Chủ Nhật, 20/12/2020, 20:06 (GMT+7)
.

Xem lại chiếc "lò xo" kinh tế

(ABO) Năm 2020 dần khép lại với bộn bề những khó khăn nhưng điểm lại Tiền Giang cũng đạt được nhiều dấu son quan trọng. Chiếc “lò xo” kinh tế tuy chưa thể bật mạnh như mong muốn sau hàng loạt các tác động bất lợi nhưng Tiền Giang cũng để lại những dấu ấn riêng.

Nếu soi rọi vào những “điểm nhấn” mang tính bất lợi của năm 2020 không thể không nhắc đến dịch bệnh Covid-19 tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông…

Một trong những yếu tố bất lợi được mang lại từ dịch Covid-19 là đã làm cho một số nông sản bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc tiêu thụ khó khăn, gây thiệt hại về kinh tế khá lớn, nhất là thanh long, sầu riêng, mít… liên tục rớt giá. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đây lại là những nhóm sản phẩm mang tính chủ lực của Tiền Giang nói riêng và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước nói chung. Chỉ riêng Covid-19 cũng đủ để làm “lay động” các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2020 của nhiều ngành, lĩnh vực.

Tiền Giang gặt hái nhiều thành tựu trong năm 2020.
Tiền Giang gặt hái nhiều thành tựu trong năm 2020.

Nhưng rõ ràng năm 2020 đâu chỉ có dịch Covid-19 mà còn có nhiều yếu tố bất lợi tác động khác, điển hình là cơn hạn, mặn mang tính lịch sử diễn ra vào những tháng đầu năm 2020. Rất nhiều người vẫn còn nhớ như in diễn biến xâm nhập mặn năm 2020 rất phức tạp, mặn xuất hiện sớm, độ mặn tăng cao đột biến, vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016, lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực cây trồng.

Chưa kể, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra, tác động tâm lý trong dân, ảnh hưởng hoạt động tái đàn heo của tỉnh. Chỉ cần những yếu tố tác động này cũng đủ để ngành Nông nghiệp nói riêng, kinh tế Tiền Giang nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Bởi kinh tế Tiền Giang phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế nông nghiệp mang lại.

Từ những yếu tố bất lợi này, câu chuyện chiếc “lò xo” kinh tế được đề cập gần đây nhằm với mục tiêu kép là vừa vượt qua khó khăn của dịch bệnh, hạn, mặn và vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Thật ra, nói thì dễ nhưng để đảm bảo mục tiêu này không phải là câu chuyện dễ làm.

a
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 của Tiền Giang tiếp tục tăng.

Nói chính xác hơn, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, không chỉ riêng đối với Tiền Giang, mà còn đối với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Để vượt qua mục tiêu này, mỗi tỉnh, thành đều lựa chọn hướng đi, giải pháp riêng. Tiền Giang cũng không ngoại lệ.

Khép lại chặng đường của năm 2020 đầy khó khăn, thách thức nhưng Tiền Giang tiếp tục chạm đến những dấu mốc mới. Điểm qua một số chỉ tiêu, con số mới thấy rằng, Tiền Giang đã lựa chọn hướng đi và giải pháp hợp lý như thế nào.

Tuy tổng sản phẩm trên địa bàn Tiền Giang (GRDP) năm 2020 ước chỉ tăng 1,5%, không đạt kế hoạch đề ra, nhưng bù lại nhiều yếu tố Tiền Giang đạt rất tốt như GRDP bình quân đầu người đạt 57,4 triệu đồng (kế hoạch 55,3 triệu đồng), tăng 2,1 triệu đồng so năm 2019; nếu tính đến cuối tháng 12-2020, Tiền Giang có 750 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so thực hiện năm 2019; thu hút được 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.779 tỷ đồng, tăng hơn 33%.

Chưa kể, chỉ số sản xuất công nghiệp Tiền Giang tiếp tục tăng 1,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 ước thực hiện 65 ngàn tỷ đồng, tăng 4,8% so năm 2019 và đạt 95,6% kế hoạch năm 2020...

Điểm qua một số con số để thấy rằng, trong chặng đường vừa qua, dù chịu tác động của rất nhiều yếu tố bất lợi, nhưng Tiền Giang vẫn cho thấy một tiềm lực ổn định, bền vững. Đó là kết quả của việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hợp lý, đó là sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. Và đó cũng là nền tảng vững chắc để Tiền Giang bước tiếp cho chặng đường mới.

T.T

.
.
.