Thứ Bảy, 09/06/2018, 10:21 (GMT+7)
.

Đó là một Chính phủ biết lắng nghe.

(ABO) Quyết định chưa trình ra Quốc hội về Luật đặc khu tại kỳ họp lần này, một lần nữa thể hiện thái độ tích cực của một Chính phủ kiến tạo, hành động; đó là biết lắng nghe ý kiến của dư luận. Bởi trong thời gian qua, dự thảo Luật đặc khu chuẩn bị trình ra Quốc hội và quyết thông qua trong ngày 15-6, đặc biệt là thời hạn giao đất đến 99 năm đã gây quan ngại trong dư luận. Không loại trừ yếu tố kích động của các phần tử xấu trên mạng xã hội, làm cho tình hình thêm rối ren; thì việc người dân quan tâm về dự Luật là điều đáng mừng; bởi nếu dư luận, nhân dân “vô tư” không chú ý đến vận mệnh quốc gia thì mới đáng suy nghĩ.

a
Một góc Vân Đồn- Quảng Ninh- ảnh:TTXVN

Rõ ràng, còn nhiều ý kiến khác nhau về dự Luật này, nhưng chung lại, vẫn hướng về đất nước. Đó là ngoài những chính sách liên quan đến khai thác tiềm năng, lợi thế của đặc khu sẽ có gì ưu trội, thì vấn đề nổi lên trong thời gian qua và rất quan trọng là an ninh quốc gia, là độc lập chủ quyền. Và khi còn ý kiến khác nhau của dư luận, thì việc cần thời gian nghiên cứu và đề ra chính sách thật cụ thể trong điều luật, làm sao hạn chế và loại trừ được những yếu tố mà trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng là cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trao đổi với báo chí đã khẳng định:"An ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong xây dựng đặc khu lâu dài để mọi người không phải lo rằng là một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong vấn đề này. Quá trình thực hiện sẽ có thiết kế cụ thể, còn luật chỉ là khung để tạo ra môi trường pháp lý cần thiết.”

Trở lại vần đề thời gian giao đất đang được dư luận quan tâm, thì Thủ tướng đã bày tỏ quan điểm: môi trường đầu tư, cơ chế chính sách mới là quan trọng nhất đối với đặc khu kinh tế. Tại sao phải lấy thời gian dài cho thuê để dẫn dụ các nhà đầu tư? Với một cơ chế tốt chúng ta sẽ hoàn toàn có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư chất lượng. Việc cho thuê đất đặc khu không phải là nhượng tô, nhượng địa để người đầu tư muốn làm gì thì làm, mà đây là thời hạn đối với một số dự án thực sự đặc biệt để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư cơ bản, dài hạn. Tuy nhiên nếu như cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn và không đồng tình, thì Chính phủ cũng sẵn sàng đề nghị Quốc hội xem lại việc này.

Việc Thủ tướng đặt vấn đề Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần lắng nghe ý kiến dư luận để báo cáo Quốc hội quyết định về Luật đặc khu là hoàn toàn đúng. Nó thể hiện tính dân chủ từ quá trình dự thảo cho đến khi quyết định phải bảo đảm được cơ chế vận hành là biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, trong đó có thông qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Với thái độ thẳng thắn của Thủ tướng qua việc trao đổi với báo chí 2 lần bên hành lang Quốc hội,  và việc luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp của nhân dân và các ĐBQH, đã cho thấy được thái độ cầu thị, lắng nghe của Chính phủ, minh chứng cho một Chính phủ kiến tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân. Bởi tựu chung lại, điều quan trọng hơn cả là những quyết định của người đứng đầu về một chính sách nào đó, phải đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, cần hợp với lòng dân, và hợp với xu thế phát triển.

 SƠN PHẠM





 

.
.
.