Thứ Bảy, 14/08/2021, 08:47 (GMT+7)
.

Gỡ khó trong thu mua lúa gạo tạm trữ

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu gạo của nước ta trong 7 tháng qua giảm 10,6% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu giảm là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng. 

Mặc dù nhà nhập khẩu đang cần lượng lớn gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp của chúng ta lại không giao hàng được vì không thuê được tàu biển, container. Tình trạng lúa gạo ùn ứ từ kho đến cảng khiến tiến độ thu mua lúa hè thu rất chậm, đẩy giá lúa ở ĐBSCL giảm sâu (trung bình khoảng 500-600 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, có loại giảm 1.300 đồng/kg).

Đến thời điểm này, ĐBSCL đã thu hoạch được 702.000ha, nhưng nhiều nơi không có thương lái thu mua; trong khi còn khoảng 800.000ha nữa cần được thu hoạch từ nay đến 15-9, tiếp tục trở thành gánh nặng thua lỗ cho bà con nông dân.

Đầu tháng 8-2021, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị triển khai ngay chương trình thu mua dự trữ lúa gạo quốc gia để cải thiện giá, giúp bà con yên tâm sản xuất. Hưởng ứng đề xuất này, ngày 10-8, Ngân hàng Nhà nước đã ra Công văn số 5747 yêu cầu các ngân hàng thương mại mở rộng hạn mức tín dụng giúp doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến, giảm ách tắc trong lưu thông, tồn ứ lúa gạo tại ĐBSCL.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đơn giản quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới… để tháo gỡ khó khăn cho thương nhân kinh doanh lúa gạo. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ đạo này của Ngân hàng Nhà nước còn chung chung, chưa thực sự giúp hóa giải tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không dễ tiếp cận được vốn ngân hàng.

Vì vậy, sau khi làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, ngày 12-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ngay Công văn số 4889 kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Theo đánh giá, đây mới là giải pháp cụ thể, thiết thực để giảm khó khăn về chi phí, lãi suất cho doanh nghiệp; đồng thời giúp tất cả thương nhân đều có cơ hội vay được vốn ngân hàng với thủ tục nhanh gọn nhất để thu mua kịp thời lúa gạo cho bà con nhờ thế chấp chính số lúa gạo thu mua được.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng lợi dụng lách luật, các cơ quan chức năng cần bám sát tình hình thực tế, yêu cầu doanh nghiệp có các cam kết, để chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo thực sự đem lại lợi ích cho nông dân. Cần ngăn chặn dấu hiệu doanh nghiệp đang chờ giá lúa tiếp tục giảm để “bắt đáy”.

Các doanh nghiệp có vai trò “anh cả, anh hai” như Vinafood 1, Vinafood 2, vốn được ưu ái lâu nay về vùng nguyên liệu, hợp đồng xuất khẩu lớn, không nên “án binh bất động” như lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh đặt ra trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường lúa gạo do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ ở phía Nam hãy cùng giúp bà con tiêu thụ lúa gạo, không nên chờ giá xuống tới đáy mới thu mua như cảnh báo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Nhiều chuyên gia cũng đề nghị, để sản xuất lúa gạo thích ứng với kịch bản dịch Covid-19 có thể kéo dài, Chính phủ cùng các bộ ngành có thể thống nhất lại quy trình kiểm soát dịch bệnh, thương lái thu mua lúa cũng cần được hưởng “luồng xanh” như các phương tiện vận tải, ưu tiên tàu và container cho các lô gạo xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho, sớm giải tỏa ách tắc tại các cảng biển. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ lãi suất và mở rộng gói tín dụng để thu mua tạm trữ hết lúa gạo cho nông dân, chờ cơ hội xuất khẩu với giá cao.

(Theo www.sggp.org.vn)

.
.
.