Thứ Hai, 27/12/2021, 20:33 (GMT+7)
.

Bao giờ hết cảnh "đến hẹn lại lên"?!

Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu đã trở thành “điệp khúc” quen thuộc, cứ “đến hẹn lại lên”. Bài toán cũ chưa có lời giải và năm nay vấn nạn này lại tái diễn trầm trọng với đỉnh điểm có lúc hơn 6.000 xe container hàng hóa, nông sản nối đuôi nhau san sát nằm chờ từ quốc lộ đến tận điểm thông quan ở Lạng Sơn.

a
Xe nông sản đang ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) - Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Nhiều năm qua, tình trạng ùn ứ hàng hóa như gạo, dưa hấu, khoai lang, trái cây... thường diễn ra vào dịp gần Tết hoặc khi nước bạn "chuyển trạng thái" thông quan. Và năm nay “nghịch lý” của tình trạng này cũng vậy. Nhiều người cho rằng, ở nước ta nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, chuẩn bị hàng Tết nên hàng lại “tắc”. Mặt khác là Trung Quốc đang thực hiện chính sách "Zero COVID" nên việc kiểm soát phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến qúa trình thông quan…

Như thường lệ, khi “căn bệnh” trầm kha tái phát, các bộ quản lý và địa phương đều ngồi lại bàn và tìm phương án giải quyết. Đó là việc các bộ quản lý khuyến cáo địa phương lên phương án cân đối, chủ động bảo quản nông sản tại các kho lạnh; khuyến nghị doanh nghiệp chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới từ sớm, từ xa, phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu...

Thậm chí kênh ngoại giao với phía Trung Quốc để có biện pháp tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu để giải quyết và là giải pháp tình thế cũng đã được thực hiện. Nhưng giống như tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, những giải pháp này đều không mới. Vì vậy cứ “đến hẹn lại lên”, nông sản vẫn cứ “ùn ứ”, thậm chí năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.

Điều đáng nói là hàng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ đi đến mỗi Trung Quốc. Chúng ta đã xuất khẩu nhiều tỉ đô la nông sản đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới, tất cả đều theo hợp đồng, xuất chính ngạch với các tiêu chuẩn cao về chất lượng, giao nhận, thanh toán... Vậy mà với xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, năm nào cũng phải lặp lại điệp khúc "nghẽn ở cửa khẩu".

Thực tế này là lời cảnh tỉnh “không hề nhẹ” đối với chuỗi cung ứng hàng hóa ở nước ta. Điều này đòi hỏi chúng ta cần “kê toa”, “bốc thuốc” để chấm dứt. Cũng như năm nay, chúng ta không thể đổ hết cho COVID-19. Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu hiện nay là chỉ dấu, một hiệu ứng dây chuyền tất yếu, một bằng chứng của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa… chưa chuẩn nên mới dẫn đến những bất cập về đầu ra, về thị trường tiêu thụ như thời gian qua.   

Vì vậy, để hết cảnh “đến hạn lại lên”, các cấp, các ngành phải sớm có giải pháp “từ gốc”, căn cơ chứ không thể tồn tại mãi “nước đến chân mới nhẩy”. Các địa phương cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nắm thông tin, liên kết chia sẻ thông tin giữa các địa phương vùng trồng về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản minh bạch, công khai có lợi cho người nông dân. Đặc biệt cần thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu và cả việc điều chỉnh lại các mối quan hệ thương mại.

Bởi qua những đợt dịch vừa qua cũng đã nhận ra là Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”. Họ ngày càng siết chặt các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, về an toàn thực phẩm, chưa kể các chính sách xuất nhập khẩu liên tục thay đổi. Họ đang hướng đến việc “không thích” nhập khẩu tiểu ngạch nữa mà thiên về “chính ngạch”. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta vẫn giữ nguyên cung cách, quan điểm làm ăn như trước, vẫn chọn cách dễ nhất, thu mua rồi bán tiểu ngạch. Thị trường ứ hàng thì giảm giá thu mua, thậm chí ngưng thu mua thay vì đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng kho bãi, chế biến... để hóa giải vấn nạn "được mùa mất giá", trồng chặt - chặt trồng của nông nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản và tính tới chuyện đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc bằng đường “chính ngạch”, mua bán theo hợp đồng, với điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường mới tiềm năng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc… Có như vậy, chúng ta mới chấm dứt được câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và người chịu thiệt thòi nhất chính là người nông dân của chúng ta…/.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.