Thứ Ba, 10/11/2020, 14:08 (GMT+7)
.

Phát huy truyền thống Nam kỳ khởi nghĩa, ra sức xây dựng quê hương giàu mạnh

Mặc dù thất bại do điều kiện chưa chín muồi, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ có ý nghĩa rất to lớn, đó là một trong “những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”.

Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

 Chính vì vậy, ngày 14-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 163 tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Ðội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940 để khắc ghi công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.

Từ đó, ý nghĩa to lớn và bài học vô giá của khởi nghĩa Nam kỳ luôn cổ vũ hành động của chúng ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), trong khởi nghĩa Nam kỳ, cán bộ cách mạng và nhân dân đã ghi nhiều dấu son rất đáng tự hào: Từ ngày 23-11 đến ngày 30-11-1940, toàn tỉnh có 74 làng (xã) đã giành được quyền làm chủ, bao gồm: Quận Cái Bè (2 xã), quận Cai Lậy (23 xã), quận Châu Thành (30 xã), quận Chợ Gạo (19 xã)…

Đặc biệt là, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với  tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng rôn treo trước trụ sở Ủy ban cách mạng xã Long Hưng;

Ủy ban cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và việc làm đầu tiên là thành lập Tòa án nhân dân để xét xử bọn tay sai ác ôn - đây là lần đầu tiên ở Nam kỳ và cũng là lần đầu tiên trong cả nước Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập;

Cũng là lần đầu tiên Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên ngọn cây bàng trước sân đình Long Hưng (nhiều tài liệu lịch sử cho rằng do đồng chí Lê Quang Sô - người phụ trách công tác Mặt trận và cơ sở in ấn tài liệu của Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế).

Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của Cuộc khởi nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, trọng tâm là:

Tập trung xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là không ngừng nâng cao trí tuệ, năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược cách mạng khoa học và sáng tạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng giai đoạn đổi mới

Không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thành nguồn sức mạnh và động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước trong từng thời kỳ nhằm tích cực phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng quốc phòng - an ninh vững chắc, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại…

Nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức Đảng thực sự tiên phong, gương mẫu, trước hết là người đứng đầu; làm cho nhân dân tin yêu và gắn bó máu thịt với Đảng.

Làm được những việc trên chính là sự tiếp nối tinh thần phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi và cũng là phát huy bài học vô giá của thế hệ chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú tận tụy với nhân dân thời “Nam Kỳ khởi nghĩa” để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

M.T

.
.
Liên kết hữu ích
.