Chủ Nhật, 22/08/2021, 09:16 (GMT+7)
.

ATM - Ân tình còn mãi

(ABO) Người Việt trọng nhân nghĩa, nặng chữ tình, điều đó được khắc hoạ đậm nét trong những ngày đất nước đối mặt với khó khăn từ đại dịch COVID 19. Đặc biệt sự ra đời của những cây ATM, một hình thức thiện nguyện có một không hai trên thế giới là minh chứng thuyết phục cho nghĩa cử này của người Việt.

Nói đến ATM mùa COVID 19, chúng ta nghĩ ngay đến "ATM gạo" của CEO Hoàng Tuấn Anh, người khởi xướng hình thức từ thiện ứng dụng công nghệ thích ứng với điều kiện giãn cách phòng, chống dịch. Từ ý tưởng sáng tạo của chàng doanh nhân 8X đã nhân bản yêu thương, lan toả tình người ra khắp cả nước với nhiều cây "ATM gạo" xuất hiện; và sau đó được “biến tấu” với hình thức khác cũng đẹp không kém như ATM thực phẩm... viết tiếp câu chuyện nhân ái nghĩa tình của người dân TP. Hồ Chí Minh và cả nước. 

Đợt dịch COVID 19 thứ 4 bùng phát, tính khốc liệt tăng lên, đất nước đang trong những ngày khó khăn nhất, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng từ dịch bệnh, nhằm san sẻ, tiếp sức thêm nguồn lực cho các bệnh viện. "ATM oxy" ra đời, vẫn là ý tưởng nhân văn của doanh nhân Hoàng Anh Tuấn với thông điệp “Trao oxy - nối dài sự sống". Mô hình "ATM oxy" do Hội Doanh nhân trẻ phối hợp với Thành đoàn TP.HCM phát triển đã giúp đỡ nhiều người dân vượt qua giây phút hiểm nghèo.

Việc giãn cách xã hội kéo dài khiến sinh kế của người dân gặp lắm khó khăn. Nhiều hoạt động thiện nguyện ra đời, từ cá nhân đến các tổ chức, từ các đoàn thể chính quyền đến người dân lao động; tất cả cùng sẻ chia, cố gắng hỗ trợ dìu nhau đi qua đại dịch.

a
Các bạn đoàn viên trên đường đi giao oxy cho người dân - Ảnh: PL

Trong bối cảnh đó, những hình thức ATM khác lại ra đời, khá lạ lẫm nhưng đều có điểm chung là tính nhân văn, nghĩa đồng bào trong cuộc chiến với giặc vô hình COVID 19. Đó là  ATM nhà trọ, ATM việc làm cho người khó khăn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ ngày 16-8.

Cụ thể để chia sẻ gánh nặng với người dân lao động ở lại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian giãn cách. Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên thuộc Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã vận hành chương trình “ATM nhà trọ cộng đồng”“ATM việc làm cộng đồng”. Theo đó, ATM nhà trọ sẽ ghi nhận thông tin người cần chỗ trọ và chủ nhà trọ, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà trọ cho người lao động. Còn ATM việc làm sẽ kết nối nhu cầu việc làm giữa nhà tuyển dụng và người lao động, những công việc phù hợp với hoàn cảnh dịch hiện nay như cung ứng thực phẩm, kinh doanh vận chuyển, dịch vụ hỗ trợ hậu cần bệnh viện…

Và đặc biệt mới đây “ATM F0 chống dịch” ra đời. Đây là chương trình gây quỹ hỗ trợ kinh phí cho các F0 đã khỏi bệnh có việc làm, có thu nhập và trên hết là tạo cơ hội để họ tri ân đội ngũ y tế đã cứu chữa mình. Các F0 sau khi khỏi bệnh có mong muốn tham gia chương trình sẽ được tập huấn cấp tốc về kiến thức và kỹ năng chăm sóc bệnh nhân COVID-19, được phân bổ về các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly để hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ.

Mỗi F0 tình nguyện này sẽ được chương trình hỗ trợ từ 6 - 8 triệu đồng/tháng để có thêm chi phí trang trải cho sinh hoạt hằng ngày. Đây là một ý tưởng nhân văn, tiếp nối chuỗi chương trình về các “ATM nghĩa tỉnh” hỗ trợ thành phố có thêm nguồn lực đẩy lùi dịch bệnh. Chương trình "ATM F0 chống dịch" sẽ biến những F0 từng chiến đấu với tử thần thành các "chiến binh F0" hỗ trợ nhiều mặt cho đội ngũ y tế tuyến đầu; trong đó có việc tư vấn tâm lý, tiếp thêm sức mạnh cho các F0 vững vàng vượt qua dịch bệnh.

TP Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước nói chung đang trong những ngày khó khăn nhất, nhưng qua đó càng thấy rõ hơn tính nhân văn, sự sáng tạo của một thành phố nghĩa tình. Dịch bệnh dù có khốc liệt thế nào chắc chắn sẽ được đẩy lùi; những gian khó hôm nay rồi cũng sẽ qua. Duy có tình người và những câu chuyện nhân văn sẽ còn lưu mãi trong ký ức của người dân TP. Hồ Chí Minh và cả nước; trong đó có câu chuyện rất lạ về những cây ATM.

LÊ LONG HỒ


 

.
.
.