Thứ Ba, 14/05/2019, 21:22 (GMT+7)
.

Nghĩ về việc công khai và tính minh bạch

( ABO) Công khai, minh bạch thể hiện tính dân chủ của chế độ, cụ thể là của chính quyền với người dân, của lãnh đạo cơ quan với cán bộ công chức, của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp...Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rõ về hai khái niệm công khai và minh bạch. Công khai là công bố thông tin; còn minh bạch là thông tin được công bố công khai đó đúng sự thực, đúng bản chất vấn đề hay không?
 
Hiện nay, thông tin hoạt động của một số ngành chủ lực có sự quản lý của nhà nước đều được công khai, nhưng tính minh bạch tới đâu thì cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xem xét mới biết. 
 
Vấn đề đặt ra là cơ quan thực thi chức năng kiểm tra giám sát có công tâm, khách quan, hoặc có đủ năng lực để đánh giá đúng những thông tin công khai hay không? Vì thế, với một số lĩnh vực, ngoài các cơ quan chức năng của Nhà nước, cần có cơ quan tư vấn độc lập kiểm tra lại, để bảo đảm yếu tố khách quan như một số nước đã làm. 
 
Nói về việc công khai minh bạch thì đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp rất quan tâm, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay doanh nghiệp tư nhân là nguyện vọng đã được khối doanh nghiệp tư nhân không ít lần gửi tới Chính phủ. Sự việc mới đây hãng hàng không A dùng công văn đóng "dấu mật" gởi đến Bộ GT-VT “tố” hãng hàng không B giành phi công; hay việc Bộ Công thương đề xuất "mật hóa" thông tin giá điện, xăng thể hiện sự thiếu minh bạch, có phần nào ưu ái cho các DNNN.
 
Theo Tổng Bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì công khai, minh bạch chính là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương; là “thuốc đặc trị” chống tham nhũng. Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội. 
 
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân với phương châm Đảng đã xác định: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ". Thì rõ ràng việc thực thi tính công khai minh bạch để người dân biết là rất cần thiết; thể hiện rõ sự làm chủ của người dân, tính dân chủ của chế độ. Vấn đề là làm thế nào để tính minh bạch của việc công khai được đảm bảo, đi vào thực chất. 
 
DS
 

 

 

.
.
.