Thứ Năm, 17/03/2022, 16:03 (GMT+7)
.

Áp lực đè nặng người nông dân

(ABO) Hội nghị sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ đông xuân 2021-2022 và triển khai kế hoạch các vụ mùa năm 2022 diễn ra ngày 17-3 tại Vĩnh Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức một lần nữa chỉ ra rất nhiều thách thức mà ngành Nông nghiệp phải gánh chịu.

Nhìn trên bức tranh toàn cục, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng, nhận định đại dịch, giá phân bón tăng kỷ lục, hạn hán, xâm nhập mặn là 3 thách thức lớn của sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2021-2022.

Điều này hoàn toàn đúng với thực tế nhưng có lẽ không chỉ đối với tình hình sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 mà còn cả trên bình diện toàn ngành Nông nghiệp. Minh chứng dễ nhận thấy rằng, trong những tháng gần đây giá phân bón tăng phi mã đã tác động trực tiếp làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân. Bằng chứng là một bao phân DAP 50kg vào đầu 2021 có giá chỉ khoảng 700.000 đồng, nay đã lên gấp đôi. Phân NPK loại 25kg cũng tăng từ 350.000 đồng lên 550.000 đồng/bao hay phân Urê từ 390.000 đồng/bao đã nhảy lên gần 1 triệu đồng.

Chi phí sản xuất tăng tạo áp lực lớn cho người nông dân.
Chi phí sản xuất tăng tạo áp lực lớn cho người nông dân.

Nếu nhìn trong bức tranh rộng hơn một chút, đại dịch đã và đang “tàn phá” khủng khiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực, nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Nhiều chuỗi cung ứng tắt nghẽn một thời gian dài, sản xuất đình đốn và dĩ nhiên nhiều mặt hàng nông sản xảy ra tình trạng ùn ứ, giá xuống chạm đáy. Nhiều đợt kêu gọi “giải cứu” cũng đã và đang được triển khai để khơi thông trong nhóm ngành nông sản. Nhiều hội nghị mang tính chuyên để để tháo gỡ khó khăn, tìm bài toán đầu ra cho hàng nông sản, mà thanh long là một điển hình, đã được tổ chức. Nhưng dường như áp lực đối với người nông dân vẫn chưa được cởi bỏ.

Nhìn từ thực tiễn, bức tranh nông nghiệp của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua luôn phải đối mặt với câu chuyện của hạn, mặn, biến đổi khí hậu. Chỉ cần một năm, 2019 chẳng hạn, mặn lấn sâu và kéo dài đã để lại những hệ lụy rất nặng nề đối với rất nhiều vườn cây ăn trái của Đồng bằng sông Cửu Long và đến nay vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Nhưng câu chuyện hạn, mặn chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại và tất nhiên những phương án, kịch bản lại được đưa ra khi mùa khô mỗi năm bắt đầu. Cuộc sống của người nông dân lại cứ thắc thỏm với từng con nước triều khi mùa khô đến.

Trong bức tranh còn nhiều gam màu sáng tối, nhưng dẫu sao ngành Nông nghiệp vẫn còn những tia hy vọng. Đó là sự nỗ lực chuyển đổi để thích ứng tình hình. Đó là tư duy mới trong sản xuất. Đó là những cửa mở ở những thị trường tiềm năng. Biết đâu trước những thách thức mới sẽ tiếp thêm động lực cho ngành Nông nghiệp chuyển đổi. Và như thế, áp lực đè nặng lên vai người nông dân sẽ nhẹ hơn.

TA

.
.
.