt đối không được phép tùy tiện trong xử lý công việc.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.