Thứ Ba, 29/03/2022, 10:59 (GMT+7)
.

Niềm vui mới của người dân ĐBSCL

(ABO) Sáng nay, 29-3, cầu Rạch Miễu 2 chính thức được khởi công. Đây được xem là sự kiện quan trọng không chỉ đối với người dân Tiền Giang, Bến Tre mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bởi những nút thắt về giao thông cho cả khu vực đã từng bước được tháo gỡ. Điều này cũng có nghĩa là huyết mạch giao thông trong vùng ngày càng được đầu tư, kết nối. Và hơn hết là bức tranh đời sống của ĐBSCL rồi cũng sẽ khác đi, vựa lúa đồng bằng rồi sẽ tươi mới hơn, người dân có điều kiện sinh kế hơn và tương lai sẽ khá giả hơn.

Nhìn lại bức tranh đồng bằng mới thấy, những chiếc cầu đã góp phần thay đổi diện mạo cùng đất này đến thế nào. Hơn 20 năm trước, khi cầu Mỹ Thuận khánh thành, hàng ngàn người con đồng bằng ăn mừng như ngày hội lớn. Bởi khi đó, cầu Mỹ Thuận được xem là ngoài sự mong đợi của hàng triệu người con vùng đất Chín Rồng. Tiếp nối cầu Mỹ Thuận, những chiếc cầu mang tính kết nối các tỉnh, thành lần lượt ra đời. Đó là cầu Rạch Miễu, Cần Thơ, Cao Lãnh… Gần đây nhất là cầu Mỹ Thuận 2 đã được khởi công và hôm nay cầu Rạch Miễu 2 lại được tiếp nối.

Mô hình cầu Rạch Miễu 2.
Mô hình cầu Rạch Miễu 2.

Chúng tôi còn nhớ, cách đây 13 năm, vào ngày 19-1-2009, cầu Rạch Miễu nối đôi bờ Tiền Giang và Bến Tre được khánh thành. Chiếc cầu này đã mang lại ý nghĩa rất to lớn cho người dân tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Bởi sau biết bao năm chờ đợi, nhẫn nại qua từng chuyến phà, hàng ngàn người Bến Tre, Tiền Giang từ hai đầu cầu Rạch Miễu đã có thể chạy ào qua cây cầu lộng gió, cây cầu dây văng đầu tiên 100% “Made in Việt Nam”. Niềm vui đến mức, phát biểu tại Lễ khánh thành cầu Rạch Miễu, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã trải lòng, tôi vui mừng muốn thét lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Hai bờ sông Tiền đã nối liền nhau”…

Sau 13 năm, đời sống người dân đồng bằng đã thay đổi, nhu cầu đi lại gia tăng, cầu Rạch Miễu giờ đây đã “chật chội” hơn, nhất là vào những ngày lễ, tết. Cầu Rạch Miễu 2 ra đời ngay thời điểm này để chia lửa cho cầu Rạch Miễu là kịp thời và rất cần thiết. Đây là cầu thứ 7 bắc qua sông Tiền, sau cầu Rạch Miễu, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mỹ Thuận (nối Vĩnh Long với Tiền Giang), Mỹ Thuận 2 (đang xây dựng), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (nối Bến Tre với Trà Vinh). Tất nhiên, khi công trình hoàn thành góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực ĐBSCL, giúp giảm tải cho Quốc lộ 60, đặc biệt là cầu Rạch Miễu hiện hữu thường ùn tắc dịp lễ, tết.

Chưa hết, người dân ĐBSCL sẽ còn chứng kiến nhiều niềm vui hơn khi hạ tầng giao thông trong vùng tiếp tục được đầu tư. Bởi sau cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, cầu Đình Khao qua sông Cổ Chiên và cầu Đại Ngãi nối hai bờ sông Hậu cũng sẽ được triển khai, dự kiến hoàn thành sau 1-4 năm tới.

Vậy là, sau bao năm chờ đợi, hạ tầng giao thông của các tỉnh ĐBSCL đã dần được thay mới, góp phần khai thác vùng đất trù phú gồm 13 tỉnh, thành và được xem là vùng kinh tế quan trọng khi góp gần 18% GDP cả nước. Hơn ai hết, khoảng 20 triệu người dân đồng bằng sẽ đón nhận nhiều niềm vui lớn hơn.

TA

.
.
.