Thứ Năm, 28/09/2017, 10:49 (GMT+7)
.

Từ vùng trũng trong giáo dục đến thung lũng của sự sáng tạo

a
Thay đổi tư duy về trồng lúa, dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ - Thủ tướng đã chỉ đạo như thế. Ảnh: DS

Mấy ngày qua, người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nức lòng với một “hội nghị Diên Hồng” về phát triển vùng đất chín Rồng, bởi chưa bao giờ “vựa lúa” của cả nước lại đứng trước nguy cơ, thách thức như hiện nay; và cũng chưa bao giờ Chính phủ lại quyết liệt trong việc hoạch định một giải pháp cho việc phát triển bền vững ĐBSCL như lúc này. Một hội nghị quy mô chưa từng có, hiệu triệu hàng trăm ý kiến, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước với sự chủ trì của Thủ tướng và 2 Phó Thủ tướng Chính phủ.

Người dân miền Tây Nam bộ tin tưởng và kỳ vọng vào sự quyết liệt của một Chính phủ hành động và kiến tạo. Bởi trước đây cứ hai năm một lần, Diễn đàn hợp tác ĐBSCL (MDEC) do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng Chính phủ  cũng đã tổ chức với quy mô không nhỏ, cũng có nhiều hội  thảo, đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững vùng đất này; nhưng hiệu qủa của Diễn đàn này, và những chuyển biến “hậu MDEC” vẫn chưa khả quan.

a
Phát huy thế mạnh "Vưong quốc cây ăn trái" theo hướng công nghệ sạch. Ảnh: DS

Cũng vì lẽ đó, người dân đồng bằng đặc biệt quan tâm và vô cùng phấn khởi với những ý kiến chỉ  đạo, kết luận của Thủ tướng trong phiên bế mạc hội nghị lần này. Bởi nó chuyển tải nhiều thông điệp về những chính sách phát triển cho vùng  đất châu thổ sông Cửu long; với những tư duy mới, phù hợp hoàn cảnh hiện tại. Và vượt lên tất cả đó là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với vùng đất giàu tiềm năng nhưng lại là vùng trũng của cả nước.

Đó là những thông điệp: Huy động mọi nguồn lực để đương đầu với những thách thức hiện hữu; thay đổi tư duy làm nông nghiệp để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Và phương châm “phát triển để phục vụ cho người dân” .

a
Cùng với việc nuôi trồng và chế biến thủy sản theo từng  vùng, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ảnh: DS

Đó là việc Thủ tướng nhấn mạnh: Phải xây dựng ĐBSCL từ vũng trũng trong giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao. Đó là gợi ý của Thủ tướng nghiên cứu thành lập quỹ phát triển ĐBSCL với nhiều nguồn lực. Từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất là 1 tỷ USD. Xây dựng cơ chế điều phối vùng, cùng việc thành lập Ủy ban điều phối vùng ngay sau hội nghị.  Và “Ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL có quy mô lớn như hội nghị hôm nay để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL".

Từ hội nghị này, những chính sách vĩ mô về phát triển bền vững ĐBSCL đã đựơc bàn thảo, những vấn đề lớn về việc tồn tại của vùng đồng bằng này trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được Chính phủ tính đến. Vì thế, người đồng bằng kỳ vọng rằng những vấn đề như hạ tầng giao thông, đầu ra nông sản chỉ là chuyện nhỏ trong lộ trình tính toán, phát triển vùng ĐBSCL-

Những tuyến đường cao tốc, đường sắt kết nối “vựa lúa” cả nước với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, phá thế độc đạo về miền Tây của QL1A;  một “điểm nghẽn” bấy lâu của ĐBSCL này chỉ còn là yếu tố thời gian.

Tin tưởng và kỳ vọng.

DUY SƠN
 

.
.
.