Thứ Năm, 25/06/2020, 21:10 (GMT+7)
.

Gia đình là nơi để về

 (ABO) Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, khẳng định vai trò của mỗi gia đình với sự phát triển của đất nước, ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 72/2001 về Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ad
Gia đình là nơi để về. Ảnh: Thương Nhiều

Từ đó ngày 28-6 hằng năm là một sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa của gia đình Việt, khẳng định vai trò của mỗi gia đình với sự phát triển chung của đất nước. Qua đó cho thấy các vấn đề về gia đình đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, luôn xem trọng và ra sức vun bồi để mỗi gia đình thật sự là tế bào của xã hội. Chính vì vậy, trong những năm qua việc xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ mới đã có sự chuyển biến tích cực. Những giá trị truyền thống tốt đẹp như lòng yêu quê hương, đất nước, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, hiếu học… đã được mỗi thành viên trong gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy.

Tuy nhiên, vẫn còn đó tình trạng bạo hành trong gia đình, mà đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thậm chí nạn nhân còn có cả người già yếu là cha mẹ, ông bà trong gia đình. Việc bạo hành trong gia đình là không thể chấp nhận, bạo hành cha mẹ, ông bà càng đáng lên án hơn.

Trước những tồn tại trên, hằng năm việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam là hết sức cần thiết và có ý nghĩa tích cực, qua đó nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống của gia đình Việt. Có thể thấy, hình thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam xoay quanh các hoạt động như họp mặt, giao lưu, tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, hội thi nấu ăn…

Từ đó cho thấy, việc các gia đình có mặt trong những buổi họp mặt, giao lưu, tuyên dương… là có sự “so bó đũa chọn cột cờ”. Việc đó không sai, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đại bộ phận gia đình Việt trong cộng đồng. Làm thế nào để các gia đình “yếu thế” trong xã hội có cơ hội góp mặt trong các buổi họp mặt, giao lưu, tọa đàm… nhiều hơn nữa mới là điều quan trọng và thật sự có ý nghĩa xã hội.

Bởi các gia đình “yếu thế” trong cộng đồng là những đối tượng đã, đang và sẽ dễ bị tổn thương nên rất cần được lắng nghe kinh nghiệm về việc xây dựng gia đình hạnh phúc; rất cần sự thấu cảm, sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ… để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà họ đã, đang và có thể sẽ gặp phải, để qua đó có thêm kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc.

Muốn gia đình là nơi để về, là nơi ấm áp, yêu thương dành cho tất cả mọi người thì cần có sự quan tâm hơn nữa công tác gia đình của các ngành, các cấp. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Quan trọng nhất vẫn là mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình phải biết tu dưỡng, rèn luyện, ra sức chăm chút, vun bồi, “thắp lửa” cho gia đình của mình, để gia đình mãi là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nơi thăng hoa cảm xúc, nơi lan tỏa yêu thương, nơi dâng tràn hứng khởi để sống, học tập, lao động và cống hiến.

Đừng để gia đình là nơi lạnh lẽo, nơi không muốn quay về sau mỗi buổi chiều tan sở, thậm chí là nơi gây nhiều ám ảnh, mà mỗi người hãy học cách vun bồi, để gia đình mãi là nơi để về.

THIÊN LÊ

.
.
.