Thứ Tư, 08/12/2021, 22:21 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chỉ tiêu tăng trưởng 6% - 7%, liệu có khả thi?

(ABO) Nhiều cơ sở cho sự tăng trưởng của Tiền Giang trong năm 2022, tuy nhiên điều cử tri quan tâm là giải pháp triển khai thực hiện, cùng việc kiểm soát hiệu quả tình hình dịch Covid-19.

a
Kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ tạo đà khôi phục tăng trưởng cho năm 2022. Ảnh: Lê Hải

Năm 2021 có quá nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Theo thống kê mới cập nhật, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2021 (GRDP) giảm 0,7% (kế hoạch đề ra tăng 6% - 7%). Năm 2020 do tác động của dịch bệnh, chỉ tiêu này cũng chỉ tăng 0,69%.

Vì thế, việc UBND tỉnh Tiền Giang đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2022 từ 6% - 7% đã được các đại biểu tham gia Kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa X đặc biệt quan tâm tại phiên thảo luận. Cơ sở nào để Tiền Giang đặt ra chỉ tiêu trên, trong khi dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường trong năm 2022.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, cơ sở đầu tiên là quyết tâm chính trị để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020 - 2025  theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thứ hai là dư địa tăng trưởng cho năm 2022 là có thực. Cụ thể, theo dự báo, hạn, mặn năm 2022 sẽ không quá gay gắt; công tác phòng, chống hạn, mặn đã có sự chủ động. Bên cạnh đó, chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản kỳ vọng sẽ ít khó khăn hơn năm 2021; nhất là khi Dự án Chế biến trái cây của Công ty THABICO đi vào hoạt động sẽ là điểm nhấn trong khai thác thế mạnh kinh tế vườn của tỉnh, tạo tăng trưởng cả trong nông nghiệp và công nghiệp.

Năm 2021 nhiều khó khăn nhưng khu vực I vẫn tăng trưởng 1,66%, năm 2022 dự báo nhiều thuận lợi hơn, nên mục tiêu tăng trưởng trên 3% cho khu vực này là khả thi.

a
Công nhân Khu công nghiệp Tân Hương trở lại làm việc sau thời gian giãn cách. Ảnh: Minh Thành

Với khu vực II (công nghiệp và xây dựng), năm 2022, dự kiến sẽ có nguồn tăng trưởng cao hơn năm 2021. Cụ thể: Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu về may mặc, thủy sản..., đơn hàng hiện đã có đến hơn tháng 6-2022; một số nhà đầu tư lớn trong khu công nghiệp cũng đã hoàn thành xây dựng nhà máy,  cùng Dự án Điện gió Tân Phú Đông 1 với vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng năm 2022 bắt đầu hoạt động,

Đặc biệt, ngoài các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh sẽ triển khai trong năm 2022, còn có một số dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn khả năng cũng đạt khối lượng thi công lớn, như: Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, hoàn thành năm 2022), Dự án Nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo - giai đoạn 2 (1.335,6 tỷ đồng), Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 (5.175 tỷ đồng), Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 (trên 5.000 tỷ đồng)… Với các yếu tố trên, mục tiêu tăng trưởng khu vực II của tỉnh năm 2022 phấn đấu trên 9,5% là khả thi.

a
Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoàn thành năm 2022. Ảnh: Minh Thành

Về khu vực III (thương mại - dịch vụ), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang dự báo sẽ phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại trong điều kiện bình thường mới. Theo thống kê về tăng trưởng kinh tế của tỉnh 10 năm qua cho thấy, nếu không đứt gãy chuỗi sản xuất - lưu thông - tiêu thụ như trong năm 2021 thì quy luật tăng trưởng luôn theo chiều hướng: Khu vực III luôn có tăng trưởng ở nhịp độ gấp 2 lần nhịp độ tăng trưởng ở khu vực I. Chính vì vậy, mục tiêu đề ra tăng trưởng khu vực III trên 6,4% là khả thi.

Phân tích về khả năng tăng trưởng của 3 khu vực như trên là cơ sở để Tiền Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6% - 7%. Đây là những chỉ tiêu phấn đấu, nên vấn đề còn lại là quyết tâm để chuyển những dư địa tăng trưởng này thành những kết quả cụ thể, biến các chỉ tiêu thành hiện thực. Điều này tùy thuộc vào những giải pháp triển khai thực hiện, cùng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt là quyết tâm kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian tới.

LÊ LONG HỒ

.
.
.