Thứ Ba, 24/11/2020, 17:55 (GMT+7)
.

Vì một Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng

(ABO) Chưa bao giờ sự phát triển, thịnh vượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đưa lên bàn nghị sự của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương như thời gian gần đây. Bởi, đây là vùng đất được xem là trù phú nhưng chịu rất nhiều điểm “nghẽn” để bứt phá đi lên, chưa kể những thách thức hiện hữu đã và đang kìm hãm sự phát triển cho vùng đất này.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120/NQ-CP) cũng đã đặt ra yêu cầu rất lớn để cho một ĐBSCL phát triển, thịnh vượng, xứng tầm với vị thế của nó.

Để bước tiếp chặng đường hiện thực hóa Nghị quyết 120/NQ-CP, một hội nghị với quy mô lớn về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 26-11-2020 tại TP. Cần Thơ do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì, với sự tham gia của các tỉnh, thành trong vùng.

a
Nhiều giải pháp được bàn thảo để ĐBSCL phát triển, thịnh vượng.

Thông tin hội nghị được đưa ra tại buổi họp báo ngày 23-11 cho thấy, hội nghị sẽ đưa ra nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn, với tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch.

Thông qua nhiều hội thảo tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng thấp so với các vùng khác, nguyên nhân do vùng dựa chủ yếu vào nông nghiệp trong khi lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ đóng góp và tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với dịch vụ và công nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với vùng là phải trở thành vùng động lực phát triển của cả nước.

Trong khi đó, qua đánh giá của các chuyên gia, đây lại là vùng dễ bị tổn thương nhất, thách thức đầu tiên đối với vùng là vấn đề nguồn nước. Đó là yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển vùng, nước ngọt của sông về vùng ĐBSCL bị tác động rất lớn bởi nước đầu nguồn, hệ lụy xâm nhập mặn, những mô hình canh tác bị phá hủy.

Nhìn ở khía cạnh khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện được một quan điểm mới là nhìn nhận vùng ĐBSCL không thuần túy là khó khăn mà cần biến thách thức thành cơ hội, phát triển tập trung và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Vùng ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn an ninh lương thực quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông, vùng ĐBSCL càng có nhiều cơ hội phát triển.

Tiền Giang đã và đang tìm hướng đi thích ứng với sự phát triển của ĐBSCL.
Tiền Giang đã và đang tìm hướng đi thích ứng với sự phát triển của ĐBSCL.

Là thành viên của ĐBSCL nên những thời cơ và thách thức của vùng, Tiền Giang ít nhiều cũng chịu tác động. Nhất là các thách thức của ĐBSCL, Tiền Giang được đánh giá là chịu tác động không nhỏ. Chính vì thế, định hướng chiến lược phát triển được đề ra trong Kế hoạch 96 ban hành ngày 28-3-2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang nhằm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cũng nhằm hướng đến câu chuyện tương lai của Tiền Giang trong xu thế chung của vùng ĐBSCL.

Trên nền tảng chung của ĐBSCL, Tiền Giang cũng đã xác định chiến lược phát triển cho chặng đường tới. Đó là phải dựa trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Đó là xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội.

Đó là việc chuyển đổi mô hình phát triển dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên. Đó là việc tiếp cận một cách tổng thể, gắn với tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là với TP. Hồ Chí Minh, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL…

Để định hướng phát triển này đi vào thực chất và hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa theo từng mục tiêu chung. Một trong những điểm nhấn quan trọng là xây dựng Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang tích hợp phát triển bền vững vùng ĐBSCL, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và thực hiện phương châm lấy con người làm trung tâm.

Đồng thời, Tiền Giang cũng sẽ triển khai thực hiện cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL, điều phối phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh... Nhìn chung, trong mỗi chiến lược phát triển của Tiền Giang đều nằm trong bức tranh chung của các tỉnh, thành; ít nhất cũng trong vùng ĐBSCL. Đó cũng là bước đi cần thiết cho chặng đường mới của Tiền Giang.

Điểm mấu chốt cho câu chuyện tương lai là xây dựng kịch bản để Tiền Giang thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng và những nội tại của vùng ĐBSCL. Bởi biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tác động không nhỏ đối với cả khu vực chứ không riêng bất kỳ một tỉnh, thành nào.

Xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và chiến lược phát triển để ứng phó với các vấn đề nội tại trong bức tranh chung của ĐBSCL là vấn đề mang tính cấp bách đối với từng tỉnh, thành trong vùng và tất nhiên trong đó có Tiền Giang. Chính vì thế, Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời được dự báo sẽ tạo nên bước tiến mới cho ĐBSCL trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen.

T.T

.
.
.