Thứ Hai, 22/11/2021, 11:26 (GMT+7)
.

Phát huy truyền thống Nam kỳ khởi nghĩa, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội

81 năm đã đi qua, nhưng những năm tháng hào hùng ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của biết bao người. Lịch sử ghi lại: Ngày 23-11-1940, quân và dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quật khởi vùng lên, sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải của mình, quyết tâm đấu tranh giành tự do, độc lập. Từ đó, ý nghĩa to lớn và bài học vô giá của khởi nghĩa Nam kỳ luôn cổ vũ hành động của chúng ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Chợ Long Hưng, nơi diễn ra cuộc biểu tình của 800 người tham gia vào đêm 23-11-1940 do ông Hà Tôn Hiến lãnh đạo (xã Long Trung, Cai Lậy).
Chợ Long Hưng, nơi diễn ra cuộc biểu tình của 800 người tham gia vào đêm 23-11-1940 do ông Hà Tôn Hiến lãnh đạo (xã Long Trung, Cai Lậy).

Cùng với các tỉnh Nam bộ, trong khởi nghĩa Nam kỳ, cán bộ cách mạng và nhân dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã ghi nhiều dấu son rất đáng tự hào: Từ ngày 23-11 đến 30-11-1940, toàn tỉnh Mỹ Tho có 74 làng (xã) đã giành được quyền làm chủ, bao gồm: Quận Cái Bè (2 xã), quận Cai Lậy (23 xã), quận Châu Thành (30 xã), quận Chợ Gạo (19 xã)…

Đặc biệt là, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với  tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng rôn treo trước trụ sở Ủy ban cách mạng xã Long Hưng; Ủy ban cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và việc làm đầu tiên là thành lập Tòa án nhân dân để xét xử bọn tay sai ác ôn - đây là lần đầu tiên ở Nam kỳ và cũng là lần đầu tiên trong cả nước Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập và cũng là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên ngọn cây bàng trước sân đình Long Hưng (nhiều tài liệu lịch sử cho rằng do đồng chí Lê Quang Sô - người phụ trách công tác Mặt trận và cơ sở in ấn tài liệu của Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế).

Lịch sử đấu tranh của Nam bộ từ đó đã ghi những trang oanh liệt nhất, đánh dấu thêm một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. 5 năm sau, quân và dân Tiền Giang làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, liền sau đó là tiến hành Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), tiếp theo trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ đã lần lượt kiên cường, bất khuất, làm nên những chiến công vang dội như: Chiến thắng Cổ Cò (22-1-1947), Chiến thắng Long Thạnh (18-2-1947 âm lịch), Chiến thắng Giồng Dứa (25-4-1947)…, cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp, đánh dấu bằng Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954.

Tiếp tục, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Tiền Giang đã làm nên những chiến công oanh liệt như: Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963), Chiến thắng Ba Rài (15-9-1967), Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng (11-3-1975) và liền sau đó là Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975.  Tiếp theo, cùng cả nước, tỉnh ta đã tiến hành công cuộc đổi mới 35 năm qua đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của khởi nghĩa Nam kỳ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh từng năm và cả 5 năm, để đến năm 2025 Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó cũng chính là sự tiếp nối tinh thần phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi và cũng là phát huy bài học vô giá của thế hệ chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú tận tụy với nhân dân thời “Nam kỳ khởi nghĩa” để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

M.T

 

.
.
.