Thứ Sáu, 26/04/2019, 20:43 (GMT+7)
.
Câu chuyện cây ăn trái

Bài cuối: Tránh cung không gặp cầu

(ABO) Dù được khẳng định vị thế và dư địa vẫn còn lớn nhưng lối đi nào hiệu quả nhất cho cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long trong chặng đường tới vẫn là câu hỏi dường như còn bỏ ngỏ nếu như không có những hành động thiết thực, thực chất hơn.

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng không ít lần đưa ra dự báo một số cây ăn trái chủ lực cho chặng đường sắp tới. Dự báo được đưa ra đều dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng cũng như tiềm năng và cơ hội cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, một số loại cây ăn trái có nhiều tiềm năng là thanh long, chuối, xoài, khóm, cam, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng dự báo một số loại trái cây có triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới là chanh, măng cụt, vú sữa, bơ…

Soi rọi vào dự báo của Bộ NN-PTNT dường như chưa thấy đề cập đến cây mít Thái, mặc dù đang là loại cây trồng tạo nên cơn sốt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó mới là điều đáng lo đối với mít Thái.

b
Một số sản phẩm trái cây chế biến của Tiền Giang.

Để làm cơ sở đầu ra ổn định và bền vững, Bộ NN-PTNT cũng đã phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn trái chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn trái ở Nam bộ đến năm 2020, với 5 cây chủ lực: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn. Những động thái của Bộ NN-PTNT bước đầu cũng đã phát huy tác dụng.

Theo như dự báo của Bộ NN-PTNT, thanh long luôn đứng ở nhóm đầu. Bởi trên thực tế hiện nay cho thấy, có đến 85% sản lượng thanh long được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Singarpore, Indonesia và gần đây đã được mở rộng sang các thị trường khó tính đầy tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ.

Nhu cầu tiêu thụ thanh long trong nước và xuất khẩu được dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 1.000 - 1.100 tấn, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 70%. Dù nằm trong nhóm đầu về lợi thế tiêu thụ nhưng Bộ NN-PTNT cũng khuyến cáo các tỉnh, thành không nên tăng diện tích trồng thanh long một cách ồ ạt mà chú trọng vào chất lượng sản phẩm.

Khuyến cáo này được đưa ra xuất phát từ thị trường tiêu thụ lớn thanh long là Trung Quốc đang đòi hỏi chất lượng ngày càng cao trong xuất khẩu chính ngạch và tương lai sẽ chuyển dịch từ thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ ra điểm hạn chế là xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang các thị trường mới (Ấn Độ) và các thị trường khó tính (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Mỹ…) cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao, trong khi mức tăng sản lượng sản xuất thanh long của các nước khác trên thế giới tăng cao (Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… đang tập trung trồng thanh long).

Nhiều “ông lớn” tham gia

Bộ NN-PTNT cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã quan tâm mạnh vào lĩnh vực chế biến rau quả như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (DOVECO), Công ty cổ phần Lavifood đã đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chất chế biến, bảo quản rau quả.

Chỉ tính trong trong 2 năm 2017 - 2018 các doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng 6 nhà máy chế biến rau quả hiện đại, với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng. Nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại cũng đã được sử dụng như: Thiết bị đóng gói của Tetra Pak, công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương, công nghệ và thiết bị sấy lạnh, sấy bơm nhiệt…

Tổng hợp các yếu tố tác động, Bộ NN-PTNT đưa ra dự báo thị trường tiêu thụ thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tiếp tục tăng diện tích thanh long và chất lượng thanh long không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ trên thế giới, Bộ NN-PTNT cũng nhận định rằng, trái cây Việt Nam tiếp tục có triển vọng tăng trưởng nhờ mở rộng được nhiều thị trường trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã tập trung đầu tư các dây chuyền sản xuất mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại…

2. Nhiều ý kiến đã được đưa ra trước bức tranh chung về cây ăn trái, trong đó cũng có không ít lo ngại. Một trong những điểm cốt yếu là cần có những hành động thiết thực, thực chất hơn để tận dụng được lợi thế hiện hữu.

Trước thực tế vừa qua, ai cũng có thể nhận ra rằng, bên cạnh những hạn chế trong chế biến, có lẽ khâu yếu nhất của ngành Nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng vẫn nằm ở khâu sản xuất.

Nhìn nhận từ thực tế, trong trao đổi gần đây với chúng tôi, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, TS. Nguyễn Văn Hòa cho rằng, trước sau gì sản xuất nông nghiệp nói chung, trái cây nói riêng cũng phải đi theo hướng VietGAP hay GlobalGAP để tiến tới sản xuất cùng một quy trình, cùng chất lượng sản phẩm làm ra và đặc biệt là an toàn cho người tiêu dùng.

Trong tương lai là phải làm sao cho các hộ nông dân liên kết lại với nhau theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nhằm tận dụng lợi thế về vốn để mang lại tính ổn định cho đầu ra sản phẩm nông nghiệp.

N
Nhiều "ông lớn" đã tham gia công nghiệp chế biến trái cây.

Nhìn từ phạm vi tổng thể, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để tiếp tục phát triển ngành hàng trái cây Việt Nam nhanh, hiệu quả và bền vững hơn, trong thời gian tới Bộ NN-PTNT, các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp cần tập trung làm tốt một số vấn đề như: Rà soát lại về quy mô, diện tích, sản lượng của từng loại trái cây đối với từng vùng, miền, địa phương để làm sao khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng cũng như nhu cầu của thị trường.

Việc rà soát phải dựa trên căn cứ điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, kể cả kinh nghiệm canh tác của người dân đối với từng loại cây ăn trái.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng cần tính toán nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới và trong nước để tránh tình trạng cung không gặp cầu.

“Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng đề án phát triển cây ăn trái trong bối cảnh còn nhiều dư địa và tiềm năng, bắt đầu từ xác định lợi thế của từng nhóm cây, quy mô diện tích cho từng địa phương, từng vùng, quy trình kỹ thuật; đồng thời, làm tốt công tác mở cửa thị trường cũng như bảo quản, chế biến” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.

Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, tất nhiên Tiền Giang cũng phải tính toán từng bước đi cụ thể. Sau thời gian tăng trưởng khá nhanh về diện tích, sản xuất cây ăn trái của Tiền Giang đang hướng vào mục tiêu chất lượng.

Bởi theo tính toán của Sở NN-PTNT Tiền Giang, đến năm 2020 Tiền Giang chỉ tập trung vào một số cây chủ lực: Xoài (xoài cát Hòa Lộc, cát chu và các giống xoài xanh ăn sống) với diện tích đạt trên 4.800 ha, sầu riêng khoảng 12.000 ha, khóm 15.000 ha, thanh long 7.150 ha, bưởi 4.500 ha, mãng cầu Xiêm 1.500 ha, vú sữa 500 ha…

Phát biểu tại Hội nghị “Đánh giá năng lực và thúc đẩy công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp khu vực phía Nam” do Bộ NN-PTNT tổ chức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho rằng, trong chặng đường sắp tới, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, bắt đầu từ việc thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung, tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sau thu hoạch…

Nhìn vào chặng đường đã qua, dư địa và những dự báo sắp tới, câu chuyện cây ăn trái dường như chưa có hồi kết nếu như chúng ta không có bước đi bài bản, khoa học và hiệu quả.

A.P

 

.
.
.